MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bài” của VHG từ lỗ thành lãi

Trong 3 tháng, VHG thay đổi kế hoạch từ lỗ 20 tỷ thành lãi 130 tỷ đồng.

Một nhân viên môi giới kể lại, có khách hàng đã bỏ 4 tỷ đồng mua VHG (CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn), khi CP này đang bị HOSE đưa vào diện kiểm soát (lỗ 2 năm liên tiếp) và chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối. Không biết chiêu của NĐT này dựa vào đâu, bởi sau khi “thoát án” kiểm soát, VHG tăng lên 15.000 đồng/CP, tài khoản của khách hàng này cũng tăng gấp đôi. NĐT gọi những điều này là “bài” của VHG.

Tái cấu trúc có ý đồ?

ĐHCĐ của VHG được tổ chức vào ngày 18-5 đã thông qua việc tái cấu trúc toàn bộ công ty theo hướng phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững; thực hiện chuyển nhượng tài sản, cổ phần tại các công ty con hoặc liên kết. Nghịch lý ở chỗ trong phần kinh doanh VHG lại đưa ra kế hoạch… lỗ 20 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch này, VHG có 3 năm lỗ liên tiếp và tất nhiên sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Nhưng đến ngày 31-8, VHG lại tổ chức ĐHCĐ bất thường, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ lỗ thành lãi 130 tỷ đồng; đưa ra kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và tiến hành chia CP thưởng với tỷ lệ 2:1; các thành viên HĐQT là ông Đinh Công Trạng (Chủ tịch) và ông Nguyễn Trọng Bằng (ủy viên) từ nhiệm và được thay thế bởi ông Phạm Dũng Tiến và ông Nguyễn Thắng Lợi.

Ngày 11-9, HĐQT VHG tiếp tục thể hiện quyết tâm tái cấu trúc khi ra nghị quyết triển khai cụ thể các vấn đề như chuyển nhượng và chia thưởng CP. 1 tháng sau, VHG tiếp tục báo lãi quý III và sau 9 tháng năm 2013, VHG lãi hợp nhất 75,5 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế cũng được xóa chuyển thành lãi lũy kế 9,3 tỷ đồng. Theo công bố của VHG, những kết quả tích cực này đến từ chuyển nhượng tài sản, giảm chi phí tài chính, ký hợp đồng sản xuất ống nhựa trị giá 120 tỷ đồng…

Đến đây có thể nói rằng “bài” của VHG là hoạt động tái cấu trúc, thay thế ban lãnh đạo. Nhìn lại quá trình của VHG có thể thấy các thông tin đã lộ diện rõ ràng giống như… chơi “bài ngửa”. Chẳng hạn quý I-2013, VHG còn báo lỗ nhưng đến quý II đã có lãi trở lại và lợi nhuận hợp nhất sau nửa đầu năm đạt 54,4 tỷ đồng (từ tháng 5 đến tháng 7), VHG đã tăng từ 3.000 đồng/CP lên 6.000 đồng/CP.

Những hô hào, tư vấn, kêu gọi tham gia VHG cũng xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có những dự báo VHG sẽ tăng 10.000-15.000 đồng/CP. Với một công ty mới thua lỗ 2 năm liền, nhưng đạt được KQKD như trên có thể xem là kỳ tích. Hơn nữa, nếu so sánh về thị giá một cách tương đối sẽ thấy đầu tháng 8, giá của SAM (Sacom), một CP đã từng là blue chip được NĐT ưa chuộng, có những điểm nổi trội, không bị kiểm soát hay cảnh báo, có tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành cáp đồng giống VHG, chỉ có giá khoảng 7.000 đồng/CP.

VHG có “tuổi gì” để có thể qua mặt cả SAM? Vậy nên không phải ai cũng tin tưởng và sẵn sàng mạo hiểm với VHG. Minh chứng là ngay cả khi VHG phát ra những tín hiệu cho thấy về khả năng “trụ” được tại vùng giá 10.000 đồng/CP vào giai đoạn đầu của tháng 10, giá trị giao dịch mỗi phiên cũng chỉ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Úp mở thông tin

Chỉ đến khi VHG thoát án kiểm soát vào cuối tháng 10, giá CP cùng với thanh khoản mới bắt đầu bứt phá. Các phiên giao dịch có giá trị trên 10 tỷ đồng của VHG xuất hiện dồn dập. VHG tiếp tục bứt phá, vượt ngưỡng 15.000 đồng/CP và trụ lại khu vực này cho đến ngày 27-11, là ngày giao dịch không hưởng quyền để công ty tiến hành chia CP thưởng (tỷ lệ 2:1) và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2013 với tỷ lệ 3% mệnh giá.

Sau khi điều chỉnh giá tham chiếu xuống 10.000 đồng/CP, VHG tiếp tục có một số phiên tăng lên gần 12.000 đồng/CP, sau đó lại giảm về mức giá 9.000 đồng/CP trong tuần rồi.

Những ngày gần đây đã xuất hiện những nhận định kiểu VHG sẽ tăng lên 15.000 đồng/CP như trước khi chia, đã khiến nhiều NĐT chú ý và mong nhận định trên sẽ đúng. Ngày 3-12, giá trị giao dịch của VHG đạt gần 42 tỷ đồng, lớn hơn cả giá trị giao dịch của GAS (35 tỷ đồng), VNM (34 tỷ đồng) hay BVH (15 tỷ đồng).

Nửa năm trước, “bài” của VHG đã được hé lộ, nhưng ít ai tin và chú ý, nhưng giá CP vẫn tăng vù vù. Giờ đây, “bài” của VHG đã được phơi bày, nhưng nhiều người quan tâm vẫn không rõ VHG sẽ như thế nào? Chỉ biết một điều là đối với một CP đầu cơ, các thông tin thường phải nằm ở trạng thái “úp úp, mở mở” mới hấp dẫn, bởi nếu thông tin rõ ràng quá e rằng “bài” cũng hết, khó lòng biến động mạnh.

Nhân viên môi giới của một CTCK cho biết tuần rồi một NĐT liên hệ nhờ anh “cứu net” vì lỡ vào hàng VHG giá cao, bị lỗ, phải nhờ tư vấn để tìm CP khác giải ngân nhằm gỡ gạc lại (được gọi là cứu net). 2 NĐT cùng chọn CP, cũng như một canh bạc, cuối cùng lại có người thắng, kẻ thua.

Theo Bích Anh - Bùi Lê

phuongmai

Sài gòn đầu tư

Trở lên trên