Chủ tịch SSI: TTCK năm 2014 có nhiều cơ hội hơn các năm trước
Năm 2014 nếu chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt nợ xấu ngân hàng đồng thời không để đổ vỡ thị trường bất động sản thì hứa hẹn một năm phát triển tốt cho nền kinh tế cũng như cho TTCK.
- 06-02-2014SSI: VN-Index có thể đạt 590-600 điểm cuối năm 2014
- 21-01-2014SSI (công ty riêng): Năm 2013 lãi sau thuế gần 372 tỷ đồng
- 31-12-2013Chủ tịch SSI: “Vẫn còn bóng ma của nợ xấu ngân hàng”
- 26-11-2013Thu nhập của các lãnh đạo SSI đạt hơn 7,7 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2013
Bên lề Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Ngọ do Sở GDCK Hà Nội tổ chức, chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI về triển vọng TTCK năm 2014.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về triển vọng TTCK Việt Nam trong năm 2014?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Kết thúc năm 2013 một tín hiệu tốt xuất hiện đó là tất cả các chỉ số quan trọng của nền kinh tế đều vượt mức kỳ vọng như chỉ số lạm phát, chỉ số tăng trưởng GDP tuy không đạt được mức chỉ tiêu của Quốc hội nhưng cũng vượt mức kỳ vọng của giới đầu tư.
Năm 2014 nếu chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt nợ xấu ngân hàng cũng như thanh khoản hệ thống ngân hàng, đồng thời không để đổ vỡ thị trường bất động sản thì hứa hẹn một năm phát triển tốt cho nền kinh tế cũng như cho TTCK.
"Ở bất cứ thị trường nào cũng có cổ phiếu gọi là Cổ phiếu đầu cơ. Đối với các cổ phiếu này, nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến phân tích cơ bản và người ta thường phân tích kỹ thuật và nghiên cứu dòng tiền vào cổ phiếu đó. Nhà đầu tư phải hiểu bản chất của vấn đề, nếu chúng ta cũng tham gia lướt sóng thì chúng ta lại phải dùng phân tích kỹ thuật còn nếu chỉ nghe và tham gia thì sẽ thua thiệt" Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm TGĐ SSI |
Nếu muốn nhắn gửi đến nhà đầu tư một thông điệp trong năm 2014, ông sẽ nói gì?
TTCK năm 2014 là thị trường có nhiều cơ hội hơn so với những năm 2012, 2013 đặc biệt là những ngành được hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập TPP đó là những ngành như dệt may, da giày, sản xuất thực phẩm cũng như sản phẩm nông sản.
Vì khi Việt Nam gia nhập TPP, hàng rào thuế quan được cởi mở đối với tất cả thành viên TPP. Tuy nhiên với tất cả thị trường nào khi tháo hàng rào thuế quan thì họ xây dựng hàng rào kỹ thuật nên các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ càng để có thể vượt qua hàng rào kỹ thuật đó.
Tránh lặp lại trường hợp khi Việt Nam gia nhập WTO khi dòng tiền vào chúng ta chỉ quan tâm đến đầu tư tài sản và doanh nghiệp đưa giá trị tài sản cao không để ý đến việc sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ rằng sau kinh nghiệm đó lần này sau khi gia nhập TPP chúng ta có cơ hội để nắm bắt và đưa nền kinh tế của chúng ta phát triển bền vững hơn.
Hiện tại SSI đang quan tâm nhiều đến ngành nông nghiệp chăn nuôi, theo ông điều này là vì sao?
Đó là do chúng tôi nhìn thấy trước được rằng các ngành được hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập TPP và chúng đi trước các dự đoán đó. Khi chúng ta mở ra TPP thì chúng ta đưa sản phẩm ra các thị trường khác, nếu chúng ta có hàng rào kỹ thuật tốt, sản phẩm của chúng ta đáp ứng được tiêu chuẩn của người ta, chúng ta bán được hàng với mức giá tốt hơn, giúp cho doanh nghiệp có lợi nhuận hơn để có thể tổ chức kinh doanh tốt hơn.
SSI hiện là CTCK quản lý số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thị trường, vậy theo quan sát của ông dòng tiền của NĐT nước ngoài vào Việt Nam hiện nay thế nào?
Có 2 dòng tiền: dòng tiền đầu tư lâu dài và dòng tiền nóng, gần đây dòng tiền nóng vào Việt Nam rất tốt nhưng dòng tiền đầu tư lâu dài chưa được cải thiện nhiều.
SSI đang là công ty đã cạn room nước ngoài, theo ông sắp tới đây khi Chính phủ cho phép nới room nước ngoài tại các DN niêm yết thì việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các doanh nghiệp hết room như SSI và tới thị trường nói chung?
Thật ra khái niệm mở room quan trọng ở chỗ các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia vào cổ phiếu đó, nó có thực sự là điều tốt hoàn toàn không thì chưa chắc. Nếu tất cả các doanh nghiệp tốt hơn thì các NĐT nước ngoài sở hữu còn chúng ta quay lại với DN không tốt thì không hẳn đó là điều hay.
Đối với các doanh nghiệp tốt, hôm nay chúng ta nới ra thì có room nhưng rất nhanh thôi lại hết room, từ 49% lên 60%, rồi đến 99% cũng có ngày hết room.
Vấn đề câu chuyện không phải là “nới như thế nào” mà phải là “làm thế nào” để thị trường minh bạch và thu hút nhiều nguồn vốn vào thị trường bao gồm cả trong và ngoài nước chứ không chỉ đơn thuần thu hút dòng tiền rất nhanh cho đầy room cho một vài công ty tốt.
Bản thân ông có muốn tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại SSI nữa không?
Doanh nghiệp bình đẳng với tất cả các NĐT nên đối với những người làm quản trị SSI tôi thấy không có vấn đề gì, NĐT nước ngoài sở hữu cũng tốt, NĐT trong nước sở hữu cũng tốt. Tất nhiên khi nới room cho NĐT nước ngoài có thể nghĩ đến phương án tốt hơn cho việc phát hành mới để thu hút thêm vốn đầu tư cho SSI để tham gia thị trường này, đó là giài pháp tốt cho SSI.
Xin cảm ơn ông.Phương Mai
Trí Thức Trẻ