MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỗng dưng… hóa lỗ!

Sau soát xét, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) bỗng dưng giảm lãi, tăng lỗ, hoặc từ lãi chuyển thành lỗ.

Đáng nói là, khi DN hạch toán không đúng, không đủ chi phí thì số liệu sổ sách sẽ không phản ánh đúng thực tế hoạt động của DN. Sự không minh bạch tài chính khiến nhà đầu tư (NĐT), cổ đông rất khó đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn của mình.

Trong nửa đầu năm 2013, đa số DN sản xuất, kinh doanh hoạt động rất khó khăn. Nhiều DN báo lỗ, chỉ có một số ít "mạnh dạn" báo lãi, nhưng con số lợi nhuận cũng chỉ ở mức khiêm tốn.

Lỗ do tăng chi phí

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu bán hàng lũy kế 6 tháng qua của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) đạt gần 194 tỷ đồng, tăng tới 130% so với cùng kỳ năm 2012. Do phát sinh khoản lợi nhuận đột biến là 31 tỷ đồng trong quý II, ITA đã may mắn thoát lỗ trong quý này. Nhưng tính chung 6 tháng, Công ty vẫn bị lỗ 3,95 tỷ đồng. Lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ trong 6 tháng đạt 10,38 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi đơn vị kiểm toán soát xét BCTC, kết quả kinh doanh của ITA đã giảm mạnh do phải điều chỉnh tăng khoản "chi phí khác" thêm 5,5 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế giảm chỉ còn 4,43 tỷ đồng. Riêng lãi ròng của công ty mẹ giảm chỉ còn hơn 4,32 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) bất ngờ bị lỗ thêm gần 30,5 tỷ đồng sau khi kiểm toán lại BCTC năm 2012, đẩy số lỗ cả năm ngoái lên hơn 255,3 tỷ đồng. Theo giải trình của SaigonTel, nguyên nhân tăng lỗ này là do phải điều chỉnh nhiều khoản mục chi phí theo yêu cầu của kiểm toán.

Cụ thể, sau khi kiểm toán, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh 112 tỷ đồng, xuống còn 328,8 tỷ đồng. Lý do vì phải điều chỉnh giảm chi phí lãi vay vào KCN Đại Đồng (Bắc Ninh); điều chỉnh hủy bút toán sai giá trị nhà xưởng tại KCN này hơn 55,88 tỷ đồng, hủy bút toán hạch toán trùng số tiền 87,78 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, do SaigonTel trích lập thêm dự phòng các khoản đầu tư vào Công ty Địa ốc Viễn Đông Việt Nam, nên khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tăng hơn 22 tỷ đồng. Chi phí phải trả của SaigonTel giảm 106,3 tỷ đồng so với báo cáo trước kiểm toán do phải điều chỉnh nhiều khoản giá vốn cho thuê đất, chi phí lãi vay, giảm chi phí giá trị nhà xưởng tại KCN Đại Đồng… Nhiều chi phí như chi phí quản lý DN, chi phí bán hàng, chi phí khác… phải điều chỉnh tăng lên với số tiền hàng chục tỷ đồng.

DN điện lỗ vì "đặc thù"

Kết thúc 2 quý đầu năm 2013, nhiều DN ngành điện hoan hỉ báo lãi lớn do tình hình sản xuất điện thuận lợi, tiêu thụ tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi đơn vị kiểm toán tiến hành soát xét lại báo cáo bán niên, thì một số DN có lãi bỗng chuyển thành… lỗ lớn!

Điển hình là Công ty CP Sông Ba (mã SBA) - chủ đầu tư công trình thủy điện Krông Hnăng. Các cổ đông đang rất bất ngờ khi SBA báo lãi 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nay lại công bố bị lỗ tới 12,7 tỷ đồng. Giải trình về chênh lệch lợi nhuận trước và sau khi soát xét, SBA cho rằng lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm là do chi phí tài chính chưa được phân bổ theo đặc thù của lĩnh vực đầu tư thủy điện.

Theo SBA, do hoạt động sản xuất điện phụ thuộc thời tiết và mùa vụ, nên doanh thu thực hiện không đều giữa các tháng. Nhưng DN phải trả chi phí lãi vay đều đặn hàng tháng. Nếu ghi nhận toàn bộ khoản lãi vay vào chi phí hàng tháng thì kết quả kinh doanh hàng quý biến động rất lớn, không phản ánh đúng tình hình thực tế hoạt động của SBA.

Để phản ánh đúng thực tế, SBA đã thực hiện phân bổ chi phí lãi vay theo kế hoạch sản lượng điện năm nay và phần lãi còn lại sẽ ghi nhận vào cuối năm tài chính 2013. Do đó, lợi nhuận sau thuế lũy kế đến cuối quý II/2013 có lãi gần 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía đơn vị kiểm toán BCTC yêu cầu SBA thực hiện phân bổ toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ theo đúng chuẩn mực kế toán. Cho nên, SBA phải ghi nhận bổ sung thêm khoản lãi vay 22,7 tỷ đồng (dự kiến phân bổ vào 6 tháng cuối năm) ngay trong kỳ báo cáo. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của SBA đã giảm mạnh, bị âm gần 12,74 tỷ đồng sau soát xét. Hiện, SBA đang làm thủ tục trình Bộ Tài chính xin được phân bổ chi phí lãi vay theo sản lượng điện thực tế và phân bổ hết chi phí này vào cuối năm tài chính.

Trước đó, các DN ngành điện lần lượt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 với con số khá ấn tượng.

Đơn cử, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố lãi ròng trong 6 tháng gần 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 565% so với cùng kỳ. Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đạt doanh thu hơn 790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng. Nhiều DN sản xuất thủy điện, nhiệt điện khác cũng báo lãi từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, khiến các cổ đông trong lòng khấp khởi.

Nhưng cho đến giờ, nhiều DN ngành điện chưa công bố kết quả soát xét BCTC bán niên năm 2013. Liệu kết quả kinh doanh của các DN này có giảm lãi, tăng lỗ hoặc từ lãi chuyển thành lỗ như trường hợp SBA hay không là điều mà NĐT, cổ đông đang lo lắng…

Theo Thu Hằng

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên