MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chốt quyền trả cổ tức tiền mặt, chớ vội mừng!

"Trào lưu” hoãn cổ tức gần đây khiến nỗi mong chờ hân hoan chốt quyền nhận tiền mặt của cổ đông biến thành nỗi ám ảnh… tức tận cổ!

Mỏn mòi cổ tức 2010

Năm 2013 đang ghi nhận con số kỷ lục về chây ỳ cổ tức tiền mặt, từ năm 2010, 2011 được chuyển sang tận 2014.

Điển hình và được nhắc nhiều trong thời gian qua là Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (HOSE: SMA) trễ hẹn cổ tức 2011 tỷ lệ 14% đến 6 lần và hiện đang nằm chờ ở ngày 31/12.

Cũng gia hạn tới 4 lần, với mức cổ tức 2011 tỷ lệ 4% của Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) thì cổ đông phải “dài cổ” chờ tới tháng 12/2014.

Tương tự PTL, nhưng Chương Dương (HOSE: CDC) đang dừng ở mới 3 lần dời thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền 5% đợt 1/2011 và cũng được chuyển sang tháng 3/2014 do công ty chưa thu xếp đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức.

Không kém cạnh, Xây dựng số 15 (HNX: V15) khất cổ tức 7% của đợt 2/2010 tới 3 lần và xin chuyển sang tới tháng 5/2014 do khó khăn về nguồn tiền, chưa được Chủ đầu tư thanh toán tiền thi công các công trình. Trước đó, V15 cũng đã có 1 lần hoãn cổ tức 2009.


Những DN hoãn cổ tức 2010, 2011

Ngoài ra, có những trường hợp vừa kéo dài thời gian trả cổ tức vừa chia nhỏ để thanh toán như Sông Đà 7 (HNX: SD7) với 4 lần hoãn và còn chia nhỏ kế hoạch thanh toán cổ tức 2010 tỷ lệ 16% thành 2 đợt vào tháng 12/2013 và tháng 6/2014.

Còn cổ tức 2011 tỷ lệ 10% của Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) sau 3 lần trì hoãn, cuối cùng đã được công ty chia ra trả vào tháng 4 và tháng 8/2013.

Đa số những trường hợp chây ỳ cổ tức này đều đã bị Sở GDCK nhắc nhở do nhận thấy việc này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Tuy nhiên, việc nhắc nhở này chủ yếu giúp cảnh báo cho nhà đầu tư chứ thực tế sự chây ỳ trả cổ tức từ phía doanh nghiệp vẫn không thay đổi.

Những “điểm đen” mới

Đối với cổ tức năm 2012, cũng có nhiều doanh nghiệp đang “ngấp nghé” việc “ngâm” dài hơi này. Theo thống kê của Vietstock, hiện đã có 6 doanh nghiệp thông báo hoãn cổ tức 2012. Trong đó có 2 trường hợp đã chuyển ngày trả tới 3 lần là Xi măng Thái Bình (HNX: TBX) dời cổ tức 2012 tỷ lệ 12% sang tháng 4/2014; Viễn Liên (HNX: UNI) cũng dời cổ tức đến 3 lần và hiện đã trả vào tháng 6 với tỷ lệ 10%.

Ngoài ra, có 4 trường hợp khác hiện đang hoãn ở lần đầu là Xây dựng số 5 (HNX: VC5) điều chỉnh ngày tạm ứng cổ tức 2012 tỷ lệ 10% từ tháng 9 sang ngày 29/11; Tập đoàn Nhựa Đông Á (HOSE: DAG) đã điều chỉnh ngày trả cổ tức 2012 tỷ lệ 13.9% từ 25/10 sang 04/11; Điện nhẹ Viễn thông (HNX: LTC) cũng hoãn ngày thanh toán từ tháng 5 xuống tháng 9; Đầu tư Phát triển Gas Đô thị (HNX: PCG) thì chỉ dời ngày trả từ 17/06 sang 19/06 với tỷ lệ 2.5%.


Những DN bắt đầu hoãn cổ tức 2012

Dòng tiền âm, khi nào DN thôi hoãn?

Đáng chú ý, những doanh nghiệp hoãn cổ tức hầu hết đều có điểm chung là lưu chuyển tiền thuần tại ngày 30/09/2013 âm, chủ yếu đến từ việc trả nợ. Đứng đầu danh sách này là PTL âm nặng nhất với 142 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh và tài chính. Kết quả kinh doanh 9 tháng của PTL cũng lỗ thảm với 66 tỷ đồng, tiền mặt chỉ vỏn vẹn hơn 2.7 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp có thời gian gia hạn cổ tức lâu nhất tới cuối năm 2014.

Đối với SMA, doanh nghiệp có số lần gia hạn “kỷ lục” nhất từ trước đến nay vẫn ghi nhận lãi ròng gần 6 tỷ trong 9 tháng đầu năm nhưng lưu chuyển tiền thuần lại âm 4.3 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của SMA vẫn dương 117 tỷ đồng, tuy nhiên khoản chi trả nợ gốc vay ngốn mất 205 tỷ đồng dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 121 tỷ đồng.

V15 cũng gia hạn cổ tức tới giữa năm 2014 bởi lợi nhuận 9 tháng đang bị lỗ 28 tỷ đồng, dòng tiền cũng âm 15 tỷ đồng, trong khi đó tiền mặt còn chưa tới 1 tỷ đồng. Tương tự TBX cũng lỗ 9 tháng và dòng tiền âm 936 triệu, gấp 2.4 lần cùng kỳ.

Ngược lại, hoạt động kinh doanh có lãi, tiền mặt đều ở mức hai con số và dòng tiền vẫn dương nhưng vì sao SD7, CDC vẫn ngâm cổ tức 2011 tới năm 2014?!

Theo Thanh Nụ

phuongmai

Công Lý

Trở lên trên