MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chat với CEO công ty chứng khoán trước thềm năm mới

Năm 2012 được đánh giá là năm khởi điểm một chu kỳ thị trường mới. Ông Johan Nyvene - TGĐ HSC - kỳ vọng giá trị giao dịch bằng hoặc cao hơn giá trị giao dịch trung bình năm 2011 ~ 1.000 tỷ đồng/phiên.

Năm 2011 khép lại với đáp án là thị trường chứng khoán vượt kỳ vọng toán ở ngưỡng dưới. Một năm trước đó hầu như các chuyên gia, các tổ chức tài chính hoạt động lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK – Thị trường) đều tin rằng thị trường năm 2011 sẽ tươi sáng hơn năm 2010…

Dưới đây là đoạn trao đổi với  ông Johan Nyvene – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HSC (MCK: HCM) – một trong những công ty hiếm hoi thuộc nhóm CTCK có lãi  trong năm qua với chủ đề “Nhìn lại năm 2011, hướng về 2012” .

Một năm trước khi nói về năm 2011, nhiều người nhận định rằng kinh tế Việt Nam chỉ có thể tốt hơn, TTCK sẽ khả quan hơn nữa cuối năm 2010. Ông từng có suy nghĩ như vậy không?

Thật sự là có. Tôi nhớ mình đã đưa ra những dự đoán triển vọng  TTCK năm 2011 cũng như dự định quý III/2011 HSC sẽ tham gia đầu tư tự doanh trên thị trường. Nhưng thực tế đã không xảy ra kỳ vọng. HSC cũng đã kịp thời điều chỉnh, nhưng không đạt được kế hoạch đã đề ra  như lúc đầu.  

Vì sao thời điểm đó ông lại kỳ vọng thị trường “phải qua quý II, quý III ổn định và quý IV sẽ có đợt sóng”?

Phần lớn các vấn đề gặp phải từ nửa cuối năm 2010 được cho là xuất phát từ điều hành chính sách còn lúng túng, chưa có định hướng rõ ràng. Mọi người kỳ vọng chính sách điều tiết nền kinh tế vĩ mô sẽ rõ ràng khi nhân sự của Chính phủ mới được xác định.

Năm 2011, lần đầu tiên thị trường nghe đến việc doanh nghiệp xin hủy niêm yết. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ, việc xin niêm yết, rồi được niêm yết là một bước trưởng thành của doanh nghiệp. Một khi đã trưởng thành rồi không thể quay lại làm trẻ con. Thành ra, tôi cho rằng không thể “tùy tiện” xin hủy niêm yết. 

Giống như Việt Nam, khi tham gia vào WTO – Việt Nam không thể một năm vào WTO, rồi năm sau lại xin ra khỏi WTO, năm sau nữa lại xin vào.

Việc niêm yết trên Sở như là sự xác định một bước tiến của doanh nghiệp, một khi doanh nghiệp đã bước lên rồi, không thể chỉ dùng cho một mục đích nào đó riêng lẻ. Nó là một bước tiến trong quá trình phát triển chung của công ty, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác cao hơn.
 
Biến động Vn-Index và HNX-Index trong 1 năm


Thống kê của UBCK NN năm 2011 số lượng các vụ vi phạm và bị xử phạt hành chính tăng mạnh so với năm trước, số tiền phạt cũng cao nhất – 9,5 tỷ đồng, ông có cho rằng thị trường đi xuống khiến số vụ vi phạm tăng lên không hay do UBCK Nhà nước và 2 Sở GDCK ngày càng khắt khe hơn?

Tôi không nghĩ thị trường đi xuống khiến số vụ vi phạm tăng lên. Vi phạm không phụ thuộc vào thị trường đi lên hay xuống, tốt hay xấu. Bởi nếu mà cơ chế không cho phép làm nhưng thị trường có nhu cầu và người ta xem nhẹ việc chấp hành người ta sẽ vi phạm. Có thể khi thị trường tốt cơ hội nhiều làm nảy sinh nhu cầu vi phạm khi đó số vụ vi phạm sẽ cao hơn.

Đúng là khi thị trường đi xuống, cơ quan nhà nước quan tâm nhiều hơn, tiến hành thanh tra, rà soát nhiều hơn sẽ phát hiện được nhiều vụ vi phạm hơn. Bởi khi đó, sức khỏe tài chính của các định chế tài chính trung gian (môi giới chứng khoán)  bộc lộ những bất cập và yếu kém nhiều hơn.

Sức khỏe tài chính được hiểu bao gồm Bảng cân đối tài sản lành mạnh; nguồn vốn dồi dào, quản trị doanh nghiệp chặt chẽ (Corporate Government).


Trong tháng 12/2011, UBCK đã trình Chính phủ đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán trong đó có nội dung Tái cấu trúc CTCK (phân loại CTCK dựa theo thông tư 226).  Ông đánh giá thế nào về thông điệp lần này?

Tôi chưa có đánh giá chi tiết đề án Tái cấu trúc TTCK trên. Tuy nhiên, tôi nghĩ, đồng thời với những điều tiết từ phía cơ quan cấp cao thị trường sẽ có sự điều tiết của chính nó. Bởi cơ quan chức năng chỉ đưa ra điều kiện chung để các thành tố tham gia vào thị trường có thể hoạt động được trong khuôn khổ đó. Cơ quan chức năng không thể bắt công ty này đóng cửa hay công ty kia mở cửa mà chỉ đưa ra những quy tắc hoạt động chung. 

Đầu năm mới Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK NN đều phát đi thông điệp năm 2012 sẽ cải tổ mạnh mẽ TTCK và kiên quyết vực dậy thị trường này. Ông có niềm tin vào những thông điệp này không? 

Thị trường chứng khoán bao giờ cũng đi trước, TTCK là thị trường của sự hy vọng. Không riêng gì tôi, nếu có kỳ vọng thị trường sẽ có phản ứng. Nếu thị trường phản ứng tích cực tức thị trường có niềm tin. Khi thị trường phản ứng tích cực người ta bắt đầu mua vào. Hiện tôi chưa thấy điều đó.

Vậy ông kỳ vọng về thị trường chứng khoán năm 2012 như thế nào?

Tôi vẫn kỳ vọng tốt hơn năm 2011, nhưng e ngại thị trường còn khó khăn, niềm tin chưa trở lại.

Thách thức đối với CTCK trong năm 2012 là gì?

Tham gia vào thị trường có nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức. Tổ chức bao gồm trong nước và ngoài nước. Đối với NĐT tổ chức nước ngoài  mối lo ngại ở các vấn đề bất cập như rủi ro tỷ giá, tính thanh khoản chưa được cao. Trong khi đó NĐT trong nước đang co cụm lại – bởi họ đã mất quá nhiều, ít ai còn tiền để đầu tư vào TTCK. Nhà đầu tư cá nhân cũng mất tiền và mất niềm tin.

Trên thị trường bao giờ cũng có người kỳ vọng mua và kỳ vọng bán. Người kỳ vọng mua thường là hoặc có niềm tin, có tiền hoặc không còn kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn. Phía người bán sợ thị trường giảm sút, không còn tiền, có cơ hội đầu tư vào kênh khác.

Khi nhìn lại thị trường ta thấy người bán nhiều, người mua ít, không có nhà đầu tư lớn, thanh khoản thấp. Thanh khoản thấp lại mang đến sự e ngại, lo sợ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài không vào thì nhà đầu tư trong nước lại không có kỳ vọng thêm. Đây chính là vòng xoáy lẩn quẩn của TTCK Việt Nam.

Vì vậy, đây là mấu chốt thách thức đối với các CTCK trong năm 2012 - thị trường chứng khoán không được giao dịch sâu rộng - bên bán chiếm đa số. 

Vậy theo ông có thách thức nào cho TTCK đến từ phía các doanh nghiệp niêm yết không?

Tình hình kinh doanh và kết quả tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đúng là có ảnh hưởng đến thị trường. Nhưng sự giảm sút của doanh nghiệp trong thời gian qua không nhiều bằng sự giảm sút của thị trường. Sự chênh lệch này thể hiện rất rõ qua sự suy giảm mạnh chỉ số P/E hay P/B của các doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay so với trước đây.

Ông có e ngại giá trị giao dịch bình quân năm 2012 sẽ thấp hơn mức bình quân năm 2011, hay những phiên giao dịch có giá trị giao dịch xuống thấp hơn mức thấp nhất năm 2011 không?

HSC có đưa ra một kỳ vọng cho năm 2012 là giá trị giao dịch bằng hoặc hơn chút xíu so với giá trị giao dịch trung bình năm 2011 (1.000 tỷ đồng/phiên).

Đương nhiên, việc dự đoán cũng sẽ có xác suất không đúng – vượt kỳ vọng trên hoặc dưới  khoảng 1.200 tỷ đồng. Xác suất cho việc không đạt được kỳ vọng / kế hoạch là có, nhưng không cao lắm (dưới 50%). Bởi, giá trị giao dịch năm qua so với 2 năm trước là thấp quá rồi.

Năm 2012 được đánh giá là năm khởi điểm một chu kỳ thị trường mới, không phải là dư âm của chu kỳ cũ  như giai đoạn 2010 -2011. Đó là lý do cho kỳ vọng mới. Nhưng đúng là thị trường chứng khoán năm 2012 còn nhiều khó khăn, chưa có đáp án.

Chân thành cám ơn ông!

T. Sam (thực hiện)

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên