MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo hiểm phi nhân thọ, 1 năm nhìn lại

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu năm 2012 lãi gộp 330,7 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 40,1%, thấp nhất trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ.

Bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, cũng như hầu hết các ngành nghề khác đã trải qua một năm đầy khó khăn. Khó khăn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ ở việc suy giảm sức cầu, mà gánh nặng còn đến từ những nghiệp vụ tương đối mạo hiểm.

Đơn cử, nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy trong 11 năm liên tiếp đều có mức bồi thường lớn hơn doanh thu phí... Gần đây, hàng loạt vụ cháy nổ, tai nạn giao thông cũng gây một sức ép không nhỏ đến các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng. 

Bài viết này điểm qua tình hình hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2012 với những con số được thống kê bởi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam. 

Bảo hiểm xe cơ giới đứng đầu bảng doanh thu

Trong hơn 22,7 nghìn tỷ đồng phí bảo hiểm gốc năm 2012, bảo hiểm xe cơ giới đứng đầu bảng với hơn 6,3 nghìn tỷ đồng tiền phí bảo hiểm, chiếm 27,8%. Bảo hiểm tài sản và thiệt hại đứng thứ 2 với 4,8 nghìn tỷ đồng. 

Không bất ngờ khi bảo hiểm xe cơ giới đồng thời đứng đầu bảng về lãi gộp mang lại cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong tổng số 8,4 nghìn tỷ đồng lãi gộp (Phí bảo hiểm thực thu trừ thực chi bồi thường), bảo hiểm xe cơ giới chiếm tới 2,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 34,5%. Song song với bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và tài nạn con người tuy đứng thứ 3 về doanh thu nhưng mang lại hơn 2 nghìn tỷ đồng lãi gộp, đứng thứ 2 trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. 

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là một nghiệp vụ tương đối mới mẻ. Phí bảo hiểm thực thu của nghiệp vụ này trong năm vừa qua chỉ đạt vỏn vẹn 50 tỷ đồng nhưng lãi gộp đạt mức mơ ước 47 tỷ đồng nhờ khoản ghi âm phí nhượng tái bảo hiểm ngoài nước trên 37 tỷ đồng.

Một năm khó khăn của ngành đóng tàu và vận tải biển cũng được thể hiện khá rõ nét trong thống kê nghiệp vụ bảo hiểm. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu năm 2012 lãi gộp 330,7 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 40,1%, thấp nhất trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ.

2012 là một năm khó khăn với các ngân hàng. Tuy nhiên, đối với nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vẻ đã "vớ bẫm" khi các khoản chi bù trừ được ghi âm, lãi gộp đạt trên 11 tỷ đồng, so với gần 11 tỷ đồng thực thu phí bảo hiểm.

5 doanh nghiệp bảo hiểm chiếm trên 70% thị phần

Tính theo doanh thu phí bảo hiểm gốc, 5 doanh nghiệp đứng đầu hiện nay bao gồm BVH, PVI, BMI, PVI và PTI đã chiếm trên 70% doanh thu toàn thị trường. Bảo Việt tiếp tục trụ vững ở ngôi đầu bảng với 5,4 nghìn tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc. BVH cũng là doanh nghiệp có lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm cao nhất, đạt trên 2 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 1/4 toàn thị trường. 



Thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012 tính theo phí bảo hiểm gốc


"An toàn là bạn"

Với mục tiêu an toàn tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm dành phần lớn các khoản đầu tư của mình dưới dạng tiền gửi ngắn và dài hạn, trái phiếu các kỳ hạn. Đây là những khoản đầu tư mang lại lãi suất không thực sự cao, nhưng an toàn và ổn định.


Cơ cấu đầu tư ngắn/dài hạn của 5 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất
(Tổng hợp theo báo cáo kiểm toán hợp nhất 2012)

Thống kê 5 doanh nghiệp "đầu bảng", chỉ có 10% các khoản đầu tư ngắn và dài hạn được các doanh nghiệp này rót vào cổ phiếu và các khoản vay ủy thác. Đáng chú ý, BVH đầu tư đến 15.303,8 tỷ đồng vào trái phiếu, trong đó 12.370,3 tỷ đồng là trái phiếu chính phủ (lãi suất 8,59 đến 15%/năm) và 2.933,5 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất từ 9 - 16%/năm. 

Tổng giá trị đầu tư trái phiếu ngắn và dài hạn của 5 doanh nghiệp nói trên chỉ ở mức 16.747,7 tỷ đồng, đóng góp phần lớn nhờ khoản đầu tư trái phiếu của BVH. 

Trong năm 2013, các doanh nghiệp bảo hiểm nhìn chung vẫn khá thận trọng trong công tác đầu tư. 

Trong phiên họp ĐHCĐ thường niên của BIC và PGI, đại diện 2 doanh nghiệp này đều khẳng định với cổ đông về việc bảo đảm an toàn vốn là mục tiêu tối thượng của BIC và PGI trong giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Minh Huyền

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên