MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán: Cảnh giác với giá dầu

Sự kìm kẹp của giá dầu đối với chỉ số VN-Index khiến nhà đầu tư không khỏi lo ngại về bức tranh thị trường chung khi cổ phiếu nhóm dầu khí đang chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường.

Mối lo này ngày càng tăng khi giá dầu thô của Mỹ đã giảm gần 15% so với mức đỉnh gần đây. Cụ thể, trong phiên ngày 4/4, giá dầu thô WTI giảm gần 3%, đóng cửa tại mức 35,7 USD/thùng. Như vậy, giá dầu của Mỹ đã giảm 14,5% so với mức cao đạt được ngày 22/3 là 41,45 USD/thùng.

Biểu đồ dưới đây cho thấy sự tương quan chặt chẽ trong diễn biến của chỉ số VN-Index và giá dầu những tháng qua. Gần đây nhất, chỉ số VN-Index cũng điều chỉnh giảm từ nửa sau tháng 3 khi giá dầu cũng lùi dần khỏi mức đỉnh.

Tương tự, biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu GAS– thuộc top đầu các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường – lại đang kìm kẹp chỉ chỉ số VN-Index.

Nhiều mã khác trong ngành dầu khí cũng có sự kìm hãm nhất định lên thị trường chung khi điều chỉnh trong vài tuần qua. Tính trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu PVD giảm 18,6%, PVS giảm 10,1%, PGS giảm 4,2%, PVC giảm 14,7% và PVB giảm 7%.

Sự điều chỉnh của giá dầu, cộng với những yếu tố cơ bản bất lợi trên thị trường dầu mỏ, đang gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư và tạo áp lực lên các chỉ số chứng khoán.

Giá dầu đã tăng hơn 50% kể từ tháng 2 đến tháng 3 trước khi điều chỉnh trở lại trong vài tuần qua do lo ngại cán cân cung cầu vẫn chưa cân bằng. Phần lớn động lực thúc đẩy đà tăng của 2 tháng trước là do hy vọng về việc các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ đạt được thỏa thuận về đóng băng sản lượng. Các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga dự kiến sẽ nhóm họp tại Doha vào ngày 17/4 tới để thỏa luận về kế hoạch đóng băng sản lượng.

Tuy nhiên, hy vọng trên trở nên mờ nhạt khi Arập Xêut tuyên bố sẽ không tham gia thỏa thuận nếu không có sự góp mặt của Iran. Tuần trước, phó hoàng thái tử Arập Xêut, ông Mohammed bin Salman, phát biểu rằng Arập Xêut sẽ chỉ đóng băng sản lượng khi các nước sản xuất chủ chốt, trong đó có Nga, Venezuela, và cả Iran làm như vậy.

Điều này có vẻ khó khả thi khi Iran đang muốn khôi phục lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu sau khi các lệnh trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ hồi tháng 1/2016. Sẽ không nước nào muốn giảm sản lượng nếu như Iran cứ sản xuất để giành mất thị phần.

Nghi ngờ về sự thành công của kế hoạch đóng băng sản lượng còn tăng lên khi số liệu cho thấy sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 3 vừa qua đã tăng lên 10,912 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ, phá vỡ kỷ lục trước đó đạt được trong tháng 1 là 10,91 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng giúp xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 3 tăng 10% lên mức 5,59 triệu thùng/ngày.

Trong khi nguồn cung chưa giảm, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sức cầu tăng lên. Do đó, cẩn trọng với giá dầu là điều các nhà đầu tư chứng khoán nên chú ý lúc này, nhất là khi giá dầu của thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam đang biến động song hành thời gian gần đây.

Theo Ngân Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên