MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng bắt đáy, lại nắm phải… dao rơi

Nếu NĐT tỉnh táo có thể bắt đáy thành công, nhưng nếu không kiểm soát được lòng tham thì sẽ bắt phải “dao rơi”. Khi đó, thiệt hại sẽ là rất lớn.

Nếu NĐT không theo dõi sát thị trường và không được trang bị đầy đủ nền tảng kiến thức… rất dễ bắt phải “dao rơi”. Thực tế cho thấy, nhiều cổ phiếu nhỏ đã tăng giá liên tục trong thời gian dài, có thể 1 - 2 tháng, biên độ tăng từ 100% - 200%, sau đó giảm sàn liên tục, rồi phục hồi nhẹ và tiếp tục giảm điểm, khiến nhiều người lao vào bắt đáy thì lại bắt phải “dao rơi”.

Trong những con sóng chứng khoán thời gian cuối năm 2013, xuất hiện nhiều cổ phiếu nhỏ bất ngờ “nóng bỏng” với mức tăng giá đến 300% - 400%. Như VPC, VNH, KMR, DCT, ICF, hay những mã mới nổi như SHN, UDC… sự tăng nóng giá các cổ phiếu này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) vớ bẫm. Tuy nhiên, bất thường này cũng đang phát đi những cảnh báo.

Nhìn vào diễn biến giá, VNH đã tăng trần 27 phiên liên tiếp, từ 1.800 đồng/CP lên 8.400 đồng/CP ngày 29/11; KMR tăng từ 2.400 đồng lên đến 10.000 đồng/CP; và gần đây là mã PXM tăng từ 600 đồng/CP lên 1.700 đồng/CP; MCG từ 3.900 đồng/CP lên 6.300 đồng/CP; SHN từ 800 đồng/CP lên 1.400 đồng/CP; UDC từ 3.800 đồng/CP lên 5.900 đồng/CP…

Có nhóm NĐT, khi thấy những mã cổ phiếu nói trên tăng liên tục trước đó với tin tốt đưa ra, sau đó những mã cổ phiếu này lại giảm sàn liên tục về lại những mức giá hấp dẫn hơn hẳn so với 10 phiên trước, thì họ muốn bắt đáy và kỳ vọng đầu cơ giá lên một lần nữa.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, phía sau câu chuyện “tăng nóng” của một số mã, khi liên tục tăng trần rồi giảm sàn liên tiếp, là trò chơi tinh vi của một nhóm NĐT lớn, tổ chức để đánh vào lòng tham của các nhóm khác. Nếu NĐT tỉnh táo có thể bắt đáy thành công, nhưng nếu không kiểm soát được lòng tham thì sẽ bắt phải “dao rơi”. Khi đó, thiệt hại sẽ là rất lớn.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn đầu tư (CTCP chứng khoán An Bình) cho rằng, bắt đáy là câu chuyện không dễ đối với những cổ phiếu đầu cơ. Sau khi tăng mạnh và liên tục trước đó, cổ phiếu bắt đầu giảm sàn 4 - 5 phiên mà đã vội vàng lao vào bắt đáy thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì, mức giá này vẫn còn cao hơn nhiều so với vùng giá mà các NĐT tổ chức đã mua để tích lũy cổ phiếu từ trước đó. Khi mà cổ phiếu giảm điểm đến 5 - 10 phiên, thậm chí 15 phiên, những NĐT lớn bán giá nào cũng có lãi. Điều này làm cho việc mua cổ phiếu bắt đáy lúc này rất nguy hiểm.

Về mặt đồ thị, bắt đáy mã chứng khoán thường liên tưởng đến việc trong một giai đoạn giảm giá kéo dài nhiều phiên, NĐT mua vào với hy vọng sau khi mua thì thị trường bật tăng lên và họ có thể bán ra chốt lãi. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không hẳn đã như vậy. Điểm quan trọng là khi bắt đáy phải xem trước đó cổ phiếu đã được tích lũy trong một thời gian dài hay chưa.

Những cổ phiếu đi ngang, tăng giảm trong thời gian dài với biên độ hẹp mà sau đó bắt đầu tăng giá, sau khi tăng giá lại có đợt điều chỉnh giảm với biên độ thấp khoảng 10% - 15%, kèm theo đó là khối lượng thấp trở lại thì lúc đó được gọi là bắt đáy. Thông thường, khi đó giao dịch rất tốt.

