MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Rồng Việt: Nới biên độ dao động – tích cực cho cả ngắn và dài hạn

Các chuyên viên phân tích của VDSC cho rằng, nới biên độ là một con dao hai lưỡi, trong khi việc tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài khó có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn.

Sáng nay, CTCP Chứng khoán Rồng Việt - VDSC tiếp tục tổ chức chương trình Cafe sáng với chuyên đề “Đánh giá tác động của việc nới biên độ và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo VDSC, việc nới biên độ là một con dao hai lưỡi, trong khi việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư - NĐT nước ngoài khó có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn và nếu có được thực thi thì chỉ có lợi đối với nhóm cổ phiếu được NĐT ngoại ưa thích.

Nới biên độ dao động

Ngày 15/01/2013, biên độ trên sàn HSX sẽ được nới lên ±7% và sàn HNX được đưa lên ±10%, đợt điều chỉnh lần này sẽ kéo biên độ giao dịch trên cả hai sàn về mức bằng giai đoạn 2001 và mức điều chỉnh tương tự lần điều chỉnh gần nhất trong tháng 8/2008.

Lịch sử nới biên độ

Theo đánh giá của chuyên viên phân tích VDS, việc tăng biên độ lần này đã được Ủy bán Chứng khoán tính toán hợp lý dựa trên các yếu tố:

(1) Tâm lý tích cực từ cuối tháng 12 nhờ các thông tin hỗ trợ tích cực như hoạt động sản xuất cải thiện trong tháng 12, giảm lãi suất và hoạt động sôi động của ETFs;

(2) Động thái giải cứu thị trường bất động sản, xúc tiến xử lý nợ xấu và hàng tồn kho của cơ quan điều hành;

(3) Giải pháp tăng biên độ nằm trong tổng thể 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ TTCK. VDS đánh giá việc nới biên độ lần này mang cả ý nghĩa tích cực trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với TTCK.

Tuy nhiên, VDS lưu ý NĐT về mức độ rủi ro sẽ gia tăng sau thời điểm biên độ mới được chính thức thực thi, rất có thể thị trường điều chỉnh mạnh tương tự như các lần điều chỉnh tăng biên độ trước.

Nới room cho NĐT nước ngoài 

Tính đến ngày 11/01/2013, NĐT nước ngoài nắm giữ khoảng 7 tỷ USD trong tổng số 36 tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết tại HOSE (~20% giá trị vốn hóa của sàn HSX).

Trong năm 2012, mặc dù nền kinh tế được đánh giá là còn nhiều khó khăn song lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011.

Ngoài ra, xu hướng mua ròng là chủ đạo trên sàn HSX, kể cả những tháng thị trường giảm mạnh như thời điểm tháng 5 và tháng 8. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam - TTCKVN vẫn còn sức hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài.

Đối với động thái liên quan đến khả năng nới room cho NĐT nước ngoài, VDSC cho rằng khó có thể tạo ra tác động tích cực nào trong ngắn hạn đối với diễn biến của thị trường bởi các lý do sau:

(i) Việc mở room sẽ chỉ thu hút được NĐT nước ngoài đối với một nhóm CP thỏa mãn tiêu chí của họ chứ không có lợi cho toàn thị trường chung. 

(ii) Sẽ mất nhiều thời gian để các giải pháp trên được đưa vào thực tiễn bởi phải sửa đổi các quy định hiện hành.

(iii) Sự quan tâm của các NĐT nước ngoài đối với TTCKVN phụ thuộc vào quy mô, tính thanh khoản và tương quan so sánh với các thị trường khác trong khu vực, đặc biệt là điều kiện tiên quyết chính là sự ổn định vĩ mô.

Do đó, khi các yếu tố trên được cải thiện sẽ giúp tăng cường sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với NĐT nước ngoài và ngược lại.

Thị trường vẫn chịu ảnh hưởng của xu hướng và các yếu tố cơ bản chứ không phải việc nới rộng biên độ hay tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài. Vì vậy, những ảnh hưởng của hai giải pháp này đối với diễn biến thị trường sẽ không nhiều.

Việc nới biên độ là một con dao hai lưỡi, trong khi việc tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài khó có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn và nếu có được thực thi thì chỉ có lợi đối với nhóm cổ phiếu được NĐT ngoại ưa thích.

Q. Nguyễn

quynhnn

VDSC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên