MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn chuyện chi trả cổ tức

Một chính sách cổ tức tốt không nên đứng biệt lập, nó phải hoạch định kết hợp nhịp nhàng với chính sách đầu tư và chính sách tài trợ trong một bản kế hoạch tài chính dài hạn, trên cơ sở phân tích dòng tiền dài hạn của công ty và nên được định hướng nhất quán mang tính dài hạn.

ThS. Nguyễn Tuấn Dương
ThS. Nguyễn Tuấn Dương
Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính
13 bài viết

Nguyên lý của việc chi trả cổ tức đó là, nếu công ty không có đủ các dự án tốt tạo ra tỷ suất lợi nhuận lớn hơn chi phí sử dụng vốn thì công ty nên chi trả lượng cổ tức dư thừa cho cổ đông. Chính vì vậy, nếu một công ty chi trả cổ tức cao cho cổ đông trong điều kiện công ty đang không có nhiều dự án đầu tư sinh lời tốt là hoàn toàn bình thường và hợp về đạo lý. Những công ty không có nhu cầu đầu tư mới nhưng vẫn duy trì số dư tiền mặt lớn mới là những công ty đặt ra những điều khó lý giải và cần phải xem xét nguyên do.

Chính sách cổ tức chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau, tuy nhiên, cơ sở quyết định chủ yếu đến việc chi trả cổ tức là dựa trên nhu cầu đầu tư tăng trưởng và khả năng tiếp cận vốn của công ty. Các công ty có nhu cầu đầu tư lớn nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế sẽ ưu tiên nhiều hơn cho việc giữ lại lợi nhuận tái đầu tư đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Các công ty đang vay nợ nhiều, hệ số nợ cao cũng thường phải chi trả cổ tức thấp nhằm ưu tiên nguồn tiền trả nợ. Với đa số các công ty có quy mô nhỏ và vừa trong nền kinh tế Việt Nam, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hay phát hành cổ phiếu không hề dễ dàng, vì vậy, những công ty này thường phải dựa nhiều hơn vào nguồn vốn nội sinh là lợi nhuận để lại, vì vậy, họ thường chi trả cổ tức thấp hoặc không chi trả cổ tức.

Một ví dụ đặc sắc về sự thành công nhờ vận dụng hợp lý chính sách cổ tức là Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG). Được thành lập từ năm 2004, trong giai đoạn 2004 – 2009, công ty này có mức sinh lời hàng năm rất cao nhưng đã không chi trả cổ tức, ưu tiên tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận cho đầu tư tăng trưởng, chiếm lĩnh thị phần trên một thị trường hàng điện tử đang tăng trưởng nhanh, nhờ đó, đã trở thành công ty dẫn đầu ngành và chiếm được thị phần lớn nhất trong ngành. Tính đến cuối năm 2009, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động là 4,95 tỷ đồng nhưng lượng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (giữ lại tái đầu tư) lên tới 48 tỷ đồng, gấp 9,7 lần vốn điều lệ.

Với các công ty cổ phần niêm yết có quy mô lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các công ty này tốt hơn doanh nghiệp nhỏ nên họ thường theo đuổi chính sách ổn định cổ tức. Chính sách ổn định cổ tức là một chính sách được đa số các công ty niêm yết theo đuổi vì chính sách này có ưu điểm là tạo ra dòng tiền ổn định cho cổ đông, giúp ổn định tâm lý cổ đông và giúp cho giá cổ phiếu của công ty được đánh giá cao. Cũng chính vì thế mà đưa đến một đặc trưng là cổ tức có tính chất cứng nhắc, ít dao động hơn nhiều so với sự biến động của lợi nhuận sau thuế. Chính sách ổn định cổ tức cũng có thể có một phiên bản là là ổn định cổ tức với tỷ lệ thấp kết hợp với một cổ tức đặc biệt cuối năm trong trường hợp làm ăn có lãi cao.

Một trong những chức năng quan trọng của chi trả cổ tức là tác động phát tín hiệu. Điều này là do thông tin bất cân xứng giữa ban quản trị (là người bên trong) và các nhà đầu tư (người bên ngoài), theo đó, nhà đầu tư thường thiếu thông tin và ít hiểu rõ công ty so với ban quản trị công ty, do đó, họ có thể không đánh giá đúng giá trị cổ phiếu và thực hiện các giao dịch bán tháo quá mức làm giảm giá cổ phiếu.

Trong những năm thị trường chứng khoán giảm sâu hoặc xuất hiện các tin đồn thất thiệt về việc công ty đang gặp khó khăn tài chính, các công ty thường chi trả cổ tức cao nhằm truyền tải tín hiệu đến các cổ đông về triển vọng tích cực của công ty, ổn định tâm lý cổ đông và hỗ trợ giá cổ phiếu. Như năm 2011, thị trường xuất hiện những tin đồn Tập đoàn Vingroup (VIC) gặp khó khăn về vốn, ngay lập tức Tập đoàn đã thông qua kế hoạch chi trả 2.300 tỷ cổ tức. Như vậy, thay vì trấn an bằng các phát biểu, Tập đoàn đã thực hiện một hành động thể hiện dòng tiền của công ty vẫn vững mạnh, do đó, giúp ổn định niềm tin của các nhà đầu tư.

Một nhân tố khác có ảnh hưởng quan trọng đến chính sách cổ tức là thuế thu nhập cá nhân. Với các công ty có cổ đông lớn là cá nhân và có lợi nhuận sau thuế hàng năm ở mức cao, việc chi trả cổ tức cao cho cổ đông sẽ dẫn đến các cổ đông này phải nộp ngay thuế thu nhập cá nhân với thuế suất biên rất cao (có thể lên tới 35%), không có lợi cho cổ đông lớn. Chính vì vậy, các công ty này có thể cân nhắc việc chi trả cổ tức thấp nhằm hoãn thuế cho cổ đông lớn.

Để được các cổ đông thông qua chính sách cổ tức, việc gây dựng niềm tin với cổ đông là rất quan trọng. Vấn đề mấu chốt của chính sách cổ tức là ở niềm tin của cổ đông vào năng lực quản trị, sử dụng đồng vốn của ban quản trị. Nếu ban quản trị công ty chứng tỏ được khả năng sinh lời cao từ đồng vốn thì việc cổ đông để lại lợi nhuận cho công ty tái đầu tư sẽ có lợi hơn là việc cổ đông nhận cổ tức và đi đầu tư vào các cơ hội khác. Vì vậy, những công ty có thành tích lợi nhuận tốt cho thấy ban quản trị có năng lực thường được các cổ đông tin tưởng giao lại lợi nhuận cho công ty để tái đầu tư, trong khi đó, những công ty có thành tích lợi nhuận yếu kém, cổ đông thường không tin tưởng và yêu cầu trả cổ tức bằng tiền mặt.

Việc một công ty sinh lời tốt mà không có nhiều cơ hội đầu tư và thực hiện chi trả cổ tức cao cho cổ đông là một việc làm bình thường và hợp về mặt đạo lý. Tuy nhiên, một số công ty không có nhiều cơ hội đầu tư nhưng lại chi trả cổ tức thấp và duy trì số dư tiền mặt rất cao trong nhiều năm lại có thể không đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông, đồng thời cũng đặt ra nhiều nghi vấn về việc sử dụng lượng tiền mặt thặng dư này và cần được các cổ đông chất vấn trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Chính sách cổ tức của một công ty thường có nhiều nhân tố tác động, tuy nhiên, trong một năm cụ thể nào đó, sẽ có một hoặc một số nhân tố chi phối nhất đến chính sách. Tuy nhiên, một chính sách cổ tức tốt không nên đứng biệt lập, nó phải hoạch định kết hợp nhịp nhàng với chính sách đầu tư và chính sách tài trợ trong một bản kế hoạch tài chính dài hạn, trên cơ sở phân tích dòng tiền dài hạn của công ty và nên được định hướng nhất quán mang tính dài hạn. Trên cơ sở địn hướng dài hạn đó, tùy từng năm và điều kiện cụ thể, có thể điều chỉnh mức chi trả cổ tức cho phù hợp với điều kiện thực tế.

>>>Đằng sau câu chuyện cổ tức khủng

Ths. Tuấn Dương

CTV Doanh nghiệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên