Chỉ 23% công ty đại chúng chưa niêm yết đã lên UpCom
Tính tới thời điểm 30/11/2015, trên cả nước có 1.071 công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng chỉ 248 doanh nghiệp đã đăng ký giao dịch UpCom. Thông tư 180/2015 có hiệu lực vào ngày 1/1/2016 tới sẽ giảm đáng kể thời hạn các DN lên sàn UpCom .
- 07-12-2015Mệnh lệnh UPCoM
- 27-11-2015Cổ phiếu lớn trên sàn UPCOM: 'Thỏi nam châm' hút nhà đầu tư
- 02-11-2015Nhiều ông lớn lên UPCoM
Theo công bố mới đây của UBCKNN, tính đến ngày 30/11/2015, tổng cộng có 1071 doanh nghiệp là công ty đại chúng nhưng chưa thực hiện niêm yết trên hai Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK Tp.HCM.
Theo quy định tại Điều 25, Luật chứng khoán 2006 thì công ty đại chúng sẽ là công ty cổ phần thuộc 1 trong 3 loại hình, bao gồm: Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; Công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.
Ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC thay thế Thông tư 01/2015 quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch và hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn UpCom. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Theo đó, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 01/01/2016 (ngày Thông tư 180 có hiệu lực) mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom trong vòng một năm. Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 01/01/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.
Hệ thống giao dịch UpCom hiện có 248 doanh nghiệp. Thị trường UpCom được đánh giá là một điểm sáng trên TTCK trong năm nay.
Theo báo cáo của Sở GDCK Hà Nội, thị trường UPCoM đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô và chất lượng với 78 doanh nghiệp mới lên UpCom trong năm 2015 bao gồm nhiều DN “tầm cỡ” như CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Viglacera, Gelex,… Tổng giá trị đăng ký giao dịch hơn 47 nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt trên 54 nghìn tỷ đồng.
Xét tới thời điểm 30/11/2015, chỉ có hơn 23% tổng số công ty đại chúng đã đăng ký giao dịch trên thị trường này. Hơn 820 doanh nghiệp khác sẽ cần hoàn thiện hồ sơ để sớm lên sàn UpCom như theo quy định của Thông tư.
Một số doanh nghiệp lớn dù là công ty đại chúng nhưng vẫn chưa xuất hiện trên sàn phải kể đến như Seaprodex, Vinatex, Tcty Xây dựng Hà Nội, Sabeco, Habeco, CTCP Thực phẩm Cholimex, hàng loạt các ngân hàng hiện vẫn chưa niêm yết…
Ngoài ra, cuối năm 2015 và các năm tới đây, cùng với việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, số lượng các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UpCom sẽ càng tăng lên, mở rộng quy mô của thị trường này.
Thông tư 180/2015 ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp giao dịch trên UpCom. Đồng thời, khi giao dịch tập trung UPCoM, việc kiểm soát các doanh nghiệp chặt chẽ hơn, công khai minh bạch giao dịch, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của FPTS, với việc chưa có chế tài xử lý DN không đồng ý đăng ký giao dịch, mức độ tham gia đăng kí giao dịch của cac doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ bị ảnh hưởng và quy trình thực hiện thông tư gặp nhiều khó khăn.
Người đồng hành