Nếu NĐT không theo dõi sát thị trường và không được trang bị đầy đủ nền tảng kiến thức… rất dễ bắt phải “dao rơi”. Thực tế cho thấy, nhiều cổ phiếu nhỏ đã tăng giá liên tục trong thời gian dài, có thể 1 - 2 tháng, biên độ tăng từ 100% - 200%, sau đó giảm sàn liên tục, rồi phục hồi nhẹ và tiếp tục giảm điểm, khiến nhiều người lao vào bắt đáy thì lại bắt phải “dao rơi”.

Ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm, để bắt đáy an toàn, NĐT phải nhìn đồ thị xem cổ phiếu định đầu tư đã tăng nhiều hay chưa. Ví như hiện nay, các mã đa phần đều đã tăng rất mạnh và tăng liên tục. Nếu cổ phiếu mới chỉ giảm điểm 4 - 5 phiên mà đã vội vàng lao vào bắt đáy thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì nền tảng giá không còn vững chắc như trước.

Đặc biệt, nền tảng giá của khá nhiều cổ phiếu loại này đã vượt khỏi vùng giá mà các NĐT có tổ chức, NĐT chuyên nghiệp đã mua. Vì vậy, thị trường giảm 5 - 10 phiên, thậm chí 20 phiên, NĐT lớn vẫn có lãi. Thời điểm này bắt đáy rất nguy hiểm. Nhìn vào KMR, sau 3 phiên giảm sàn với dư bán sàn rất nhiều từ đỉnh giá (27/11/2013), đến phiên giảm sàn thứ 4

xuất hiện một khối lượng lớn mua vào rất nhiều. Nhiều NĐT nghĩ rằng việc bắt đáy hoàn tất, do vậy mua vào theo. Nhưng, KMR chỉ tăng trần được 1 phiên để rồi tiếp tục rơi vào cảnh giảm sàn liên tục. Rõ ràng, những NĐT bắt đáy này đều bị thua thiệt.

Lý giải diễn biến này, một chuyên gia cho biết đây là “chiêu” của NĐT tổ chức nhằm lôi kéo NĐT vào cuộc chơi. Còn NĐT quên rằng, cổ phiếu chỉ mạnh khi có những NĐT lớn, NĐT tổ chức đứng phía sau và tung hứng.

Điều này có thể kiểm chứng bằng việc trong thời gian này, những thông tin hỗ trợ chu kỳ tăng giá từ DN hầu như không có. Cụ thể là trường hợp VHN, báo cáo tài chính quý III/2013 cho thấy, lợi nhuận tăng 6,7 tỷ đồng do chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản; nhưng lũy kế 9 tháng lại âm 3,7 tỷ đồng… mà giá của nó lại tăng đến gần 467%.

Tất nhiên, không phải NĐT nào cũng bắt phải dao rơi khi họ đã mua ở vùng giá thấp hơn hiện tại, nhưng sự rơi tự do của những cổ phiếu này khiến nhiều NĐT trở tay cắt lỗ không kịp. Một cổ phiếu đang tăng giá mà giảm sàn 3 - 4 phiên liên tục là đang bán ra bởi chính các NĐT lớn. Bởi các NĐT nhỏ ít khi tạo được điều này. Nếu khối lượng giao dịch tương đối lớn so với trung bình 5 ngày trước đó thì đấy là dấu hiệu rất rõ nét NĐT lớn đang bán ra và sẽ không sớm mua lại. Khi thông tin này lộ diện, nhiều NĐT có xu thế bán theo.

“Theo phương pháp kỹ thuật truyền thống, sau một giai đoạn tăng giá, cổ phiếu có mức biến động giá mạnh, tăng nhanh và mạnh sau đó giảm nhanh và mạnh liên tục thì đã hội tụ đầy đủ yếu tố là đỉnh giá chứ không phải đáy giá”, ông Tuấn cho biết. Vì nếu là tại đáy giá của cổ phiếu thì biến động sẽ trong một biên độ rất hẹp. Đây cũng là lý do nếu thật sự muốn tham gia bắt dao rơi phải cắt lỗ khi giá giảm 7% - 10%, nếu không sẽ “thương tích” rất lớn.

Theo Trần Hương

phuongmai

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên