MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán 2016: Nóng chuyện nới room

Từ nay đến trước thềm ĐHCĐ 2016 được dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp xin mở room và đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Sau nhiều mòn mỏi chờ đợi, nghị định 60/2015 về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức được ban hành.

Điểm nhấn của nghị định không chỉ đến từ việc cho phép khối ngoại có thể sở hữu tối đa 100% cổ phần tại doanh nghiệp mà còn đến từ việc cho phép doanh nghiệp tự có quyền quyết định nới room, tất nhiên cần phải được ĐHCĐ thông qua và không thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chính thức có hiệu lực kể từ 1/9/2015 nhưng sau nửa năm vận hành, nghị định vẫn còn không ít những vướng mắc. Đầu tiên là về quy định đâu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, gây không ít khó khăn cho việc nới room của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của khối ngoại liên tục sẽ dẫn đến trường hợp khó xác định đâu là doanh nghiệp nội, đâu là doanh nghiệp FDI khi mà luật doanh nghiệp, luật đầu tư quy định doanh nghiệp có vốn nước ngoài từ 51% trở lên là FDI.

Những trường hợp đầu tiên

Ngay sau khi nghị định 60 có hiệu lực, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã mau chóng trở thành công ty niêm yết đầu tiên thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100%. Trước đó, SSI là một trong số ít các doanh nghiệp kín room 49%.

Khi mà quy định về nhóm ngành được thực hiện nới room vẫn chưa thực sự rõ ràng thì các CTCK có lẽ là nhóm dễ thực hiện nới room nhất. Ngoài SSI thì IBSC (VIX) cũng đã được ĐHCĐ thông qua việc nới room khối ngoại lên 100%.

Một trường hợp khác là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cũng đã thông qua việc cắt giảm các ngành nghề kinh doanh để thực hiện nới room cho khối ngoại lên 100%. Tại ĐHCĐ hồi tháng 10/2015, TGĐ Lê Quốc Bình cho biết sẽ nỗ lực mở room trước khi kết thúc năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc mở room vẫn chưa hoàn tất.

Nới room là câu chuyện xuyên suốt năm 2016

Ngay trong những ngày đầu năm 2016, hoạt động nới room 100% đã được diễn ra khá sôi động tại một số doanh nghiệp đủ điều kiện.

CTCP Everpia Việt Nam (EVE) đã trở thành doanh nghiệp thứ 2 trên TTCK Việt Nam được nới room lên mức tối đa 100% kể từ ngày 3/2/2016. Cổ phiếu này ngay lập tức trở thành tâm điểm của thị trường và khối ngoại đã mau chóng nâng sở hữu lên 58%.

Kết thúc phiên giao dịch 19/2, thị giá EVE đạt 34.400đ, tương ứng tăng 32% so với trước thời điểm nới room.

EVE bứt tốc sau khi nới room
EVE bứt tốc sau khi nới room

Còn với Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp thủy sản này cũng được cho phép nới room ngoại lên 100% và có hiệu lực kể từ ngày 21/2. Đây là trường hợp thứ 3 trên TTCK Việt Nam mở room lên mức tối đa.

Một trường hợp khác là Hoàng Huy (HHS) cũng đang hoàn tất các thủ tục nới room lên mức tối đa 100% khi ĐHCĐ diễn ra hồi đầu tháng 2 vừa qua đã thông qua quyết định này.

Trong khi đó, Vinamilk (VNM), doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của khối ngoại mới đây đã xin ý kiến cổ đông rút bớt 7 mã ngành kinh doanh. Đây được cho là động thái chuẩn bị cho hoạt động mở room.

Có thể thấy, hoạt động nới room đã trở thành câu chuyện khá nóng ngay từ đầu năm 2016. CTCK HSC cho rằng kỳ vọng vào doanh nghiệp nới room sẽ giúp thu hút nhà đầu tư quay trở lại thị trường trong thời gian tới. Trên thực tế, các cổ phiếu như EVE, VHC, BIC, MBB đều tăng mạnh sau những quyết định liên quan đến mở room.

Mới đây, chủ tịch UBCKNN, ông Vũ Bằng cho biết dự thảo tháo gỡ vướng mắc giữa nghị định 60 và luật đầu tư đã được hoàn tất và sẽ sớm được công bố trong thời gian tới. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp nội, FDI, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện nới room.

Từ nay đến trước thềm ĐHCĐ 2016 được dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp xin mở room và đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên