MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BVSC: TTCK sẽ điều chỉnh 1-2 tuần giữa tháng 3 trước khi tăng trở lại

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm nhẹ phiên thứ hai liên tiếp trong một đợt điều chỉnh kỹ thuật mà theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì có thể kéo dài 1-2 tuần trước khi có thể tăng bền vững hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 2 đã tăng khá mạnh về điểm số nhưng lại chứng kiến sự sụt giảm về thanh khoản do chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng nghỉ Tết. Các nhóm ngành ở top đầu tăng tương đối mạnh, còn các nhóm ở top dưới giảm không đáng kể.

Diễn biến tích cực từ đầu tháng 2 đã kéo dài sang đầu tháng 3, giúp chỉ số VN-Index chạm đỉnh vào ngày 7/3 tại 576,2 điểm tính theo giá đóng cửa – mức cao nhất kể từ đầu năm 2016. Thị trường đi lên nhờ sự luân phiên tăng điểm của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, dầu khí, dược phẩm... với các thông tin tích cực từ thị trường dầu mỏ, chứng khoán toàn cầu và thông tin nới room ở một số mã cổ phiếu riêng lẻ.

Riêng trong tháng 2, nhóm ngành tăng tích cực nhất là thiết bị và dịch vụ y tế và dược phẩm tăng lần lượt 34,2% và 28%, tiếp đến là các ngành thực phẩm và chứng khoán tăng lần lượt 10% và 9,7%. Ngược lại, nhóm ngành giảm mạnh nhất là bất động sản với mức giảm 5,5%.

Trong báo cáo Báo cáo kinh tế vĩ mô & thị trường công bố ngày 8/3, BVSC cho rằng mặc dù xu hướng tăng điểm trong trung hạn vẫn được ủng hộ, nhưng “thị trường sẽ cần những nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật để đà tăng trở nên bền vững”.

Diễn biến thực tế cho thấy thị trường đang bắt đầu điều chỉnh giảm, với chỉ số VN-Index mất tổng cộng 4,49 điểm trong phiên ngày 8/3 và 9/3, về mức 57,171 điểm.

Theo BVSC, thị trường sẽ có xu hướng điều chỉnh trong 1-2 tuần giữa tháng 3 do chịu áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng điểm vừa qua và chờ đợi các thông tin mới. Thị trường được kỳ vọng sẽ quay trở lại xu hướng tăng điểm vào nửa cuối tháng nhờ thông tin hỗ trợ liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất hay thông tin liên quan đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn được công bố trong các kỳ họp đại hội cổ đông.

Công ty chứng khoán này dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 570- 585 điểm vào cuối tháng 3/2016.

Tâm điểm chú ý tháng 3

Theo BVSC, có 3 yếu tố chính tác động đến thị trường chứng khoán trong tháng 3, bao gồm hoạt động của các quỹ ETF, quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và diễn biến giá dầu.

Với kỳ tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF trong tháng 3, BVSC dự báo quỹ V.N.M ETF sẽ thêm vào danh mục mã SBT do đã đáp ứng đủ các tiêu chí về vốn hóa và thanh khoản trong khi loại mã PPC; còn quỹ FTSE Vietnam Index mới đây đã công bố sẽ thêm vào danh mục 5 mã là HHS, PGD, HNG, ASM và HQC. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ phiếu vốn hóa lớn khác có tác động mạnh đến diễn biến thị trường và đang ở trong danh mục của FTSE Vietnam Index như VIC, MSN hay VCB có thể sẽ bị bán ra để đảm bảo tổng tỷ trọng danh mục không vượt quá ngưỡng cho phép.

Mặc dù kỳ tái cơ cấu này sẽ khiến thanh khoản của các mã liên quan tăng mạnh, nhưng hoạt động kiếm lời từ các kỳ tái cơ cấu trong các quý gần đây không thực sự hiệu quả.

Theo BVSC, tại các thời điểm cận hoặc sau khi kết thúc kỳ tái cơ cấu (tuần thứ 3 và thứ 4 của tháng 3), các hoạt động đầu tư ngược chiều (canh mua các mã bị giảm tỷ trọng) thường sẽ chiếm ưu thế. Mặc dù vậy, cung cầu tại các mã bluechip thường sẽ được cân bằng lại rất nhanh và không tác động nhiều đến xu hướng chủ đạo của các chỉ số.

Với kỳ họp của Fed diễn ra ngày 15-16 tháng 3, giới đầu tư sẽ chú ý đến lộ trình nâng lãi suất của Mỹ và điều này dự kiến sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Số liệu việc làm của Mỹ được công bố hôm 4/3 cho thấy những chuyển biến tích cực của thị trường lao động khi việc làm khu vực phi nông nghiệp tăng 242.000 việc làm, một dấu hiệu giúp nhà đầu tư tin tưởng vào sức khỏe của kinh tế Mỹ, và cũng là yếu tố giúp chứng khoán Phố Wall tăng điểm. Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy mức lương ở Mỹ giảm nhẹ 3 cent/giờ trong tháng 2, làm dấy lên lo ngại mục tiêu lạm phát 2% của FED đang ngày càng xa vời. Bên cạnh đó, chủ tịch Fed New York, ông William Dudley, mới đây cũng khuyến cáo rằng việc nâng lãi suất trong tháng 3 có thể gây nên những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Theo đó, BVSC cho rằng Fed có thể sẽ tiếp tục trì hoãn việc nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 này, qua đó hỗ trợ cho thị trường chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn nửa cuối tháng 3.

Trong kịch bản xấu, với xác suất thấp hơn, việc Fed nâng lãi suất có thể lại kích hoạt chuỗi bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường đang phát triển và cận biên, trong đó có Việt Nam, đồng thời đồng USD tăng giá sẽ tác động xấu đến giá dầu thế giới.

Về giá dầu, thị trường dầu thô thế giới đã phục hồi mạnh mẽ kể từ sau khi giảm xuống dưới mốc 30 USD/thùng (đối với dầu Brent) vào ngày 11/2/2016. Đà tăng này được hỗ trợ bởi 4 yếu tố chính: Thứ nhất là thỏa thuận về việc đóng băng sản lượng giữa Ảrập Xêut với Nga và một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ liên quan; Thứ hai là nguồn cung từ OPEC đang có dấu hiệu giảm,; Thứ ba là sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ sụt giảm mạnh khi số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ tiếp tục giảm; Cuối cùng là kỳ vọng về sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc nhờ các động thái kích thích kinh tế, nới lỏng tiền tệ của nước này.

BVSC đánh giá các yếu tố trên đã phản ánh tương đối đầy đủ đến diễn biến giá dầu, nên cần phải có thêm các nhân tố mới thì giá dầu WTI mới có thể vượt mức 40 USD/thùng một cách bền vững. Giá dầu tháng 3 được dự đoán dao động từ 33-39 USD/thùng (đối với dầu WTI).

Theo Ngân Hà

Người đồng hành

Trở lên trên