Thị trường chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư nên mua hay bán cổ phiếu?
Chiến lược giao dịch nào phù hợp trong bối cảnh thị trường vừa có cú giảm sâu gần 30 điểm?
- 14-02-2022"Rơi như thang máy" 30 phút cuối phiên: Chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán Việt?
- 14-02-2022Căng thẳng Nga - Ukraina và lạm phát kỷ lục 7,5% của Mỹ tác động đến chứng khoán Việt: "Tính phòng thủ về danh mục cần đẩy lên phòng những rủi ro lớn"
Chứng khoán Việt Nam mở phiên đầu tuần với sắc đỏ bao phủ, lượng giảm thắng thế khi áp đảo hoàn toàn mã tăng. Tuy đầu giờ chiều áp lực bán dần được thu hẹp dần, song cú "rũ cánh" của nhiều mã Bluechips khiến VN-Index bốc hơi gần 30 điểm xuống mốc 1.471. "Tội đồ" lớn nhất trong phiên giao dịch hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi kéo tụt chỉ số.
Trên thực tế, cú rung rũ mạnh của thị trường trong phiên hôm nay đã được giới chuyên gia dự báo. Thị trường thiếu vắng động lực dẫn dắt đi lên khi tâm lý hưng phấn sau Tết đã dần vơi đi và dòng tiền mới vào thị trường không còn mạnh mẽ. Trong khi đó, nhiều biến số đến từ xung đột chính trị và bối cảnh lạm phát tăng cao tác động tiêu cực đến thị trường.
Bàn về nguyên nhân dẫn đến cú sập của thị trường trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho là có ba yếu tố chính.
Thứ nhất, phiên họp Fed bất thường để đánh giá lại tình hình lạm phát diễn ra vào 14/2 sẽ có kết quả vào tối nay. Mặc dù chưa có kết luận cụ thể, song nhiều người vẫn lo ngại những thông tin bất ngờ về việc tăng lãi suất được đưa ra.
Thứ hai, vấn đề lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga. Những mâu thuẫn giữa các cường quốc dấy lên những lo ngại về chính sách tiếp cận về quân sự, ngoại giao và kinh tế của các cường quốc. Đây cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến tâm lý giới đầu tư.
Thứ ba, hai nhóm ngân hàng và chứng khoán nằm chủ yếu trong danh mục VNFIN Lead của ETF bán mạnh trong phiên ATC ảnh hưởng đến chỉ số chung. Việc hàng loạt cổ phiếu trụ giảm mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư phần nào có sự thận trọng hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng thị trường xuống bằng yếu tố nào thì thị trường sẽ đi lên về điều đó. Về lo ngại chiến tranh, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ thị trường từng lao dốc bởi những thông tin liên quan đến chiến tranh tại Ukraine, song sau vài phiên giảm mạnh thị trường nhanh chóng hồi phục vì cuộc chiến không xảy ra. Vị chuyên gia đánh giá đây không phải là yếu tố tác động đến thị trường trong dài hạn.
Mặt khác, ông Minh đánh giá việc Fed tăng lãi suất sẽ có thể tác động lớn đến thị trường. Song quan điểm cá nhân của vị chuyên gia vẫn nghiêng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhẹ 0,25% cho lần tăng đầu tiên thay vì 0,5% như dự báo.
"Từ những phân tích trên, tôi cho rằng một phiên giảm sâu hơn nữa sẽ khó diễn ra và thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại", ông Nguyễn Thế Minh nêu quan điểm .
Đưa ra chiến lược giao dịch cho nhà đầu tư, vị chuyên gia đánh giá hiện dòng tiền của nhiều nhà đầu tư chưa sẵn sàng trở lại thị trường và giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp.
Chiến lược đưa ra cho nhà đầu tư đã giải ngân là tiếp tục nắm giữ và chưa nên vội vàng bán cổ phiếu bởi ro hiện tại trên toàn bộ danh mục chưa lớn. Tuy nhiên, khi xu hướng thị trường chưa xác lập rõ ràng như hiện tại, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng dưới khoảng 50%.
Đặc biệt, trong thời điểm này nhà đầu tư chưa nên mua vào "bắt đáy" cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp Fed có những động thái tích cực là chưa tăng lãi suất trong tháng 2 và mức tăng nhẹ từ 0,25% thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường tiếp tục đi lên và nhà đầu tư có thể giải ngân vào những cổ phiếu có tiềm năng tốt trong những phiên giao dịch tới.
Bàn về đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Minh xem đây là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu hấp dẫn. Mặc dù xác lập đà giảm mạnh, song vị chuyên gia vẫn cho rằng ngân hàng sẽ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới.