MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chứng khoán tăng điểm đã được chuẩn bị từ năm trước”

Hiện nay, thị trường đã có lượng CP niêm yết cao hơn rất nhiều, giá trị giao dịch thị trường tăng lên cũng dần dần theo thời gian trong suốt năm 2013 chứ không phải đột biến.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tuấn - chuyên gia phân tích tư vấn đầu tư CTCK An Bình - với phóng viên Lao Động xu thế tăng điểm của thị trường trong thời gian qua.

Cơ sở nào ông cho rằng TTCK đã có sự chuẩn bị cho đợt tăng giá hiện nay?

- Bằng chứng là quan sát diễn biến thị trường năm 2013 thì ta thấy 2 chỉ số chính HNX-Index và VN-Index có tăng điểm từ đầu năm và điều chỉnh nhưng không quay trở lại đáy cũ năm 2012. VN Index thì đi ngang, tích lũy trong biên độ rộng từ 470 – 514 điểm, còn HNX Index là từ 58-65 điểm. CP giảm đến mức thấp nhất lại được mua vào và quá trình tích lũy kéo dài trong suốt cả năm 2013 cùng biến động giá CP nhẹ nhàng. Hiện tượng này cho thấy luôn có nguồn tiền lớn sẵn sàng mua gom CP ở mức giá thấp. Phù hợp với chiến lược đầu tư của các tổ chức lớn.

Ngoài ra các tổ chức, quỹ đầu tư cũng luôn biết cách để gom thêm CP. Ví dụ như cuối năm 2013, khi HNX đã có những con sóng tăng giá thì trên HSX vẫn khá yên ả với những biến động nhỏ. Khi đó các NĐT nhỏ chán CP trên HSX vì không tăng giá nên bán ra CP tạo điều kiện cho các “cá mập” gom vào.

Một số ý kiến cho rằng, thị trường tốt lên do chứng khoán luôn đi trước kinh tế vĩ mô 3-6 tháng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi đồng ý kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu tích cực hơn nhưng khó có thể giải thích CP tăng giá 20-30% trong khi KQKD mới khởi sắc một chút. Hãy nhìn vào diễn biến của nhóm CP BĐS trong 3 tháng cuối năm 2013 tăng giá theo kiểu 2 phiên tăng lại có 1 phiên giảm mạnh. Mặc dù giá tăng gấp 2 lần nhưng ít NĐT kiếm được lợi nhuận bởi cách tăng giá khá khó chịu. Nguyên nhân là các NĐT lớn vẫn đang muốn gom CP BĐS nên vừa đẩy giá lên vừa tích lũy CP. Đến sau Tết thì nhóm CP BĐS tăng mạnh lên, không còn rung lắc như NTL, DIG, HBC,... Hay nói cách khác, khi tích lũy đủ CP thì không còn ai cản được việc đầu cơ giá lên. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng CP BĐS tăng giá cũng bởi thị trường BĐS đã có dấu hiệu ấm lên. Những giao dịch nhà đất có giá trị dưới 2 tỉ diễn ra khá sôi động tại cả Hà Nội và TPHCM, hay phân khúc căn hộ có giá bán 12 triệu đồng/m2 cũng rất dễ mua bán.

Vậy ông đánh giá thế nào về thị trường trong ngắn hạn?

- Tôi nghĩ đa phần các NĐT đều lo ngại thị trường sẽ có điều chỉnh mạnh khi VN Index đến vùng 580-600 điểm. Tuy nhiên, liệu thị trường có điều chỉnh khi đến ngưỡng điểm chẵn hay không thì tôi không thể khẳng định được. Còn tôi cho rằng ngay ở ngưỡng điểm hiện nay, NĐT vẫn có thể mua vào được. Có 2 lý do để hỗ trợ cho luận điểm mua vào. Thứ nhất, nửa cuối tháng 1 đến trước Tết, VN –Index đi ngang với nhiều “động tác giả” của các NĐT lớn như ngày 11.2, cho thấy mong muốn mua thêm CP của các NĐT lớn vẫn còn. Vì thế, nếu có điều chỉnh giảm thì tôi tin sẽ có lượng cầu sẵn sàng mua đỡ giá. Thứ hai, xét trên phân tích kỹ thuật thì tăng điểm rồi đi ngang gần 1 tháng sau đó tiếp tục tăng điểm với khối lượng lớn là tín hiệu mua vào chứ không phải tín hiệu bán ra. Nói cách khác thì giá tăng đi kèm khối lượng tăng thể hiện ý chí mua vào của các NĐT lớn.

Một số người lo ngại thị trường tăng điểm với giá trị lớn có thể là tín hiệu cho phiên điều chỉnh. Quan điểm của ông như thế nào?

- Tôi nghĩ quan niệm về giá trị giao dịch lớn cần xem xét ở nhiều góc độ. Hiện nay, thị trường đã có lượng CP niêm yết cao hơn rất nhiều, giá trị giao dịch thị trường tăng lên cũng dần dần theo thời gian trong suốt năm 2013 chứ không phải đột biến. Tôi nghĩ phiên giao dịch lớn của thị trường bây giờ phải có giá trị hơn 30-50% giá trị giao dịch trung bình của phiên gần đó. Ngoài ra, lo ngại thị trường điều chỉnh bởi giá trị giao dịch lớn cần đặt trong bối cảnh cụ thể. VN Index sau Tết mới tăng từ vùng tích lũy 550 – 560 điểm lên 578 điểm thì khó có thể có phiên phân phối.

Vậy theo ông, các NĐT nên đầu tư CP nào?

- Xu thế chung của thị trường vẫn tốt tuy nhiên để đạt hiệu quả cao NĐT cần lựa chọn CP phù hợp. Theo tôi, hiện nay nhóm CP mua tốt ví dụ như DPM, REE, CSM. Đây là những CP chưa có tăng giá nhiều, KQKD xuất sắc, đầu ngành, P/E thấp hơn 10. Việc các CP này chưa thể tăng giá nhiều hàm ý các NĐT lớn vẫn đang muốn mua thêm CP. Còn với những CP đã tăng giá như NTL, VCG thì xu thế tăng giá vẫn còn bởi nền tảng tích lũy CP rất lâu, mức độ tăng giá chưa đủ với thời gian tích lũy dài như vậy. Các CP của CTCK cũng mới ở giai đoạn tích lũy mà chưa có sự tăng giá mạnh cũng đáng xem xét. Với những CP đã có sự tăng giá từ 20-40% trong vòng 1 tháng thì không nên mua, bởi lẽ nhiều NĐT rơi vào tình trạng CP về tài khoản đúng vào nhịp điều chỉnh rồi mất kiên nhẫn nên bán ra đã bị thua lỗ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Hải

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên