Bất thường cổ phiếu tăng gần gấp đôi trong 1 tháng
Rất nhiều cổ phiếu tăng trần rồi giảm sàn rất “dị”, và nhà đầu tư gọi một cách vui vẻ là “cổ phiếu điên”. Biến động giá những cổ phiếu này không thể dùng phương pháp phân tích kỹ thuật nào để hành động.
Chưa nói từ cuối tháng 5 mà chỉ cần trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến nay, với đà đi lên mạnh mẽ của của thị trường chứng khoán thì đa số các nhà đầu tư đều có vẻ rất hài lòng khi nhìn danh mục của mình mỗi ngày.
Đứng đầu về mức tăng trưởng giá từ 01/08 đến 27/08 là cổ phiếu KSH của CTCP Tập đoàn khoáng sản Hamico với mức tăng 98,3%. Nhưng KSH không gây chú ý bởi một sự tăng giá bình thường. Cổ phiếu này đã tăng trần liên tục 10 phiên từ 11/08 đến nay, tăng 74,2% từ giá 6.600 đồng lên 11.500 đồng. Đây cũng không phải lần đầu tiên KSH tăng như vậy.
KSH tăng "dị" từ đầu tháng 8 đến nay
Năm 2009, từ ngày 01/09 đến 22/10, cổ phiếu KSH tăng từ 18.000 đồng lên 93.000 đồng trong đó có 38 phiên tăng trần liên tục. Giai đoạn này nhà đầu tư không chỉ chờ đợi thông tin về kết quả kinh doanh quý 3/2009 của KSH mà còn có thông tin hỗ trợ là việc KSH sắp triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng.
Vào ngày 20/10/2009, thông tin lợi nhuận sau thuế quý III/2009 của KSH đạt 5,18 tỷ đồng – tăng 77,4% so với quý III/2008 đã được công bố. Và sau đó 2 ngày, KSH đã kết thúc đợt tăng trần liên tục nói trên.
Riêng về thông tin triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân sử dụng thông tin nội bộ để tư lợi từ mua bán cổ phiếu KSH.
Trở lại với năm 2014, tuần cuối tháng 7, KSH công bố Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 với doanh thu đạt gần 31 tỷ - tăng 11% và lợi nhuận sau thuế đạt 2 tỷ - tăng 306% so với cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận này so với vốn chủ sở hữu hơn 114 tỷ thì chẳng thấm vào đâu nhưng mức tăng 306% cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư “thấy ham”. Song, tính đến cuối quý 2/2014, KSH đang lỗ lũy kế 2,8 tỷ. Tại thời điểm này, tài sản ngắn hạn của KSH đang hụt 53 tỷ so với nợ ngắn hạn.
Không những thế, 6 tháng đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm hơn 15 tỷ, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 7,1 tỷ. Tất cả được tài trợ bởi dòng tiền từ hoạt động tài chính (với các khoản vay nợ chủ yếu từ vay cá nhân), nhưng dòng tiền thuần trong kỳ vẫn âm hơn 2 tỷ.
Giống như báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013, với những yếu tố này, công ty kiểm toán đã lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của KSH. Dự kiến trong tháng 9/2014, KSH sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường bàn về vấn đề tái cấu trúc công ty.
Hẳn nhà đầu tư chưa thể quên một doanh nghiệp khoáng sản khác từng gây sóng gió vào năm 2012 là cổ phiếu KSA của khoáng sản Bình Thuận. Đợt 1, từ 14/02/2012 – 27/02/2012, KSA tăng trần liên tục 10 phiên, tạm nghỉ 1 phiên rồi tiếp tục tăng trần 4 phiên liên tiếp từ 29/02 – 05/03/2012. Những tưởng cổ phiếu đầu cơ này sẽ rơi từ đó, nhưng chỉ một vài ngày sau (có thể gọi là đợt 2), KSA lại phi trần liên tục từ 15/3 – 26/3. Chuỗi ngày sau đó, cổ phiếu đi từ tốn hơn, chỉ khoảng 2 - 4 phiên tăng trần liên tục đi kèm với những phiên giảm hay giảm sàn xen kẽ. Đợt cuối cùng, KSA tăng trần 8 phiên từ 20/04 – 03/05/2014, đạt đỉnh rồi rơi vào chuỗi ngày giảm sàn đến cuối tháng 5.
Trong 3 tuần gần như nằm sàn liên tục đó đã diễn ra những phiên tranh nhau tháo chạy. Những nhà đầu tư mua từ đầu sóng nói đùa nhau: “rơi nước mắt khi tài khoản lãi 200% mà … không bán được hàng”.
Một cổ phiếu thuộc họ nhà Hamico là KSD của Tổng CTCP Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico, trong khoảng thời gian từ 17/02/2012 – 05/03/2012 cũng tăng trần 12 phiên liên tiếp từ giá 2.700 lên 4.900 đồng. 2 tháng trước đó, KSD giao dịch kiểu “trần – sàn” xen kẽ.
Trong lịch sử thị trường chứng khoán, còn rất nhiều cái tên tăng trần rồi giảm sàn một cách “dị” như vậy, và nhà đầu tư gọi một cách vui vẻ là “cổ phiếu điên”. Có thể là có sự hỗ trợ từ sự hưng phấn của thị trường chung, thông tin tốt từ kết quả kinh doanh hay dự án mới đem lại kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp … Nhưng rõ ràng biến động giá những cổ phiếu này không thể dùng bất cứ phương pháp phân tích kỹ thuật nào để hành động.
Khi được hỏi ý kiến về cổ phiếu tăng giảm "dị" như vậy, các chuyên gia chứng khoán thường chỉ mỉm cười trả lời: “tùy khẩu vị của nhà đầu tư”. Nhìn chuỗi giá tím cả chục phiên, có thể xen thêm 1, 2 phiên giảm rồi giá cổ phiếu lại bị giật lên chuỗi trần liên tục, không ít người cảm thấy bứt rứt, cuối cùng quyết định “liều một phen”.
Trong khi đó, những nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm nhất quyết nói “không” với loại cổ phiếu này. Theo họ, đó là những cổ phiếu bị chi phối trong tay của các cổ đông lớn. Nắm giữ số lượng nhiều, các cổ đông lớn này có thể “đánh” giá lên bao nhiêu tùy thích. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm đứng nhìn, nổi lòng tham và mất kiên nhẫn, cộng thêm suy nghĩ “mình có thể rút chân ra nhanh hơn những người khác” chắc chắn sẽ trở thành nạn nhân.
>>> “Bài” của VHG từ lỗ thành lãi
Bảo Ngọc