3 quý huy động 28.000 tỷ: “Đắt hàng” trái phiếu doanh nghiệp
Nếu như năm 2012, các ngân hàng tỏ ra dè dặt thì sang đến năm 2013, các ngân hàng lại “dồn dập” đăng ký mua TPDN, thậm chí tranh nhau mua trái phiếu của một số DN lớn.
- Thưa ông, vì sao TPDN lại đắt hàng như vậy? Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng thì đây có phải kênh để DN tìm vốn khả thi? Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA)
Để tận dụng nguồn vốn từ ngân hàng đang thừa thanh khoản và mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp nên các tổ chức đã nhảy vào cuộc chạy đua phát hành TPDN. Lượng TPDN của tổ chức phát hành lớn nhất trong thời gian qua phải kể đến Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Cuối tháng 8/2013 Tập đoàn này đã phát hành thành công 5.000 tỉ đồng trái phiếu, gấp 1,7 lần khối lượng dự kiến (3.000 tỉ đồng) khi Vinacomin bắt đầu thăm dò thị trường.
Trong khi đó đầu tháng 1/2013 thị trường đã hấp thu hết 2.500 tỉ đồng trái phiếu của Vinacomin khi phát hành. Số nhà đầu tư đăng ký mua lên tới hơn 10 tổ chức, gồm các ngân hàng và các Cty quản lý quỹ. Số nhà đầu tư chính thức mua đạt 9 tổ chức, gấp đôi số lượng nhà đầu tư tham gia trong đợt phát hành năm 2012 của Vinacomin.
Năm 2013 có lẽ là “năm vàng” cho việc phát hành TPDN của Vinacomin khi mà tổng lượng phát hành của Tập đoàn đến hết tháng 8 đã vượt rất xa tổng lượng phát hành trong 5 năm trước đó. Trong suốt giai đoạn 2007-2012, Tập đoàn chỉ phát hành được 3.500 tỉ đồng TPDN.
Kế đến là BIDV, tổ chức này đã phát hành thành công trái phiếu 10 năm, với kết quả vượt 5% so với mục tiêu 3.000 tỉ đồng ban đầu và vượt gần 60% so với con số 2.000 tỉ đồng khi ngân hàng này thăm dò nhu cầu thị trường. Eximbank đã thống nhất chủ trương phát hành riêng lẻ khoảng 10.000 tỉ đồng trái phiếu với các kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm.
- Nhiều chuyên gia có chung nhận định, thị trường TPDN năm 2013 có diễn biến trái chiều so với năm ngoái. Vì sao lại có hiện tượng “ngược” này, dù nền kinh tế hiện nay chưa thoát khỏi khủng hoảng, thưa ông?
Năm 2013 có lẽ là “năm vàng” cho việc phát hành TPDN của Vinacomin khi mà tổng lượng phát hành của Tập đoàn đến hết tháng 8 đã vượt rất xa tổng lượng phát hành trong 5 năm trước đó. |
Cho tới thời điểm này Vinacomin đang đề xuất tiếp một đợt phát hành trái phiếu thấp nhất là 2.000 tỉ đồng thực hiện cuối năm nay. Rồi Eximbank chuẩn bị thực hiện đợt phát hành trong quý IV nếu được NHNN cho phép.
Theo tôi, cho đến thời điểm này, nhu cầu đầu tư vào trái phiếu của nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều tiềm năng và thị trường TPDN đang trên đà hút nhà đầu tư.
Nếu như năm 2012, các ngân hàng tỏ ra dè dặt với kênh đầu tư này do e ngại rủi ro mất vốn và yêu cầu lãi suất phát hành rất cao, thì sang đến năm 2013, các ngân hàng lại “dồn dập” đăng ký mua TPDN, thậm chí tranh nhau mua trái phiếu của một số DN lớn.
- Đâu là nguyên nhân khiến thị trường TPDN hút hàng? Ông có nhận định thế nào về mức độ thành công của các đợt phát hành này?
Theo tôi, các ngân hàng tiếp tục thừa thanh khoản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt phát hành TPDN. Về mức độ thành công của các đợt phát hành, theo tôi không chỉ phụ thuộc vào lãi suất, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín DN, kế hoạch sử dụng vốn của đợt phát hành. Thường các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp rất quan tâm đến sức khỏe tài chính của các tổ chức phát hành TPDN và khả năng thu hồi vốn để quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là hiện hầu hết các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc phát hành trái phiếu của các DN lớn, báo cáo tài chính minh bạch... Nhiều DNNVV cũng phát hành thử TPDN ra thăm dò thị trường. Họ đã bắt đầu chào bán trái phiếu tới nhà đầu tư dù với quy mô chỉ trăm tỉ đồng, thậm chí dưới 100 tỉ đồng, nhưng giới đầu tư tỏ ra khá e dè. Nhiều nhà tổ chức phát hành trái phiếu đã phải từ chối tư vấn phát hành cho một số DN bởi thực sự họ hiểu, giới đầu tư không muốn mạo hiểm mua trái phiếu của những DN này.
- Cho đến thời điểm này thị trường TPDN đang có sự tham gia khá tích cực của các NHTM (là chủ thể phát hành). Ông giải thích thế nào về hiện tượng này? TPDN rủi ro cao hơn các kênh đầu tư khác nhưng sẽ có những nhà đầu tư chấp nhận và có khả năng quản trị những rủi ro đó.
Theo tôi, thời điểm hiện tại các ngân hàng không có nhu cầu phát hành trái phiếu do tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay thấp. Cộng thêm vào đó, lãi suất huy động từ dân cư hiện tại đang tương đối thấp, đây là kênh huy động hiệu quả của các NHTM.
Việc các NHTM huy động trái phiếu trong thời điểm hiện tại có thể hiểu rằng họ nhằm mục đích cải thiện tỉ lệ an toàn vốn, hoặc để chuẩn bị nhu cầu vốn trung và dài hạn nhằm đón đầu cho sự tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm nay, hoặc đầu năm sau..
- Với tư cách là nhà đầu tư xin hỏi, nếu ông đầu tư vào TPDN có rủi ro hay không? Và cần phải làm gì để thị trường này là kênh đầu tư để DN huy động vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh?
Ở những nước có thị trường TPDN phát triển các tổ chức phát hành luôn được đánh giá tín nhiệm chặt chẽ bởi các hãng định mức uy tín nhưng ở trong nước, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận việc các tổ chức phát hành TPDN không có xếp hạng tín nhiệm, còn thông tin về sử dụng vốn trong các đợt phát hành TPDN cũng rất sơ sài. Do vậy, chúng ta nên nhìn TPDN như một công cụ đầu tư có phân khúc riêng. Cụ thể, TPDN rủi ro cao hơn các kênh đầu tư khác nhưng sẽ có những nhà đầu tư chấp nhận và có khả năng quản trị những rủi ro đó.
Trong lộ trình phát triển thị trường TPDN VN đến 2020 của Bộ Tài chính, 3 mục tiêu cụ thể được đặt ra là nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin về phát hành và giao dịch TPDN; xây dựng đường cong lãi suấtTPDN; khuyến khích các DN đa dạng hóa các loại hình TPDN…
- Xin cảm ơn ông!
Trong tháng 10/2013, các trái phiếu DN niêm yết có khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ năm 2010, với giá trị giao dịch đạt 1.230 tỉ đồng. Trên thị trường sơ cấp ghi nhận thương vụ phát hành trái phiếu quốc tế của Tập đoàn Vingroup, giá trị phát hành thành công là 200 triệu USD; HD Bank phát hành được 1.000 tỉ đồng trái phiếu... Giới chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường TPDN sơ cấp sẽ tiếp tục “ấm”, bởi một số tập đoàn, tổng Cty nhà nước, cũng như các DN lớn có uy tín đang lên kế hoạch phát hành, với giá trị lên đến hàng nghìn tỉ đồng. |
Theo Phương Hà