6 tháng đầu năm, doanh nghiệp niêm yết rót vốn vào đâu?
Các DNNY trong 6 tháng đầu năm tăng sử dụng vốn để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Cụ thể, TSNH đã tăng 4,7% so với đầu năm (gần 26.000 tỷ đồng), tỷ lệ TSNH/tổng tài sản cũng tăng từ 61,8% lên 62,2%.
Thống kê trên dữ liệu của hơn 610 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX và HNX đã công bố BCTC 6 tháng đầu năm 2014 (không tính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), chúng tôi nhận thấy tổng tài sản hay tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp này tăng khoảng 3,6% so với đầu năm tương đương gần 35.500 tỷ đồng.
Trong đó, top 15 các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản lớn nhất như sau:
Tăng trưởng nhờ đâu?
Sự tăng trưởng tổng tài sản của các doanh nghiệp chủ yếu được tài trợ bởi tăng trưởng vốn điều lệ khi tỷ lệ tăng trưởng vốn điều lệ tại thời điểm 30/06/2014 so với đầu năm là 3,7% và tỷ lệ vốn điều lệ/tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp ở mức trên 33%. Có thể thấy KLF, FIT, FLC - 3 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tài sản trong top cũng là những doanh nghiệp tăng trưởng vốn điều lệ lớn nhất, lần lượt là 185%, 120% và 100%.
Bên cạnh đó, vay dài hạn cũng là một yếu tố tăng vốn cho doanh nghiệp khi tỷ lệ tăng trưởng vay nợ dài hạn trung bình là 6,6%. Ngoài ra tỷ lệ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng đạt 2,6%.
Tỷ lệ vay nợ ngắn hạn/tổng nguồn vốn vẫn ở mức 16% nhưng vay nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 2/2014 của các doanh nghiệp niêm yết đã giảm 0,9% tương đương 1.309 tỷ đồng.
Vốn đổ vào hàng tồn kho và dùng để nới lỏng tín dụng thương mại
Các doanh nghiệp niêm yết trong 6 tháng đầu năm đã tăng sử dụng vốn để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Cụ thể, tài sản ngắn hạn đã tăng 4,7% so với đầu năm tương đương gần 26.000 tỷ đồng và tỷ lệ tài sản ngắn hạn/tổng tài sản cũng tăng từ 61,8% lên 62,2%.
Trong đó, tiền và tương đương tiền của các doanh nghiệp niêm yết giảm 3,8% tương đương 4.081 tỷ nhưng đồng thời đầu tư ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn) tăng 5,3% tương đương 2.039 tỷ.
Tăng mạnh nhất là các khoản phải thu với mức tăng 6,3% và tỷ lệ khoản phải thu/tổng tài sản đã tăng từ 22,6% lên 23,4%. Danh sách các doanh nghiệp có khoản phải thu tăng cao nhất thuộc đủ các ngành. Theo một số chuyên gia, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã có những chuyển biến lạc quan nhưng với sức cầu còn yếu của nền kinh tế thì hầu như doanh nghiệp đều phải sử dụng chính sách nới lỏng tín dụng thương mại để kích thích tiêu thụ sản phẩm. Điều này đã làm tăng các khoản phải thu.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp giảm mạnh khoản phải thu so với đầu năm như DL1, TIC, VNN, FDC, HDO, LCM…
Một thành phần khác trong tài sản ngắn hạn là hàng tồn kho cũng tăng 4,6% và tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản đã tăng từ 23,3% lên 24,4%. Các ngành có tỷ lệ tăng trưởng hàng tồn kho lớn nhất (trên 50%) không phải cái tên xa lạ gì, đó là bất động sản, xây dựng và thép. Ngoài ra ngành có tỷ lệ tăng trưởng hàng tồn kho lớn nhưng dưới 50% là than và khai khoáng.
Tuy vậy, có một số doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, bất động sản như NHA, V12, VNE, PXT, HTI, HAR… , ngành thép như VIS, ITQ, SMC … hay ngành khai khoáng như ALV, KHB, TNT… lại giảm rất mạnh hàng tồn kho.
Tăng vay dài hạn, tăng đầu tư bất động sản
Như đã dẫn số liệu bên trên, tính đến cuối quý 2/2014, số dư vay dài hạn của các doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 6,6% so với đầu năm nhưng tài sản cố định hay tài sản dài hạn chỉ tăng 0,1%. Tài sản cố định hữu hình tăng trung bình là 8,5% nhưng xây dựng cơ bản dở dang giảm 18,8%.
Trong khi đó, bất động sản đầu tư là thành phần tăng 5,1% so với đầu năm, tương đương 1.301 tỷ. Cũng dễ hiểu khi những doanh nghiệp đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng của bất động sản đầu tư là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng như VC1, SAM, HPG, ITA, FLC, SCR… Song có một số doanh nghiệp không đầu tư vào bất động sản tại thời điểm đầu năm nhưng đến cuối quý 2/2014 đã xuất hiện khoản này như PXS, HLG, PTL, SDY…
Bất động sản đầu tư của các doanh nghiệp này chủ yếu là được chuyển từ tài sản cố định hữu hình sang.
Về phần đầu tư tài chính dài hạn, lượng vốn dùng cho khoản này đã giảm 0,1% tương đương 88 tỷ. Có những doanh nghiệp không đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm đầu năm nhưng đến cuối quý 2/2014 xuất hiện khoản đầu tư rất lớn như DL1 (23 tỷ), CT6 (15 tỷ), SRF (72 tỷ) MC (41 tỷ), DPH (72 tỷ), hay có những doanh nghiệp tăng mạnh đầu tư tài chính dài hạn như KSQ, DBT, NSC, PAN, KLF, SHI, FLC, HAG, KDC… Song cũng có tới 163 doanh nghiệp giảm khoản đầu tư này với một số cái tên tiêu biểu như PGS, CNG, PIV, VIS … đã thanh lý hết, không còn khoản đầu tư tài chính dài hạn nào.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, tận dụng cơ hội từ sự sôi động của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã huy động được một khối lượng vốn lớn từ kênh này để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm vay nợ ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản có thể nói là đối tượng nhạy bén nhất khi thực hiện cách huy động vốn này.
Điều đó làm dấy lên một số e ngại khi dòng vốn tiếp tục đổ vào những tài sản như bất động sản, tài chính trong khi doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp khó khăn do sức cầu kém và phải sử dụng những chính sách rủi ro hơn hoặc tốn kém hơn để làm tăng doanh thu.
Nhưng rõ ràng tình hình kinh tế hiện nay là cơ hội hay thách thức thì tùy thuộc vào khả năng của mỗi doanh nghiệp. Trong những ngành khó khăn nhất vẫn có những doanh nghiệp tận dụng cơ hội, phát huy được thế mạnh của mình để giành vị trí cao hơn trong ngành, và việc đào thải doanh nghiệp kém hơn là điều bình thường khi cạnh tranh.
>>> Kết quả kinh doanh quý 2: Điểm sáng ở doanh thu
Lan Nguyên