MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa thuận lợi niêm yết cổ phiếu ngân hàng

VCBS nhìn nhận 2014 vẫn sẽ là một năm thử thách với CP NH. Khả năng bứt phá mạnh của nhóm CP này là không cao nhưng khả năng giảm sâu khó xảy ra.

Trưởng phòng phân tích Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại thương - VCBS Quách Thùy Linh trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.

Sau năm 2013, cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) không thực sự tạo ấn tượng trên thị trường. Có yếu tố nào làm bệ đỡ cho kênh đầu tư này trong năm 2014?

2013 được đánh giá là một năm khá thành công của thị trường CP niêm yết, với mức tăng khoảng 22% của VN - Index và hơn 18% của HNX - Index. Riêng với CP NH, đây không thực sự là một năm thuận lợi.

Tính chung cả năm 2013, nhóm CP này chỉ tăng chưa đến 1%, với xu hướng chính là giằng co, đi ngang với biên độ dao động khá hẹp. Diễn biến này, theo chúng tôi là hợp lý và cũng là một kết quả đã được dự báo, đặt trong tương quan kết quả kinh doanh của các NH niêm yết và diễn biến toàn ngành trong năm 2013.

Trong năm 2014, quá trình tái cơ cấu hệ thống NH sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, các nguồn lực theo đó cũng sẽ được ưu tiên cho vấn đề này, đặc biệt là trong trường hợp Thông tư 02 được chính thức áp dụng. Vì vậy, chúng tôi nhìn nhận 2014 vẫn sẽ là một năm thử thách với CP NH. Khả năng bứt phá mạnh của nhóm CP này là không cao. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, tôi cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành NH cũng đã qua đi và khả năng quay đầu giảm sâu của các CP ngành này là rất khó xảy ra.


Bà Quách Thùy Linh

Trong bối cảnh như vậy, bà đánh giá thế nào về khả năng niêm yết của CP NH trong năm 2014?

Chúng tôi cho rằng, khả năng tất cả các NH niêm yết trong năm 2014 là không cao. Vì theo Thông tư 26/2012/TT-NHNN của NHNN thì các NHTMCP phải đáp ứng các điều kiện như: vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có lãi trong 2 năm liền kề, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ trong thời gian 2 quý liền kề trước, đồng thời tuân thủ đầy đủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Luật Các TCTD. Xét theo quy định này, có rất nhiều NH đại chúng không đáp ứng đủ điều kiện để lên sàn trong năm tới.

Với các NH có đủ điều kiện, họ có thể tiếp tục lựa chọn chưa niêm yết. Thứ nhất, một số NH đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tự sắp xếp lại tổ chức. Trong khi chưa thực hiện xong ổn định nội bộ, việc niêm yết sẽ không là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, dù triển vọng TTCK trong năm 2014 được đánh giá là tích cực, triển vọng của nhóm CP NH lại không được đặt nhiều kì vọng. Nhà đầu tư (NĐT) vẫn quan ngại vấn đề nợ xấu.

Với việc chuyển nợ xấu từ NH sang VAMC, các NH tiếp tục phải trích lập dự phòng cho các khoản chuyển giao này trong 5 năm. Cùng với đó, việc áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN giữa năm 2014, triển vọng lợi nhuận dài hạn của các NH có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Bối cảnh thị trường như vậy là không thuận lợi cho việc niêm yết. Do đó, các NH, nếu có thể sẽ lựa chọn chờ đợi thêm.

Vậy NĐT có thể kỳ vọng gì ở CP NH?

Hiện có khoảng 30 NH chưa niêm yết CP, với mức giá trên OTC từ 4.500 - 15.000 đồng/CP. Ngoại trừ BIDV, tất cả các NH này đều đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách. Chúng tôi lưu ý rằng, do CP OTC không được giao dịch nhiều nên mức giá có thể không phản ánh hết được giá trị thực của CP NH.

Hoạt động kinh doanh của các NH này cũng theo xu hướng chung của toàn hệ thống NH trong năm 2014, theo dự báo của VCBS sẽ được cải thiện nhẹ so với 2013. Với những diễn biến và triển vọng như vậy, chúng tôi cho rằng, đây không phải là thời điểm niêm yết thuận lợi cho các CP NH.

Tuy nhiên, yếu tố để hấp dẫn thị trường không phải là có thêm nhiều mã CP niêm yết mà là chất lượng của các CP đó. Để thu hút dòng tiền, các CP NH phải chứng tỏ được các yếu tố cơ bản tốt, cụ thể là giải quyết được vấn đề nợ xấu, tăng trưởng tín dụng với chất lượng tốt để tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, thêm một yếu tố nữa là các NH phải minh bạch hơn các hoạt động của mình bằng việc công bố thông tin chính xác và đầy đủ.

Hiện nay, đa số các NH đại chúng vẫn có công bố thông tin định kỳ theo quy định, nhưng thường chỉ là bản cân đối kế toán tóm tắt, không thể hiện được đầy đủ các hoạt động của NH đó và diễn biến tài chính trong năm. NĐT theo đó không thể nắm được các chỉ số tài chính để đưa ra đánh giá về các NH…

Còn đối với NĐT nước ngoài, bà đánh giá thế nào về Nghị định 01/2014/NĐ-CP, cho phép đối tượng này mua cổ phần với tỷ lệ đến 20% tại TCTD Việt Nam?

Động thái này, theo chúng tôi, sẽ có tác động tích cực nhưng không thực sự mạnh lên các CP NH. Bởi lẽ, tổng giới hạn sở hữu của các NĐT nước ngoài ở một TCTD vẫn được giữ nguyên mức 30%, chỉ thay đổi mức tối đa nắm giữ cổ phần của một NĐT chiến lược nước ngoài từ 15% lên 20%.

Quy định mới này sẽ tăng tính hấp dẫn của việc nắm giữ cổ phần NH đối với NĐT nước ngoài, tuy nhiên do mức độ nới lỏng không lớn nên ảnh hưởng của nó cũng không thực sự đáng kể.

Ý nghĩa nhiều hơn của quy định nằm ở việc, NĐT nước ngoài được mua CP ở các TCTD yếu kém vượt giới hạn quy định. Điều này sẽ cho phép thu hút nhiều hơn nguồn lực nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu hệ thống NH và tác động tích cực đến triển vọng NH trong trung và dài hạn.

Xin cảm ơn bà!

Theo Trần Hương

phuongmai

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên