Chủ tịch AVS: Giải thể CTCK, "nhưng làm sao bỏ chứng khoán được"
Hiện nay cổ đông trôi nổi của AVS không nhiều, Công ty muốn mua lại cổ phiếu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để việc chia cho dễ.
- 04-03-2013AVS: Năm 2013 đặt kế hoạch giải thể công ty, lợi nhuận dự kiến 8 tỷ đồng
- 16-01-2013AVS: Đền bù lãnh đạo 6 tháng lương sau giải thể
- 11-01-2013Chủ tịch AVS: Tôi không nuối tiếc khi giải thể công ty lúc này
- 16-12-2013CK Âu Việt chính thức giải thể: Thanh toán các khoản nợ từ ngày 1/1 – 30/6/2014
- 15-10-2013Chứng khoán Âu Việt: Cầm cự đến ngày giải thể, 9 tháng lãi hơn 6 tỷ đồng
- 20-03-2013[Trực tiếp] Chứng khoán Âu Việt: "Có thể chia ngay tiền mặt khoảng 4.500 đồng/cp"
Ngày 16/12 vừa qua, CTCP Chứng khoán Âu Việt (mã AVS) đã chính thức công bố giải thể, đây là CTCK thứ ba giải thể tự nguyện trong năm nay sau CTCK Sao Việt và Chợ Lớn.
Chúng tôi đã có trao đổi với ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Âu Việt về các thủ tục giải thể cũng như tỷ lệ chia cho cổ đông.
Thưa ông, được biết ngày 16/12 vừa qua chứng khoán Âu Việt đã chính thức giải thể, ông có thể cho biết khối lượng công việc còn lại của việc giải thể còn nhiều không và thời gian tất toán có lâu không?
Ngày 16/12 vừa qua chúng tôi đã thành lập Ban giải thể bao gồm 7 thành viên. Các thành viên trong Ban giải thể sẽ quản lý và thanh hoán danh mục còn lại.
HĐQT công bố giải thể ở thời điểm hiện tại theo quyết định đã được thông qua trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2013, như thế sang năm sau chúng tôi không phải tổ chức đại hội cổ đông nữa mà chỉ cần hoàn tất các yêu cầu giải thể, nộp hồ sơ lên UBCK. Nếu tiếp tục chờ đợi sẽ quá trễ, chúng tôi đã hoàn tất các khâu thủ tục về đóng cửa, và đã dứt điểm không còn là thành viên của hai Sở GDCK và Trung Tâm lưu ký.
Quy trình giải thể sẽ diễn ra theo trình tự như thế này. Ban giải thể sẽ thanh lý hết tài sản, đòi lại các khoản phải thu, giải quyết các khoản nợ sau đó nộp hồ sơ lên UBCK để rút giấy phép kinh doanh; tiếp theo là kiểm toán tài sản, tất toán các khoản thuế, số dư còn lại cuối cùng sẽ được chia cho cổ đông.
Ông có thể dự tính một cổ đông được chia bao nhiêu không?
Cái này tôi vẫn chưa biết được vì còn phải đợi thanh toán các khoản cuối cùng mới ra con số chia cho cổ đông. Tuy nhiên hiện nay cổ đông trôi nổi của AVS không nhiều, Công ty muốn mua lại cổ phiếu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để việc chia cho dễ.
(PV: theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2012, 7 cổ đông lớn bao gồm 2 công ty là XNK thủy sản Bến Tre và CTCP Đầu tư Kim Cương và 5 thành viên khác trong đó có 2 vợ chồng Chủ tịch HĐQT AVS nắm tới hơn 72% vốn của công ty này - hai vợ chồng ông Đoàn Đức Vịnh đã nắm 44,6% vốn của AVS).Nhà đầu tư nhỏ muốn bán cổ phiếu AVS ở thời điểm hiện tại sẽ làm cách nào thưa ông?
NĐT có thể giao dịch qua thị trường OTC với giá thương lượng.
Tính đến thời điểm cuối quý 3/2013, danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của AVS còn hơn 86 tỷ đồng, ông sẽ giải quyết ra sao với khoản đầu tư này?
Thực ra AVS đã bán được khá nhiều cổ phiếu trong danh mục tuy nhiên vẫn còn một số khoản chưa bán được như cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu (AVS nắm 2,76 triệu cổ phiếu), ACL của XNK thủy sản Cửu Long An Giang (AVS nắm 524.900 cp), các cổ phiếu này thanh khoản rất thấp, mỗi ngày giao dịch vài nghìn cổ phiếu nên hiện AVS chưa thoái vốn được. Ngoài ra AVS còn nắm giữ 100.000 cổ phiếu MBB, PAN, 160.000 cổ phiếu SGD. Các cổ phiếu này AVS sẽ từ từ bán, thị trường lên bán được bao nhiêu thu về bấy nhiêu, có níu kéo quá cũng không được.
Ông vẫn còn 20 tỷ đồng các khoản phải thu, liệu khoản này có khả năng đòi được không?
Tôi tin là khoản này sẽ đòi được.
Câu hỏi cuối cùng, sau khi hoàn tất việc giải thể công ty và nhận tiền chia cho cổ đông, ông sẽ làm gì tiếp theo?
Tôi vẫn còn các khoản đầu tư bất động sản nhưng ở thời điểm hiện tại thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng. Tôi vẫn sẽ tiếp tục chơi chứng khoán, làm sao mà bỏ được chứ (cười).
Xin cảm ơn ông.
Phương Mai
Trí Thức Trẻ