MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán ròng 1.031 tỷ trên HOSE trong tuần qua, dòng vốn ngoại sẽ hành xử như thế nào trong tuần tới?

“Việc bán ròng của khối ngoại trong đợt bán này sẽ không kéo dài hơn đợt tháng 8 trước đó. Vì vậy, xu hướng này sẽ kết thúc vào tuần 20/10 – 24/10”

Trong hơn 1 tháng nay, khối ngoại đã bán ròng liên tục trên HOSE với những phiên bán ròng có giá trị rất lớn.

Tuần vừa qua (13/10 -19/10) tiếp tục là một tuần bán ròng của khối ngoại trên HOSE với tổng giá trị bán ròng lên tới 1.031 tỷ đồng. 368 tỷ là con số bán ròng trong phiên cuối tuần – chỉ đứng sau phiên 395 tỷ của ngày 25/09 và 370 tỷ của ngày 3/10.

Trong đó top 5 các mã bị bán ròng mạnh nhất là PVD, GAS, HPG, VIC và HVG.

Có thể thấy nếu như trong tháng 9, khối ngoại còn có những phiên mua ròng khá lớn, thì từ đầu tháng 10 đến nay, khối này đã không ngừng bán ra.

Mặc dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam không quá lớn để có thể trở thành yếu tố chủ chốt chi phối thị trường, tuy nhiên lại có tác động tâm lý không nhỏ đến các nhà đầu tư. Vì vậy, câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là khối ngoại sẽ hành xử như thế nào trong thời gian tới?

Tại buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cuối năm 2014 và đầu năm 2015 do công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV (BSC) tổ chức vào ngày 17/10/2014, ông Bùi Nguyên Khoa – chuyên viên phân tích cao cấp của BSC cho biết động thái này của khối ngoại là do các quỹ ETF đang bán ra.

Đơn của như quỹ Market Vector Vietnam ETF, trong tuần vừa qua đã bị rút 650.000 chứng chỉ quỹ. Riêng phiên giao dịch cuối tuần, quỹ này bị rút 500.000 chứng chỉ quỹ. Các nhà đầu tư quốc tế đã rút ròng khoảng 13,67 triệu USD khỏi quỹ Market Vector Vietnam ETF tương đương hơn 290 tỷ đồng. Và tương ứng, quỹ ETF này đã bán ròng rất mạnh trên thị trường Việt Nam tại những cổ phiếu lớn như MSN, VIC, STB, ITA, VCB, VCG…

Theo dữ liệu của BSC, từ đầu tháng 10 đến nay khối ngoại đã bán ròng tới 1.393 tỷ đồng nhưng một nửa trong số đó là của VIC.

Dựa trên dữ liệu quá khứ, ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng việc bán ròng của khối ngoại trong đợt bán này sẽ không kéo dài hơn đợt tháng 8 trước đó. Vì vậy, xu hướng này sẽ kết thúc vào tuần sau (20/10 – 24/10). Cụ thể, đến giữa tuần, xu hướng bán của ETF sẽ chững lại. Và vào thời điểm đó, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế.

Một tháng trước, vào ngày 17/9, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục cắt giảm gói cứu trợ thứ ba (QE3). Theo đó, FED quyết định sẽ cắt giảm QE3 thêm 10 tỷ USD, mỗi tháng sẽ chỉ tung vào thị trường 15 tỷ USD thay vì 80 tỷ USD như khi mới đưa vào thực thi cuối năm 2013 để mua lại các trái phiếu liên quan tới thế chấp, nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất ở mức thấp.

Kể từ khi QE3 được áp dụng tháng 12/2008 tới nay, FED đã tung vào thị trường tổng cộng 4.400 tỷ USD nhằm ổn định thị trường tài chính sau những tác động lớn của cuộc suy thoái 2007-2009.

Tại buổi Hội thảo nói trên, ông Bùi Nguyên Khoa đánh giá, các gói QE của Mỹ đã bơm tiền rất mạnh cho thị trường cho nên mỗi lần kết thúc hay cắt giảm QE thì dòng vốn bị rút ra khiến thị trường chứng khoán giảm điểm.

Xem xét sự tương quan giữa thị trường mới nổi và thị trường biên (trong đó có Việt Nam) có thể thấy xu hướng dòng tiền vào thị trường biên vẫn tăng tương đối ổn định dù ở cuối chu kỳ đang thể hiện một phần dòng tiền bị rút ra. Còn thị trường mới nổi (trong đó có Trung Quốc và Braxin) dòng vốn rút ra rõ rệt hơn nhiều.

Thống kê 2 quãng thời gian mà thị trường chứng khoán Việt Nam có tác động của gói QE3, vào thời điểm tháng 6/2013, dẫn đầu bởi các quỹ ETF, khối ngoại bán ra rất mạnh với việc bán ròng 12/13 phiên đẩy thị trường từ 524 xuống 473 điểm (tức gần 29,5%). Trung bình mỗi phiên khối ngoại bán 120 tỷ/phiên, riêng ETF bán 77 tỷ/phiên.

Thời điểm thứ hai mà FED công bố dự định cắt giảm QE3 là gần cuối năm 2013 thì cường độ bán đã giảm đi, mức độ giảm điểm của thị trường thời điểm này chỉ khoảng 8%. Thời gian bán ra cũng thấp hơn nhiều. Nước ngoài bán ra 9/10 phiên trung bình 80 tỷ/phiên, ETF bán 36 tỷ/phiên.

Tóm lại, theo ông Khoa, trong quý 4/2014, nền tảng vĩ mô được giữ ổn định, thanh khoản thị trường vẫn tốt và ảnh hưởng từ việc phân bổ lại dòng vốn của khối ngoại do tác động từ gói QE3 của Mỹ sẽ chấm dứt.

Thị trường lập đỉnh rồi điều chỉnh, đó là quy luật bình thường. Khi mặt bằng giá mới hấp dẫn hơn đã được thiết lập, thì đó là cơ hội của nhà đầu tư.

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên