MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán đang dần ổn định, bền vững

"TTCK vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư có nhiều cơ hội khi đang quay lại xu thế tăng trưởng ổn định, bền vững hơn với P/E hiện ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, thể hiện bằng sự tăng trưởng về giá trị và khối lượng giao dịch cũng như tổng giá trị vốn hóa thị trường".

Đó là nhận định của ông Đặng Trần Hải Đăng, Phòng Nghiên cứu phân tích (VietinBankSc).

Đâu là những lý do để ông đưa ra nhận định trên?

Ông ĐẶNG TRẦN HẢI ĐĂNG: - Điều này thể hiện qua việc các chỉ số kinh tế vĩ mô đều cho thấy dấu hiệu phục hồi: GDP tăng trưởng ấn tượng với 9 tháng đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua, vượt mục tiêu 6,2% như Chính phủ đã đề ra.

Một số tổ chức tài chính quốc tế cho biết GDP có thể đạt được 6,5% cả năm, thậm chí cao hơn. Chỉ số lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 9 tăng trưởng âm và dự báo còn tiếp tục thấp bởi ảnh hưởng giá xăng dầu cũng như chính sách kinh tế ổn định. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu trong năm 2013, 2014.

Tính đến phiên giao dịch ngày 28-10, VN Index tăng 9,51%. Thống kê từ Bloomberg, Việt Nam là thị trường duy nhất nhà đầu tư nước ngoài mua ròng từ đầu năm đến ngày 30-10 với giá trị 209 triệu USD, trong khi đó TTCK Indonesia và Thái Lan bán ròng lần lượt 1 tỷ và 3 tỷ USD. Những thông tin này chứng tỏ TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với khối ngoại và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Về góc độ phân tích kỹ thuật, tính từ mốc đáy thấp nhất thời điểm VN Index 235 điểm (24-2-2009), thị trường dù có biến động nhưng vẫn đang trong xu thế đi lên bền vững.

- Ông dự báo thế nào về triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm?

- Theo tôi, thị trường đang nhận được sự hỗ trợ tích cực như FED duy trì không tăng lãi suất đến phiên họp tháng 12 tới; những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan quản lý (Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 quy định chi tiết các Luật Chứng khoán; dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán (sửa đổi thông tư 74); đề án thoái vốn từ SCIC tại các doanh nghiệp lớn; khối ngoại thường mua ròng vào cuối năm; kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng; P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực…

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, TTCK vẫn phải đối mặt với một số tác động tiêu cực như tình hình Trung Quốc cũng như giá dầu duy trì ở mức thấp. Do đó, dự kiến TTCK Việt Nam sẽ dao động trong vùng 600 - 610 điểm, tuy nhiên sẽ được phân hóa theo ngành. Nhìn chung ở trong xu thế đi ngang nhưng không phải không có cơ hội đầu tư, bởi ở bất kỳ giai đoạn nào của thị trường đều có sự phân hóa theo từng nhóm ngành khác nhau.

- Việt Nam và 11 nước vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ông điều này sẽ tác động mạnh đến cổ phiếu những ngành nào?

- Một số cổ phiếu ngành thích hợp đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2015 như: vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, dệt may... Tôi cho rằng dệt may sẽ là tâm điểm vì đây là ngành được đánh giá có triển vọng tăng trưởng mạnh trước cơ hội lớn từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Được biết hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều kín đơn hàng đến hết năm. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu đầu vào tiếp tục xu hướng giảm, giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận. Do đó, doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm 2015, hầu hết đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Về dài hạn, dư địa phát triển ngành dệt may còn rất lớn. Bên cạnh việc hưởng lợi từ các hiệp định thương mại: TPP, Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc... Các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hoàn thiện chu trình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã và đang đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, nhìn chung ngành dệt may luôn có diễn biến giá tích cực hơn so với VN Index, cũng như một số ngành hàng khác. Điển hình trong giai đoạn trước thềm TPP chính thức công bố hoàn tất đàm phán, hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều ghi nhận mức tăng giá mạnh.

- Xin cảm ơn ông.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Cần tầm nhìn dài cho ngành dệt

Ngành dệt may luôn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất từ TPP. Tuy nhiên chưa cần đến tác động của TPP hay các hiệp định thương mại tự do khác, dệt may đã có được sự tăng trưởng mạnh ngay từ khi gia nhập WTO với tốc độ tăng trưởng 17-18%/năm. Dự kiến tốc độ tăng trưởng khi TPP có hiệu lực vào khoảng 25%/năm.

Dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung thiếu hụt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Nhưng 5 năm qua, việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu giúp tỷ lệ nội địa đã tăng lên mức 50%, mục tiêu sẽ đạt mức 70% trong năm 2018. Dệt may đã và đang thu hút dòng vốn FDI rất lớn, tính đến thời điểm hiện nay là 3,5 tỷ USD và dự kiến trong thời gian tới dòng vốn này còn có sự đột phá hơn.

Bên cạnh những cơ hội, dệt may sẽ phải đối mặt với 3 thách thức: chiến lược đầu tư quy mô dài hạn đến 2040, đào tạo nguồn lực, phát triển công nghiệp dệt may đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.

Theo Quang Minh

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên