Thị trường chứng khoán giảm mạnh là cơ hội để gom hàng?
Bản chất của những phiên "giảm sâu-tăng sốc- phút chốc lại đảo chiều" là những nhà đầu tư chuyên nghiệp đang tạo ra cuộc chơi và những nhà đầu tư khác là quân cờ trong tay họ. Càng bấn loạn, nhà đầu tư càng bị mất nhiều tiền. Bình tĩnh xử lý sẽ giúp bạn có danh mục tốt hơn.
Ai cũng phải thừa nhận rằng, thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua hết sức hưng phấn. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường và đẩy chỉ số vượt hết ngưỡng này đến ngưỡng khác. Đỉnh lịch sử 10 năm cũng được vượt qua.
Và không ai có thể phủ nhận được rằng, tình hình vĩ mô diễn biến thuận lợi. Lạm phát thấp, tăng trưởng được cam kết và có cơ sở được cam kết ở mức khá cao. Nỗ lực của nhà nước trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề "ngày xửa ngày xưa" của ngành ngân hàng cũng cho thấy những mặt trái xấu nhất của nền kinh tế đã được đưa ra, làm trong sạch hóa hệ thống.
Chính bởi thế, những nhà đầu tư lớn vẫn đặt niềm tin lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam ngay cả khi đỉnh cũ 10 năm đã được vượt và hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử. Vì sao niềm tin của những nhà đầu tư lớn vững chắc như thế mà thị trường chứng khoán lại giảm điểm?
Bản chất của những phiên "giảm sâu-tăng sốc- phút chốc lại đảo chiều"
Những ngày này, nhiều nhà đầu tư mất ăn, mất ngủ vì thị trường hết "up" sang "down", hết bull trap này sang bull trap và đẩy nhà đầu tư chạy tán loạn cùng danh mục của mình. Có nhà đầu tư vừa cắt lỗ cổ phiếu lại thấy giá hồi phục tăng lên, họ lại cho rằng giá cổ phiếu đã đảo chiều và tranh mua đuổi, mua được thì cổ phiếu lại quay đầu…
Nhà đầu tư chạy tán loạn, họ không hiểu vì đâu. Cứ như thể, có con mắt vô hình đang nhìn thấy họ đặt lệnh và làm điều ngược lại vậy. Thậm chí, có nhiều người còn nghĩ có nhân tố siêu nhiên nào đó biết rằng mình sẽ bán, sẽ mua lại rồi lại không đủ kiên nhẫn và bán ra, lại mua lại vậy.
Liệu có thế lực siêu nhiên hay cặp mắt vô hình đó không? Trước khi nhanh nhảu trả lời câu hỏi đó, nhà đầu tư hãy tự hỏi mình: Vì sao vẫn vững tin vào doanh nghiệp, vẫn vững tin vào nền kinh tế lại phải chạy nháo nhào đi bán cổ phiếu và lại đi mua? Ngoại trừ việc nhà đầu tư bị ép bán vì sử dụng margin thì còn một thứ nữa có thể dẫn dắt đến điều này: Lòng tham.
Lòng tham dẫn dắt nhà đầu tư đến hành động muốn bán gấp để mua lại với giá rẻ hơn, kiếm lời. Đám đông luôn luôn vậy, mỗi lần thị trường xuống thấp thì họ lại nháo nhào bán ra cổ phiếu- một là để cứu danh mục khỏi bị giảm quá sâu, hai là để chờ thời cơ mua lại với giá rẻ hơn.
Một điều 90% nhà đầu tư không biết đó là, 10% nhà đầu tư chuyên nghiệp họ biết được tâm lý "tham lam" kể trên. Bằng tiềm lực tài chính mạnh của mình, họ tạo ra các hiệu ứng chim mồi, bán ra một phần rất nhỏ cổ phiếu của mình và nhà đầu tư cứ thế bán ra khi bản thân quên hết mọi lý do họ quyết định mua cổ phiếu, chỉ còn cảm xúc: bán để bớt lỗ chứ với thảm cảnh giảm sâu thế này thì càng "ôm" càng lỗ, khi cổ phiếu tăng trở lại thì mình mua vào.
Vòng quay cuồng của nhà đầu tư bắt đầu từ tâm lý đó. Cắt lỗ- mua đuổi-gặp bull trap- cắt lỗ- mua đuổi- gặp bull trap- cắt lỗ…
Trong khi 90% nhà đầu tư quay cuồng với giao dịch và trả phí hàng ngày, những nhà đầu tư lớn lại bình chân như vại. Họ tạo ra game cho nhà đầu tư chơi. Đến hết ngưỡng chịu đựng thua lỗ của 90% nhà đầu tư, 10% còn lại mới ung dung gom mua dần cổ phiếu. Họ tạo ra những phiên dư mua trần hàng triệu cổ phiếu để những nhà đầu tư lỡ bán trước đó đặt lệnh mòn mỏi cũng không thể nào khớp. Cho đến khi, giá cổ phiếu lên đến mức thậm chí cao hơn trước cơn sụt giảm kinh hoàng của thị trường thì đám đông mới bắt đầu có thể mua.
Thị trường giảm là cơ hội để gom hàng, đúng không?
Nếu nhà đầu tư tin rằng tình hình doanh nghiệp, kinh tế đang tốt và sẽ còn tốt trong tương lai thì không có lý do gì để điều này không đúng cả. Chỉ có điều, đối mặt với những cơn giảm sâu "dìm hàng" để mua vào của các nhà đầu tư lớn thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tuân thủ kỹ lưỡng những nguyên tắc đầu tư của mình.
Thứ nhất: Bán vội khi thị trường giảm mạnh, bạn có thể phải mua lại với giá cao hơn
Theo phân tích ở trên, việc bạn vội vàng hành động bán ra khi dự báo thị trường giảm điểm ngắn hạn thì bạn sẽ đứng trước nguy cơ phải mua lại cổ phiếu với giá cao hơn. Thực tế, bạn không biết đâu là đáy giá và bạn cứ bán rồi dò đáy để mua là sai lầm. Sai lầm này có thể khiến bạn phải mua lại với giá cao hơn.
Nhưng, bạn có nên bán một chút hay không? Đọc phần tiếp sau bạn sẽ tự tìm được phương án cho mình.
Thứ hai: Thị trường giảm là cơ hội để gom hàng, thế nhỡ gom xong lại giảm tiếp thì sao?
Đúng vậy, rất nhiều trường hợp, nhà đầu tư nhìn thấy giá cổ phiếu giảm rất sâu so với giá trị thực của doanh nghiệp. Họ tin chắc rằng cổ phiếu không thể giảm nữa.
Thế nhưng, "ông thị trường" trớ trêu, đáy cổ phiếu ở đâu không biết. Danh mục đã giảm, gom thêm hàng lại giảm thêm. Nếu may mắn mua đúng đáy hoặc gần sát đáy, họ vui mừng khi giá vốn bình quân đã giảm khá nhiều.
Vậy, nên gom hàng không? Gom từ từ, không tranh mua thì có tốt hơn không? Đọc phần tiếp sau bạn sẽ tự tìm được phương án cho mình.
Quy tắc vàng: Chưa đi đến chợ đừng tiêu hết tiền
Luôn trừ cho mình một đường lùi, nếu không thì bạn mãi đi vòng quanh cái bẫy, vùng vẫy mãi thế nào cũng mắc.
Khi thị trường giảm điểm ngắn hạn và nhận định thị trường có thể giảm sâu hơn nữa, việc cắt lỗ trông có vẻ là một quyết định sáng suốt để tài khoản mình không bị lỗ hơn nhưng như trên đã phân tích, cứ loay hoay bán, mua và thua lỗ có thể cứ bám riết lấy bạn. Nếu chọn phương án chỉ bán một phần danh mục, dùng tiền đó giải ngân mua dần (không vội mua hết tiền) nếu thị trường tiếp tục giảm sẽ là phương án tốt. Trong trường hợp khi bán xong một phần danh mục mà cổ phiếu đi lên thì bạn cũng chỉ bị thiệt thòi một ít, đây coi như một khoản bảo hiểm cho tài khoản của mình.
Trong trường hợp bạn đang có tiền và một danh mục thua lỗ nhẹ thì bạn cũng hãy nhớ, đừng vội vàng mua để trung bình giá do nhận định giá cổ phiếu đã quá rẻ. Con đường lùi của bạn lúc này là mua nhỏ giọt thăm dò. Vào tiền từng chút một để bạn không rơi vào cảnh chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền. Danh mục của bạn sẽ ít cơ hội được bình quân giá xuống mức thấp nhất có thể.