MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chân gỗ"... ngoại dỏm

Có việc NĐT “nội” mượn tài khoản “ngoại” để “đánh” CP. Và dường như chiêu trò này đang được nâng tầm và củng cố hơn nữa trong năm 2012.

Từ lộ liễu

Trong 2 ngày 10 và 11-4, khối ngoại mua vào 25.000 CP VHG (CTCP ĐT&SX Việt-Hàn) và bán ra trong 2 ngày 16 và 17-4 cũng với 25.000 CP. Trong khoảng thời gian này, VHG tăng từ 5.000 đồng/CP lên 6.000 đồng/CP. VHG nói không quá là một CP “lởm”, sặc mùi đầu cơ, quý I vừa rồi công ty mẹ VHG lỗ ròng gần 6 tỷ đồng.

Chính vì vậy, việc những NĐT ngoại, thường được hiểu như các tổ chức đầu tư lớn, rất hiếm khi mua vào cho dù là để lướt sóng ngắn hạn đi chăng nữa. Thực chất một NĐT có chút kinh nghiệm trên thị trường cũng có thể nhìn nhận ra điều này.

Tuy nhiên, nếu VHG tăng trong khi thị trường hưng phấn thì suy nghĩ của nhiều người có thể bị “bẻ lái” sang hướng khác. Không loại trừ sẽ có những kiểu lập luận như: Biết là ngoại “lởm” mua CP “lởm”, nhưng biết đâu đây là tín hiệu của đội lái “đánh” lên? Hoặc cũng có kiểu suy nghĩ có khi một doanh nghiệp nước ngoài nào đó tính thâu tóm VHG.

Còn NĐT thiếu kinh nghiệm, đã mua vào VHG lại thấy có yếu tố “ngoại” có thể “sướng” và mua thêm nữa. NĐTNN tham gia TTCK Việt Nam không chỉ có các tổ chức mà còn có cả cá nhân, nói vui như một số người thì việc nhờ “Tây balô” hay một người nước ngoài nào đó sinh sống tại Việt Nam đứng tên tài khoản không hề khó.

Nhưng chiêu thức vừa nêu thuộc dạng “thấp tầm” nếu không muốn nói là khá lộ liễu, yếu tố hư ảo chưa được đẩy lên cảnh giới cao nhất.

Đến chuyên nghiệp

Vài tháng trước, trong giai đoạn khối ngoại vẫn đang mua vào, bỗng xuất hiện một phiên khối ngoại bán ra mạnh. Một vài môi giới không tiện nêu tên chia sẻ, lực bán này nhiều khả năng xuất phát từ một CTCK, mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước lân cận và từ đây thiết lập tài khoản đứng tên NĐT “ngoại” quay về giao dịch trong nước.

Nói đến đây cũng phải nhắc lại những chuyện xì xào trong giới đầu tư nhiều năm trước về việc CTCK có nhiều khách hàng nước ngoài, bắt tay với các NĐT ngoại để mượn hàng xả ra, mua vào nhằm tạo sóng thị trường. Vài năm gần đây, theo nhiều nguồn tin ĐTTC thu thập được, sự hợp tác này thậm chí còn chặt chẽ hơn ở một số điểm.

Thay vì “mượn” lẻ tẻ vài thời điểm, CTCK có thể vay CP trực tiếp từ khối ngoại và từ đó để mình tự sử dụng hoặc đem về “kinh doanh” bằng cách cho NĐT bên ngoài mượn để bán khống. Cần biết rằng, hoạt động quỹ đầu tư hay CTCK cho vay CP để bán khống đã bị các cơ quan quản lý cấm.

Tuy nhiên, các CTCK và quỹ đầu tư nếu muốn cũng có thể tìm được cách lách. Cũng chính vì điều này, nhận định khối ngoại hôm nay bán ròng, ngày mai mua ròng có thể trở nên phiến diện khi sự thực của việc khối ngoại bán ra có khả năng là “bán khống”, còn mua vào hay mua ròng chính là việc “cover” (mua trả hàng cho bên cho vay) mà thôi.

Và kín tiếng

Một chiêu cũng thường được nhắc đến nhiều nhưng không dễ “truy tìm” nguồn gốc do những hạn chế về thông tin là việc một số đại gia trong nước thành lập công ty ở nước ngoài rồi quay về “đánh” thị trường trong nước. Sở dĩ việc này khó xác định bởi lẽ các cơ quan quản lý kiểm soát rất chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cho dù có lập được công ty ở nước ngoài mà không biết cách “ẩn” đi nguồn gốc của mình rất dễ gây ra hiệu ứng ngược. Chính vì vậy, cách thức lập công ty ở nước ngoài nếu có cũng chỉ rất hạn hữu và chỉ dừng lại một vài trường hợp.

Gần đây nhất, xuất hiện một vài suy đoán về lực mua của khối ngoại trên sàn đối với một CP có vốn hóa lớn. Theo đó, việc NĐTNN hay trong nước mua CP này không quan trọng nữa, vì theo một số người thạo tin có một công ty nước ngoài, nhưng nguồn gốc lại là trong nước, đã tiến hành mua vào.

Điểm độc đáo ở chỗ, công ty này không “chơi trội” một mình một ngựa ra tay, mà canh thời điểm các “bạn” nước ngoài khác cùng mua. Nhờ vậy, hiệu ứng mua sẽ tăng mạnh, bên cạnh đó việc công ty ngoại mua CP vốn hóa lớn cũng là bình thường, nên chẳng mấy ai cất công tìm hiểu.

Rất khó để nhận diện hay phân xử những chiêu trò liên quan đến “chân gỗ” ngoại có hợp lý và hợp pháp hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, càng ngày những chiêu trò liên quan đến TTCK không ngừng được cải thiện và nâng cấp, thường mỗi năm sẽ có 1-2 chiêu mới xuất hiện.

Chính vì vậy, NĐT nên đặc biệt cẩn trọng suy xét và tự củng cố hệ thống thông tin cho riêng mình. Nói đến đây, cũng cần đặt thêm câu hỏi cho riêng HOSE rằng: Tại sao cho đến giờ, bảng giá chứng khoán tại HOSE vẫn chỉ có cột nước ngoài mua còn cột bán không có.

Sự việc này đã được nói đến từ lâu nhưng cho đến nay vẫn không có gì thay đổi. Sự bất cân xứng này đã và đang làm khó cho NĐT, nhất là các NĐT cá nhân khi các chiêu trò liên quan đến yếu tố “ngoại” có khả năng được khai thác trên một mức cao hơn nữa.

Theo Thái Ca – Hữu Phúc
Sài gòn đầu tư

phuongmai

Trở lên trên