MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cắn răng" cho đối tác chịu nợ

Nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định "vẫn có dòng tiền lưu chuyển lớn" nhưng đã bị đối tác, khách mua hàng nợ tiền, chiếm dụng vốn...

Không thu hồi được công nợ, công ty khó có thể đạt được con số lợi nhuận đẹp như cam kết, càng không có tiền mặt để trả cổ tức.

Thu hồi công nợ đang là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn với Công ty CP Máy - thiết bị Dầu khí (PV Machino, có vốn điều lệ 386,3 tỷ đồng, là công ty con của Tổng Công ty Công nghệ năng lượng Dầu khí Việt Nam - PV EIC). Bởi theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013, công nợ phải thu toàn công ty PV Machino hơn 540 tỷ đồng, trong đó, hơn 458,6 tỷ đồng nợ phải thu từ công ty mẹ.

Vừa đòi nợ vừa… run!

Đáng chú ý, công nợ quá hạn là 433,4 tỷ đồng (chiếm 80,2% tổng số nợ), mà gần 70% số nợ này là của công ty mẹ (hơn 339,3 tỷ đồng). Công ty đã phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro công nợ quá hạn hơn 51 tỷ đồng.

Thu hồi nợ kém khiến kết quả kinh doanh năm 2013 sụt giảm, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 3,45 tỷ đồng dù doanh thu hợp nhất là 783 tỷ đồng. Do thế, tỷ lệ trả cổ tức liên tục giảm từ mức 15% (năm 2011) xuống còn 0% (năm 2013). Sau nhiều lần khất nợ và cổ đông đòi "rát", công ty mới chịu trả nốt cổ tức năm 2011 (7,5%), xin khất cổ tức năm 2012 thêm 2 tháng nữa sẽ trả.

Trả lời chất vấn của cổ đông tại ĐHCĐ năm 2014, ông Nguyễn Đình Trung, Tổng Giám đốc PV Machino, cho biết công ty có gần 300 con nợ với số nợ lớn nhất là 79 tỷ đồng và nhỏ nhất chỉ 350.000 đồng. Do các đối tác mua hàng của PV Machino thực sự gặp khó khăn, không có nguồn tiền trả nợ, hoặc chây ỳ không trả, khiến việc thu hồi công nợ rất vất vả.

"Để thu hồi công nợ, chúng tôi đã nỗ lực, vận dụng tất cả khả năng để đòi nợ, kể cả những biện pháp không đúng lắm. Trên sổ sách thể hiện, công nợ đã giảm được 2,4% so với năm trước, nhưng thực chất, số nợ đã giảm được 40 tỷ đồng vì dòng tiền bán hàng thay đổi liên tục, phải cho họ mua chịu", ông Trung nói, đồng thời kể ra một số giải pháp quyết liệt như kiện ra tòa, thuê công ty đòi nợ, thuê tư vấn pháp lý…

Công ty đã thành lập Ban thu hồi công nợ để rốt ráo đòi nợ, tiến hành phân loại, đánh giá xem con nợ nào còn khả năng trả nợ thì buộc phải "sống chung" vì "mình kiện, nó phá sản thì mình cũng chết luôn". Đơn cử như trường hợp một công ty nợ PV Machino 79 tỷ đồng, cam kết sẽ trả dần 2 tỷ đồng/ tháng và trả bằng 50% nợ còn lại bằng tài sản.

Theo ông Trung, chỉ khi con nợ mất khả năng thanh toán, phá sản thì công ty mới khởi kiện đòi nợ. Hơn nữa, hiện có một số vụ kiện đòi nợ của công ty đang phải tạm dừng do quá trình tố tụng có nhiều diễn biến phức tạp, vướng mắc…
Được biết, PV Machino đang bị vướng vào vụ án pháp lý liên quan đến việc Ngân hàng Seabank Chi nhánh Hai Bà Trưng (Hà Nội) phát hành 12 bảo lãnh "khống", đã khởi tố lãnh đạo, cá nhân sai phạm (năm 2012).

Trong đó, có 1 bảo lãnh thanh toán lô hàng trị giá hơn 54 tỷ đồng cho Công ty CP Vina Megastar để mua chịu hàng của PV Machino. Đến giờ, vụ án chưa được phân xử, nên Seabank không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ cho PV Machino.

Để bảo đảm cân đối tài chính, cải thiện lợi nhuận kinh doanh, Ban điều hành PV Machino hứa với cổ đông sẽ tích cực thu hồi được 50% công nợ tồn đọng trong năm 2014.

Chiếm dụng vốn

Tình trạng nợ đọng, không trả nợ cho bên cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, dịch vụ… đang rất căng thẳng ở khối DN ngành xây dựng, đầu tư bất động sản. Bản thân các DN vừa là chủ nợ, vừa là con nợ của đối tác, khách hàng khác, dẫn tới số công nợ phải thu hồi rất lớn, vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Đơn cử như tại Tổng Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), hết năm 2013, tổng các khoản phải thu từ khách hàng là hơn 5.890 tỷ đồng. Riêng các khoản nợ khó đòi đã buộc công ty phải trích gần 290 đồng dự phòng.

Các đơn vị thành viên của Vinaconex đang có số nợ tồn đọng rất lớn, tỷ lệ nợ phải thu trên vốn chủ sở hữu cao như VC5, VC6, V15… Do đặc thù hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, đầu tư dự án lớn nên các công ty này đều rơi vào tình trạng bị khách hàng, đối tác mua hàng "câu giờ" không chịu trả tiền. Trong khi đó, DN lại phải xoay sở, đảm bảo trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, các đối tác cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị…

Trong tình thế "lửa cháy 2 đầu", Vinaconex và các đơn vị thành viên cũng khó có thể xử lý thu hồi công nợ nhanh chóng được, dẫn tới, kết quả kinh doanh vài năm gần đây liên tục không mấy sáng sủa. Tổng doanh thu thuần năm 2013 giảm nhẹ còn 11.345 tỷ đồng, nhưng lãi gộp giảm hơn 20,5%, đạt 1.549 tỷ đồng.

Các DN xây dựng lớn khác như Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí (PVX), Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Sông Đà… cũng đang chật vật xử lý những khoản nợ phải thu rất lớn, có nơi tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc thu hồi công nợ của DN xây dựng hiện phụ thuộc chủ yếu vào tiến độ rót vốn của ngân hàng cho các bên liên quan, nguồn vốn ngân sách giải ngân, khách hàng trả tiền mua nhà…

Tình trạng các DN nợ đọng lẫn nhau thực chất là hành vi chiếm dụng vốn, gây ảnh hưởng đến thanh khoản, cân đối tài chính của DN. Song thực tế, ít khi có chuyện DN kiện đòi đối tác vì có thể, họ cũng đang là con nợ ở nhiều chỗ khác, sợ dính đến pháp lý và "động chạm" quan hệ làm ăn…

Thế nên, các cổ đông có quyền "mắng" HĐQT, Ban điều hành vì lợi nhuận kinh doanh thấp, trả cổ tức bèo bọt, nhưng những cái khó của người điều hành thì họ biết tỏ cùng ai?

Theo Phương Nga

thunm

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên