MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức công bố Nghị định về nới room

Ngoài quy định về sở hữu nước ngoài đối với công ty đại chúng, Nghị định 60 còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về sở hữu nước ngoài đối với Công ty chứng khoán/Quản lý quỹ; quy định về chào bán riêng lẻ...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Cụ thể, Nghị định 60/2015/NĐ-CP bổ sung Điều 2a quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng như sau:

a) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

b) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

c) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;

d) Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Nghị định cũng quy định, đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa. Trường hợp pháp luật về cổ phần hóa không có quy định, tỷ lệ này thực hiện theo quy định tương ứng trên.


Đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ, cổ phiếu không có quyền biểu quyết

Về việc đầu tư vào trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định quy định, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có liên quan hoặc tổ chức phát hành có quy định khác.

Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài kể trên.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác. Ngoại trừ quỹ mở, quỹ đầu tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên, thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.


Sở hữu không hạn chế đối với công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán

Đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ): Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu không hạn chế theo nguyên tắc:

+ Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đáp ứng các quy định tại Khoản 10 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì được mua để sở hữu đến 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán; được thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn nước ngoài.

+ Các tổ chức không đáng ứng được quy định này hoặc là cá nhân thì chỉ được sở hữu dưới 51% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.


Nghị định 60 cũng có các sửa đổi, bổ sung về các điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, chào bán chứng khoán ra công chúng, quỹ bất động sản…

Đối với việc chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ thì các khoản nợ được phép hoán đổi phải là các khoản nợ đã được trình bày trong báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán hoặc kiểm toán soát xét và đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tổ chức phát hành không phải là công ty mẹ của chủ nợ hoặc tổ chức phát hành và chủ nợ không phải là các công ty con của cùng một công ty mẹ.

Nghị định yêu cầu công ty đại chúng, công ty niêm yết báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên trang thông tin điện tử của mình, của Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2015.

Toàn văn Nghị định 60

Toàn văn Nghị định 58

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên