MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp bách quản trị rủi ro tài chính của công ty chứng khoán

Ba loại rủi ro chính mà các Công ty Chứng khoán có thể gặp phải là rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng.

Được tổ chức vào ngày cuối tuần trước, hội thảo lấy ý kiến đóng góp về 2 dự thảo Thông tư Hợp nhất, sáp nhập, giải thể và Tỷ lệ an toàn tài chính tại CTCK của UBCK không thực sự thu hút sự tham gia của nhiều CTCK.

Những ý kiến đóng góp hiếm hoi tại hội thảo tập trung vào vấn đề quản trị rủi ro tài chính trong CTCK, vấn đề trở nên cấp bách khi nhiều CTCK vừa trải qua một giai đoạn dài căng thẳng về thanh khoản cũng như an toàn hoạt động.

Theo dự thảo Thông tư lần 2, có 3 chỉ tiêu rủi ro tín dụng mà các CTCK phải báo cáo mỗi tháng một lần. Trên cơ sở đó, UBCK sẽ có biện pháp quản lý hoặc tính đến việc đưa các CTCK vào diện kiểm soát.

Thứ nhất là rủi ro trong hoạt động của các CTCK. Rủi ro này được xác định bằng 20% vốn pháp định tương ứng với các nghiệp vụ kinh doanh của tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoặc 25% chi phí duy trì hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán trong vòng 12 tháng liền kề tính đến tháng gần nhất, tùy thuộc vào khoản nào lớn.

Thứ hai là rủi ro thị trường. Hàng ngày, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải xác định giá trị rủi ro thị trường đối với các tài sản đang nắm giữ. Đó là chứng khoán trên tài sản tự doanh, tài khoản giao dịch chứng khoán… Giá trị rủi ro thị trường được xác định bằng vị thế ròng nhân (x) giá trị thị trường x hệ số rủi ro thị trường.

Thứ ba là rủi ro tín dụng. Hàng ngày, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải xác định giá trị rủi ro tín dụng đối với các khoản mục phát sinh, như các khoản tiền gửi tương đương tiền, các khoản cho vay, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chưa được thanh toán…
 
Ông Phạm Ngọc Phú, Tổng giám đốc CTCK An Thành cho rằng, hoạt động tài chính của các CTCK có tính rủi ro cao. Nếu không có sự quản lý của Nhà nước sẽ dẫn đến đổ vỡ của CTCK và gây rủi ro cho toàn hệ thống, nên cần có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Điều ông Phú băn khoăn là thời điểm nào thông tư này được ban hành. Hiện nay, tình hình tài chính của các CTCK khá lộn xộn, mà để chuẩn hoá áp dụng ngay theo thông tư này sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Cần có một lộ trình để các CTCK thanh lý bớt tài sản rủi ro hoặc phát hành tăng vốn để đảm bảo an toàn hoạt động.
 
Mấu chốt của vấn đề khi triển khai tự tính các chỉ số rủi ro theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc CTCK Thiên Việt lại là phần mềm. Ông Giang cho biết, điều quan trọng nhất trong quá trình tính toán các chỉ số là những số liệu đầu vào, bao gồm chuẩn mực kế toán và chuẩn mực quản trị kiểm soát hoạt động.

Chuẩn mực kế toán thì đã rõ nhưng chuẩn mực quản trị tại các CTCK lại khá tự phát, rất khác nhau, do các công ty tự xây dựng. Bên cạnh đó, mặc dù mỗi tháng phải báo cáo UBCK một lần nhưng các CTCK, để kiểm soát rủi ro hoạt động, phải theo dõi biến động giá chứng khoán theo ngày.

Nếu không có phần mềm này thì cuối ngày không biết giá chứng khoán biến động thế nào. Do đó, rất cần một phần mềm chuẩn theo tiêu chí của UBCK, để các CTCK theo đó áp dụng.

Đại diện một số công ty quản lý quỹ cho rằng, việc quy định về an toàn tài chính của loại hình công ty này trong cùng một thông tư với các CTCK không được hợp lý. Cần phải quy định cụ thể hơn với công ty quản lý quỹ bằng các phụ lục để tránh những cách hiểu khác nhau dẫn đến cách làm khác nhau.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó trưởng ban Quản lý Quỹ, UBCK, cho biết, khi dự thảo lần một đăng trên website của Uỷ ban, một số công ty đã tự nghiên cứu, nên có thể nói việc tính toán chỉ tiêu rủi ro không phải là quá khó.

Cách tính hiện nay gần giống như cách các CTCK đang làm theo các quy định hiện hành. Khác biệt hơn là có thêm một số chỉ tiêu khác như trong rủi ro tín dụng thì cần phân loại cụ thể các loại khách hàng.

Theo ông Long, tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ phải báo cáo một tháng/lần vào ngày cuối cùng trong tháng. Trừ khi công ty rơi vào tình trạng bị kiểm soát hoạt động, tần suất báo cáo mới nhiều hơn.
 
Theo bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý quỹ, trước mắt các CTCK tự tính xem mức độ rủi ro của mình đến đâu.

Về lộ trình ban hành thông tư, sau khi lấy ý kiến lần 2, UBCK sẽ tiếp tục chỉnh sửa. Sau đó lấy ý kiến thêm một lần và trình Bộ Tài chính để Bộ lấy ý kiến rộng rãi hơn. Trong năm nay sẽ không ký được văn bản này mà phải mất ít nhất 1 năm nữa.

 Theo bà Hương, đây là quãng thời gian để các công ty tập dượt, tự tính trước rủi ro, đặc biệt là đối với các CTCK. Bà Hương cũng ghi nhận quan điểm rằng, xây dựng phần mềm chung để tính rủi ro là rất hợp lý.                                  
Theo Thanh Đoàn
Đầu tư Chứng khoán

duchai

Trở lên trên