Chinh phục mốc 600 điểm
Trong bối cảnh hiện nay, các DN niêm yết đang tổ chức đại hội cổ đông nên thông tin lợi nhuận, chia thưởng cổ tức cũng sẽ tác động lên thị trường.
Sau gần 5 năm giảm điểm, hoạt động lình xình ở mức thấp, chỉ số Vn-Index đã có chuỗi tăng điểm mạnh mẽ và đạt mức cao nhất trong 4, 5 năm qua. Dòng tiền đổ vào chứng khoán cũng rất lớn khiến NĐT kỳ vọng sẽ chinh phục hoàn toàn mốc kháng cự mạnh.
70% tích cực
Theo Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo TTCK vẫn nằm trong xu hướng tích cực, 70% khả năng VN-Index sẽ đạt 600 - 630 điểm vào cuối năm 2014.
Chỉ số VN-Index đã kết thúc thời kỳ giảm giá từ 2009 - 2011 và đang đi trong uptrend dài hạn có độ dốc khoảng 20 độ kéo dài từ đầu năm 2012 đến nay, với kênh dao động khá rộng khoảng 120 điểm. Hiện tại, giá đang dao động bám sát đường kênh giá của uptrend dài hạn.
Trong ngắn hạn, VN-Index đang đi trong uptrend trung hạn, có độ dốc khoảng 45 độ từ đầu 2013 đến nay, với độ rộng khoảng 80 điểm. Như vậy, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục dao động trong uptrend trung hạn này trong năm 2014.
Qua phân tích kỹ thuật, thị trường đã vượt qua đáy thấp nhất là 336 điểm, ngày 6/1/2012 và đang hướng tới mốc kháng cự mạnh là 630 điểm, tương ứng với đỉnh dài hạn của năm 2009.
Với hội tụ kỳ vọng của các chỉ số kỹ thuật, cộng với khả năng tiếp tục dao động trong uptrend trung hạn, FPTS dự báo kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt đến ngưỡng 625 - 630 điểm đến cuối năm 2014, với xác xuất xảy ra cao nhất, khoảng 70%.
Tuy nhiên, quá trình đi lên của VN-Index cũng sẽ có những giai đoạn điều chỉnh. Theo đó, những giai đoạn điều chỉnh VN-Index có thể sẽ lùi về các ngưỡng hỗ trợ 563 hoặc 544 điểm, sâu hơn có thể lùi về ngưỡng hỗ trợ 520 điểm.
Trường hợp nếu VN-Index điều chỉnh quá sâu xuống dưới ngưỡng 520 điểm, VN-Index dù vẫn còn dao động trong uptrend dài hạn nhưng đã bẻ gãy uptrend trung hạn, và có thể giảm về các ngưỡng hỗ trợ sâu hơn khoảng 500 điểm hoặc 2 ngưỡng hỗ trợ mạnh là 480 và 460 điểm (tương ứng với vùng đáy cũ của VN-Index trong năm 2013).
Theo FPTS đánh giá, ngưỡng 480 và 460 điểm là 2 ngưỡng hỗ trợ rất mạnh, nên VN-Index sẽ được hồi phục trở lại từ 2 ngưỡng này. Như vậy, khả năng VN-Index dao động trong range sideways rộng 460 - 520 điểm (tương tự năm 2013) đến hết năm 2014 là rất cao. Đây là kịch bản trung bình, xác suất của kịch bản này trong năm 2014 là 30%.
NĐT nên thận trọng, khi tín hiệu từ CPI tháng 2 cho thấy sức mua của thị trường vẫn đang yếu
Các chuyên gia đều cho rằng thị trường cần tạo xung lực mới cho cầu. Thị trường hiện nay vẫn chỉ coi như một sóng hồi phục và rất khó để bứt phá qua vùng đỉnh. Ở vùng giá hiện tại, lực bán cũng đang bắt đầu gia tăng, nếu muốn vượt qua cần có đột biến lớn về giao dịch, cũng như thanh khoản. Thị trường đã có những nhịp tăng - giảm để "tay to" đã phân hóa lượng cổ phiếu lớn nên cần thận trọng trong xu thế mới.
Lo ngại và kỳ vọng
Một số chuyên gia lo ngại, mô hình 2 đỉnh có thể xảy ra, nếu như thị trường không thể đột phá qua vùng này. Các quỹ ETF đang chịu áp lực bán trong đợt tái cơ cấu và chênh lệch giá chứng chỉ quỹ với NAV đã không còn nhiều. Cổ phiếu nhỏ tăng giá mạnh, trong khi bluechips bị chững lại không tạo được hiệu ứng tăng giá trong một giai đoạn khá dài. Các chỉ số như PE, P/B của nhóm này không còn nhiều hấp dẫn.
Các chỉ số đang tiếp cận vùng đỉnh cũ, nếu không đủ sức bứt phá thì khả năng cao sẽ bị suy giảm mạnh. Trường hợp thị trường giảm điểm, thanh khoản sẽ về mức thấp và khoảng 90 triệu/phiên/HoSE - 50 triệu/ HNX. Sau đó, sóng mới sẽ lại hình thành, thị trường sẽ được kích hoạt một nhịp tăng nữa, bắt đầu từ giữa tháng 4 - 6, nhờ dòng tiền rẻ vẫn đang khuấy đảo.
Thời gian qua, khối ngoại đã bán ròng 482 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Trong khi đó, khối tự doanh bán ròng 104,6 tỷ đồng. Việc khối ngoại và khối tự doanh đồng loạt bán ròng sẽ có những tác động tiêu cực nhất định lên tâm lý giới đầu tư khi động thái giao dịch của 2 khối này luôn được thị trường chú ý.
Hiện tại, thị trường đang có sự phân hóa mạnh, giá cổ phiếu cũng tăng đều, nên NĐT sẽ khó tìm kiếm lợi nhuận hơn trước. Theo đó, nhóm cổ phiếu cơ bản có cổ tức tốt hay những cổ phiếu của những DN có sự thay đổi tốt sẽ được quan tâm tích lũy mua vào.
Cổ phiếu ngành nhóm ngành BĐS, chứng khoán và xây lắp được giao dịch sôi động khi có những tín hiệu hỗ trợ của thị trường. Các chính sách vĩ mô vẫn tương đối tốt, thị trường BĐS dần hồi phục và đặc biệt là dòng tiền từ các kênh đầu tư khác chảy vào cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường. Việc chọn cổ phiếu BĐS cũng cần cân nhắc khi dòng tiền lớn tham gia: DLG, HAR, SHA, TDC…
Thị trường cũng sẽ kỳ vọng vào lợi nhuận quý I/2014 ở những nhóm ngành, công ty hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ Tết âm lịch như dịch vụ giải trí, thực phẩm, đồ uống, vận tải, cao su. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng nên thận trọng khi tín hiệu từ CPI tháng 2 cho thấy sức mua của thị trường vẫn đang yếu và do đó, một kết quả đột biến sẽ khó có khả năng xảy ra.
Một số thông tin đồn đoán suốt thời gian qua, như nâng room khối ngoại vẫn đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong nước. Đây sẽ là thông tin được giới đầu tư mong đợi và sẽ có những phiên giao dịch sôi động trong thời gian tới.
Mặc dù tác động không còn lớn, nhưng vẫn là thông tin tốt để NĐT tin tưởng mua vào. Trong bối cảnh hiện nay, các DN niêm yết đang tổ chức đại hội cổ đông nên thông tin lợi nhuận, chia thưởng cổ tức cũng sẽ tác động lên thị trường.
Theo Sơn Long