MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng ma tin đồn trên thị trường chứng khoán và những kẻ trục lợi

Doanh nghiệp lớn, cổ phiếu thanh khoản cao là đối tượng ưa thích của tin đồn do tạo ra ảnh hưởng lớn đến thị trường hoặc nhóm ngành hoạt động và bị nhiều người “soi”. Từ đó có thể tạo cơ hội cho kẻ tung tin trong việc dìm giá gom hàng.

Doanh nghiệp “béo” - những nạn nhân của tin đồn thất thiệt

Năm 2008, Chủ tịch HĐQT của Công ty chứng khoán VNDIRECT – bà Phạm Minh Hương bất ngờ dính phải tin đồn bị cơ quan công an bắt giữ. Tin đồn này lan truyền trong chiều ngày 20/3 và gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty. Xuất hiện trên truyền thông để bác bỏ, bà Hương cho biết kế hoạch tăng vốn của các định chế tài chính có liên quan đã phải ngừng lại.

Trước đó 1 tuần, thị trường đã ầm ĩ tin đồn ông Nguyễn Duy Hưng – Tổng giám đốc của CTCK Sài Gòn (SSI) bị bắt. Chiều 12/03/2008, SSI đã có công văn gửi các cơ quan chức năng để khẳng định tin đồn nêu trên hoàn toàn sai sự thật. Hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường. Với sự xử lý tin đồn nhanh chóng, giá cổ phiếu SSI đã không gặp phải biến động tiêu cực nào.

Trong giai đoạn mong manh của thị trường tài chính tháng 8/2012, ngay sau sự kiện bầu Kiên bị bắt, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cũng trở thành đối tượng của tin đồn bắt bớ. Từ Mỹ trở về, ông Quang đã xuất hiện tại một sự kiện do Masan tổ chức để trả lời chính thức cho những lời đồn đại.

Một tin đồn “nổi tiếng” từng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán là tin ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng BIDV bị bắt lan ra trong sáng 21/2/2013. Ngay lập tức, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo. VN-Index giảm 18 điểm và HNX-Index giảm 3,35 điểm. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong 1 phiên giao dịch.

Sau một thời gian điều tra, Tổng cục An ninh II - Bộ Công an đã xác định 3 người tung tin đồn thất thiệt và xử phạt hành chính đối với những đối tượng này.

Gần đây hơn, cũng không ít doanh nghiệp đã gặp phải tin đồn tiêu cực và ảnh hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu.

Vào tháng 5/2015, cổ phiếu DXG của CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh đã giảm giá rất mạnh trước thông tin CTCP Đất Xanh Đông Á vướng vào kiện tụng. DXG đã có văn bản khẳng định sự không chính xác của các thông tin trên thị trường. Sau công văn bác bỏ sự “dính líu” đến Đất Xanh Đông Á, cổ phiếu DXG đã hồi phục nhanh chóng và tăng gần 50% cho đến nay.

Trong tháng 6/2015, khi giá cổ phiếu đang đi xuống và doanh nghiệp thì phải đối mặt với những đồn thổi về nguy cơ vỡ nợ bởi áp lực đáo hạn của các khoản vay bằng trái phiếu, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) ngay lập tức có công văn giải trình về số dư vay nợ, đồng thời cho biết đang đàm phán để kéo dài thời gian chuyển đổi trái phiếu sao cho cả HAG và trái chủ đều có lợi.

Giá cổ phiếu HAG đã ổn định lại sau đó và đang có xu hướng đi lên trong 2 tuần nay.

Có thể thấy, những doanh nghiệp lớn, cổ phiếu có thanh khoản cao là đối tượng ưa thích của tin đồn do tạo ra ảnh hưởng lớn đến thị trường hoặc nhóm ngành hoạt động và bị nhiều người “soi”. Từ đó có thể tạo cơ hội cho kẻ tung tin trong việc dìm giá gom hàng.

HHS chịu trận sau “nỗi đau” từ JVC

Cũng không quá khi nói JVC – CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật là nỗi đau của tháng 6. Từ tin đồn trở thành sự thật, Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Hướng bị khởi tố vì tội danh “lừa dối khách hàng”, giá cổ phiếu này đã giảm một mạch từ 22.100 đồng xuống còn 7.600 đồng trong sự hoang mang và chua xót của các cổ đông.

JVC trở thành nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư cũng như các công ty chứng khoán trên thị trường. Vì thế, ngay sau JVC, khi tin đồn về HHS – CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy tung ra, việc mà các CTCK làm ngay lập tức là cắt margin, còn nhà đầu tư thì bán tháo khiến cho cổ phiếu này nhanh chóng rớt giá.

Mặc dù công ty đã ngay lập tức có công văn bác bỏ, đồng thời Chủ tịch HĐQT Đỗ Hữu Hạ lên tiếng trước truyền thông và đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu, nhưng trước nỗi ám ảnh từ JVC trước đó, cùng với hệ lụy từ việc cắt và call margin, HHS đã phải chịu cảnh nằm sàn 3 phiên liên tục rồi mới phục hồi trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khi nhà đầu tư đã trấn tĩnh.

Cổ đông của HHS không phải chịu uất ức như cổ đông của JVC. Mặt khác, hẳn cũng không thiếu những người đã tranh thủ kiếm lời từ vụ này nhờ bán khống – một loại giao dịch được các NĐT thực hiện ngầm. Trong ngày 30/06, tin đồn được tung ra và cổ phiếu giảm sàn với khối lượng khớp lệnh tăng mạnh hơn bình thường, đạt mức 4 triệu đơn vị. Đó là ngày có cơ hội để thực hiện việc bán khống.

Nhưng nhà đầu tư đâu phải cứ có niềm tin là đủ?

Theo ông Alan Phan - nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong, ở một thị trường thiếu minh bạch thì việc tạo tin đồn rất dễ. Nhưng ở thị trường Mỹ chẳng hạn, tin đồn sau khi được tung ra khoảng 10 phút đến nửa tiếng đã có Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty hay cơ quan chức năng xuất hiện và lên tiếng phủ nhận ngay chứ không để “làm mưa làm gió” nhiều ngày.

Nhiều chuyên gia chứng khoán từng làm việc tại Mỹ cho biết, mô tuýp tin đồn sếp nọ, VIP kia bị bắt bớ không còn được giới làm giá ở Mỹ ưa chuộng nữa do không còn hiệu quả. Tuy nhiên, ở thị trường sơ khai như Việt Nam, đây vẫn là công cụ hữu hiệu cho nhiều kẻ trục lợi.

Có thể thấy, ngoại trừ một số trường hợp như JVC thì các doanh nghiệp Việt Nam nói trên khi dính tin đồn đều rất nhanh chóng lên tiếng để bảo vệ thương hiệu cũng như giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chúng ta vốn mong manh. Một mặt là do vốn kinh nghiệm mỏng. Mặt khác, điều kiện để tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và thấu hiểu doanh nghiệp của nhà đầu tư nhỏ lẻ - lực lượng đông đảo nhất trên thị trường cũng như trên các diễn đàn chứng khoán, là không nhiều.

Một số nhà đầu tư kinh nghiệm cũng phải bày tỏ: Mặc dù hiểu doanh nghiệp, tin tưởng vào giá trị dài hạn của doanh nghiệp nhưng trước làn sóng tháo chạy khiến giá cổ phiếu giảm sâu xuống dưới mức cắt lỗ, họ cũng phải bán cổ phiếu theo kỷ luật vì một mình không thể chống lại thị trường. Khi gặp tin đồn tiêu cực như thế, không phải cứ có niềm tin là đủ.

Về phía doanh nghiệp, trước những sự kiện nêu trên, nhiều lãnh đạo đã thể hiện nỗi lo lắng không hề nhỏ trước sự nhiễu loạn tin tức của thị trường. Làm sao để bảo vệ doanh nghiệp của mình trước những thông tin thất thiệt và tiêu cực?

Điều này thực sự cần sự phối hợp của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.

Hoàng Hải

Tài chính Plus

Trở lên trên