MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO SSIAM: “Kỳ vọng vào ngành được hưởng lợi khi ký TPP”

“Chúng tôi kỳ vọng những ngành được hưởng lợi khi Việt Nam ký TPP như dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản xuất hàng tiêu dùng, nông sản...”.

Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) Lê Lệ Hằng - người vừa được Asia Asset Management bình chọn là “CEO của năm”, chia sẻ như vậy với VnEconomy khi nhìn nhận về cơ hội đầu tư năm 2014.

Theo bà, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2013 có tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?

Năm 2013, sự quay trở lại mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán so với hai năm 2011, 2012 trước đây phản ánh nhận định tích cực vào sự phục hồi và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, những sự kiện tích cực như việc có thể nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần làm tăng niềm tin cho khối nhà đầu tư này.

Tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên cả hai sàn HOSE và HNX trong năm 2013 đạt hơn 6.700 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với giá trị mua ròng 1.800 tỷ đồng của năm 2011 và hơn 4.700 tỷ đồng của năm 2012.

Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các hai quỹ ETF Vietnam Market Vector và DB X-Tracker với nguồn vốn ròng của nhà đầu tư ngoại đổ vào hai quỹ này trong năm qua khoảng 78,4 triệu USD, tương đương với khoảng hơn 1.560 tỷ đồng.

Với dòng vốn ngoại đổ vào quỹ ETFs, liệu quá trình huy động vốn ngoại của quỹ đầu tư dài hạn ở Việt Nam có bị cạnh tranh khốc liệt?

Mỗi quỹ đầu tư có một chiến lược đầu tư khác nhau và sẽ thu hút các dòng vốn ngoại khác nhau, mặc dù các quỹ ETF cũng cạnh tranh thu hút nguồn vốn lớn.

Ngoài ra, đối với quỹ mở, quỹ ETF nội địa cũng có những lợi thế so với các quỹ ngoại như không bị hạn chế khi đầu tư vào các cổ phiếu blue-chips đã hết room nước ngoài hay không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào quỹ.

Tôi được một đại diện quỹ lớn ở Việt Nam kể họ chỉ có thể huy động các “món tiền nhỏ” vài ba triệu USD, chứ không thể huy động vài chục triệu USD như trước kia, liệu ngành quản lý quỹ có đang phải dùng chiến thuật “năng nhặt, chặt bị”?

Tại SSIAM, chúng tôi huy động vốn từ cả các nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu ủy thác nguồn vốn nhỏ và cả từ nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài với nguồn vốn lớn hơn.

Chúng tôi cho rằng trong bất cứ giai đoạn nào thì các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam cũng có thể áp dụng chiến lược này.

Bà đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam 2014, và với triển vọng đó, theo bà ngành nào sẽ có tốc độ phát triển mạnh nhất năm nay?

Chúng tôi tin rằng những lo sợ về bất ổn của nền kinh tế cũng đã qua và kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với nợ xấu.

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký kết sẽ có ảnh hưởng tốt tới thị trường chứng khoán trong năm 2014. Chúng tôi kỳ vọng những ngành được hưởng lợi khi Việt Nam ký TPP như dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản xuất hàng tiêu dùng, nông sản...

Bên cạnh đó, những ngành được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí, công nghệ thông tin, nông nghiệp.... vẫn phát triển tốt trong năm nay.

Năm 2013, SSI đã ký thỏa thuận với tập đoàn LR huy động vốn để chuyên đầu tư vào các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm, vậy vì sao lại chọn hai lĩnh vực đó để đầu tư?

Ngành nông nghiệp - thực phẩm là các ngành mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng phát triển lớn, cụ thể ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 21% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt điều chính trên thế giới, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,1 tỷ USD trong đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đạt khoảng 6,7 tỷ USD trong năm 2013.

Với việc tiêu dùng trong nước gia tăng, các thị trường xuất khẩu mới và sự hỗ trợ từ Chính phủ và các nhóm xúc tiến thương mại thì SSI nhìn nhận trong những năm tới ngành này sẽ tăng trưởng mạnh. Do đó chúng tôi kỳ vọng vào hiệu quả đầu tư vào những ngành này.

Theo Duy Cường

phuongmai

VnEconomy

Trở lên trên