MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán phái sinh: Dự kiến đầu năm 2016 sẽ áp dụng sản phẩm hợp đồng tương lai

Dự kiến, với số lượng CTCK hiện nay sẽ có từ 10 – 20 công ty chứng khoán đáp ứng được yêu cầu và tham gia được thị trường chứng khoán phái sinh.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường (Ủy ban chứng khoán nhà nước – UBCK) khi nói về lộ trình thực hiện chứng khoán phái sinh trong thời gian tới ở Việt Nam.

Cụ thể, ông Sơn cho biết, trước mắt dự kiến năm 2016 sẽ đưa vào hoạt động hai sản phẩm đó là hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ và hợp đồng tương lại dựa trên chỉ số chứng khoán.

Sau đó, theo lộ trình những năm tiếp theo sẽ áp dụng các sản phẩm quyền chọn dựa trên sản phẩm cổ phiếu cũng như các sản phẩm khác.

Giai đoạn hai sẽ thống nhất tập trung các công cụ tài chính phái sinh dựa trên tài sản cơ sở chứng khoán chỉ số; các tài sản cơ sở dựa trên các công cụ tiền tệ (như: Lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, vàng…) và các sản phẩm phái sinh dựa trên cơ sở hàng hóa mà hiện nay bộ công thương đang quản lý. Tất cả những quy định này đã được quy định trong Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ.

Để triển khai Quyết định này thì Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đang tiến hành. Trước hết là xây dựng khung pháp chế về thể chế cho thị trường phái sinh, dự kiến đến cuối năm nay sẽ trình Chính phủ ban hành.

Đặc biệt, yếu tố công nghệ - được xem là quan trọng nhất đối với thị trường phái sinh cũng đang được đầu tư xây dựng.

Việc hình thành thị trường phái sinh cũng gắn với việc tái cấu trúc, tổ chức lại thị trường chứng khoán mà cụ thể ở đây là việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và Tp.HCM) và phân định các khu vực thị trường.

Dự kiến, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ xây dựng thị trường phái sinh (hiện sở này cũng đang đầu tư xây dựng công nghệ) trước mắt sẽ sớm áp dụng hợp đồng tương lai dựa trên sản phẩm là trái phiếu Chính phủ.

Thứ ba về việc đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức UBCK cũng đang tổ chức đào tạo, xây dựng bộ giáo trình về chứng khoán phái sinh để đào tạo cho nhân viên làm việc tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thực hiện bù trừ yêu cầu có chứng chỉ.

Thị trường phái sinh là thị trường nhạy cảm, phức tạp và tính nhạy cảm cao nên việc đào tạo là hết sức quan trọng.

Thứ tư, rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường phái sinh như văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng vận hành thị trường phái sinh như: Quy định về kế toán – kiểm toán, các quy định theo giá thị trường, quy định nới lỏng bán khống…

Chúng tôi đặt ra kỳ vọng cuối năm 2015 và đầu 2016 sẽ triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính  phủ.

Nói như vậy phải chăng chứng khoán phái sinh ra đời sẽ ưu tiên nhà đầu tư tổ chức hơn các nhà đầu tư cá nhân, thưa ông?

Thực ra không có quy định sản phẩm chứng khoán phái sinh là dành cho nhà đầu tư tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân, tất cả các nhà đầu tư đều được tham gia vào thị trường này.

 Tuy nhiên, theo tôi đánh giá thì đây là sản phẩm khá phức tạp do đó chủ yếu là các định chế tài chính đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào thị trường này là chính.

Chỉ có quy định là các công ty chứng khoán muốn tham gia tự doanh chứng khoán phái sinh thì phải được UBCK nhà nước chấp thuận. Các định chế khác, chẳng hạn như: Doanh nghiệp nhà nước, bảo hiểm, NHTM thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn và cho phép thực hiện.

Ông có nghĩ rằng việc quy định phải có vốn điều lệ 600 - 800 tỷ đồng đối với các công ty chứng khoán khi tham gia thị trường phái sinh, liệu có làm hạn chế sự tham gia của các thành viên trên thị trường hay không?

Việc đưa ra con số quy định về quy mô vốn của các công ty chứng khoán là dựa trên một điều tra số lượng các công ty chứng khoán hiện có, cũng như số công ty mà dự kiến UBCK cho phép làm thành viên trên thị trường.

Bởi lẽ, những công ty chứng khoán tham gia môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh phải là công ty có tiềm lực tài chính và tất cả các chỉ tiêu khác đều phải đảm bảo tốt.

Dự kiến, với số lượng công ty chứng khoán hiện nay (khoảng 80 công ty) sẽ có từ 10 – 20 công ty chứng khoán đáp ứng được yêu cầu và tham gia được thị trường chứng khoán phái sinh.

Vậy ông có thể chia sẻ về tiến độ thực hiện lộ trình sáp nhập hai Sở giao dịch chứng khoán là Hà Nội và Tp.HCM không?

 Hiện nay, theo lộ trình chúng tôi đang xây dựng hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt việc hợp nhất, các công việc vẫn đang được tiến hành.

Một trong những nội dung cơ bản của Đề án là trên cơ sở nền tảng của việc hợp nhất sẽ phân định và phát triển các khu vực của thị trường đó là thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường phái sinh.

Trong mỗi thị trường lại có sự phân cấp khác nhau. Chẳng hạn như thị trường cổ phiếu sẽ có bảng 1, bảng 2, bảng 3… giống như đang thực hiện quy mô lớn ở sàn Tp.HCM, quy mô nhỏ và vừa ở sàn Hà Nội và sàn Upcom. Điều này giống với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng được quy hoạch phát triển lại. Hiện nay đã được quy định phát triển ở sàn Hà nội kể cả đấu thầu sơ cấp và giao dịch thứ cấp, sau này phát triển các sản phẩm phái sinh từ trái phiếu cũng sẽ được thực hiện ở đây.

Phần còn lại của phái sinh là dựa trên chỉ số cũng như các sản phẩm khác thì cũng trên nền tảng thống nhất để quy hoạch lại thị trường phái sinh.

Phát triển thị trường phát sinh  UBCK có gặp thuận lợi và  khó khăn gì không, thưa ông?

Chúng ta đã có 14 – 15 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã quen với những đầu tư trên thị trường cơ sở và họ cũng thực sự có nhu cầu sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro và gia tăng lợi tức đầu tư. Trước nhu cầu này của thị trường cơ quan quản lý phải xây dựng khung pháp lý để tránh tự phát, gây bất ổn cho thị trường.

Để đảm bảo an toàn thì khi mới thực hiện Việt Nam cũng quản lý theo hướng siết chặt để chuẩn hóa ngay từ đầu do đó cũng phần nào làm hạn chế sự phát triển của thị trường.

Phái sinh là sản phẩm phức tạp đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, kỹ năng và tiềm lực tài chính và quan trọng nhất phải tuân thủ pháp luật. Theo dõi thị trường cơ sở thời gian qua chúng ta cũng thấy rằng các nhà đầu tư Việt Nam rất dễ bị chi phối đó là một trong những trở ngại khi thực hiện chứng khoán phái sinh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng khi chúng ta thiết kế các sản phẩm quyền chọn tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ cũng như hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số thì đó là những sản phẩm công cụ gốc tương đối ổn định, rất ít có khả năng dẫn tới thao túng tài sản phái sinh.

Những sản phẩm này dự kiến sẽ cho thị trường làm quen 2 - 3 năm sau đó mới phát triển thêm những sản phẩm hợp đồng quyền chọn hay sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ hay nhóm các cổ phiếu như vậy sẽ hạn chế được rủi ro cho thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi (thực hiện)

hanhle

Tài chính Plus

Trở lên trên