Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại mua, tự doanh bán, cổ phiếu ngân hàng thỏa thuận sôi nổi
Thỏa thuận tại các CP ngân hàng tiếp tục diễn ra sôi nổi. EIB thỏa thuận đều đặn 2 triệu cổ phiếu/ngày liên tục từ 12/06 – 18/06. Giống như tuần trước đó SHB lại đứng đầu danh sách về GTTT trên HNX
Thị trường tuần qua sôi động hơn hẳn với các yếu tố tác động như hoạt động tái cơ cấu danh mục của ETF, thông tin tăng tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng thêm 1%, giảm gói QE3 của FED … Đứng trước những đánh giá khác nhau về tác động của các yếu tố này đến cung cầu thị trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các chỉ số đã có cả 1 tuần giảm điểm nhưng nhìn chung, biến động này của VN-Index vẫn là do các trụ cột như GAS, MSN, VIC, VNM… giảm nhiều phiên. Điểm tích cực là thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh, nhưng có thể chỉ là trạng thái nhất thời của tuần.
HNX-Index được đánh giá là thể hiện tình trạng thị trường tốt hơn VN-Index do không chịu ảnh hưởng bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn, vẫn dao động trong biên độ hẹp.
Trong tuần qua, khối ngoại mua ròng mạnh do hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF trong khi khối tự doanh bán mạnh. Về phía các nhà đầu tư cá nhân, có người đã vội vàng ra hết hàng trong ngày 19/06 khi thị trường đỏ lửa và quyết định ngồi chờ cho đến khi tình hình kinh tế, chính trị ổn định. Có người bình thản nhìn những tác động của thông tin đến thị trường và tiếp tục mua thêm. Một nhà đầu tư đã nhận định với chúng tôi: “Trong điều kiện hiện nay luôn xen kẽ những thông tin trái chiều, luôn có cơ hội và rủi ro, điểm mạnh và điểm yếu của từng cổ phiếu, đây chính là điều thú vị của TTCK”.
Thỏa thuận tại các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục diễn ra sôi nổi với EIB được thỏa thuận đều đặn 2 triệu cổ phiếu/ngày liên tục từ 12/06 – 18/06 và đứng đầu danh sách về giá trị thỏa thuận trên HOSE. Trên HNX, giống như tuần trước đó SHB cũng lại đứng đầu danh sách về giá trị thỏa thuận. Các giao dịch diễn ra đều đặn từ 11/6 – 18/6 và bất ngờ tăng mạnh vào ngày 19/06 với 3,3 triệu đơn vị trao tay tương đương gần 30 tỷ.
Biến động chỉ số và thanh khoản
Ngược lại hoàn toàn với tuần trước đó, tuần qua, VN-Index giảm liên tục cả 5 phiên và đã giảm từ 574,5 điểm xuống 560,8 điểm, tức là đã giảm 13,7 điểm tương đương với 2,3%. Các mức biến động trong 3 phiên đầu tuần đều không cao. Nhưng khi thông tin NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng VND/USD thêm 1% được phát đi vào tối 18/6, cộng thêm một số thông tin bất lợi được đăng tải trên một số tờ báo đã khiến cho thị trường ngày 19/06 hết buồn ngủ khi liên tục lên xuống và có lúc giảm 10,7 điểm. Sự giảm điểm đó đã kích thích lực cầu chảy vào và chốt phiên, VN-Index chỉ giảm 2,68 điểm trong khi khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng đáng kể. Ngày 20/06 chỉ số tiếp tục có những lần sụt mạnh tới 11 điểm, thanh khoản tăng vọt và giao dịch đầy thú vị trong phiên ATC.
Thanh khoản tuần qua đã tăng lên khá cao. Khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 102,7 triệu cổ phiếu/ngày – tăng 22,6% so với tuần trước, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 1.548 tỷ/ngày – tăng 26,2%.
Đứng đầu về giá trị giao dịch thỏa thuận trong tuần này là mã SSC của CTCP Giống Cây trồng miền Nam với tổng khối lượng thỏa thuận trong tuần là 2,36 triệu đơn vị tương đương 138,4 tỷ được thực hiện vào các ngày 17, 19 và 20/06. Cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục được thỏa thuận với giá trị lớn. Trong 5 phiên liên tục từ ngày 12/06 – 18/06, cổ phiếu này đều đặn được thỏa thuận 2 triệu đơn vị/ngày.
(Đv: tỷ đồng)
HNX-Index vẫn dao động trong biên độ hẹp, giảm 4/5 phiên trong tuần và chốt tuần tại 76,3 điểm – thấp hơn 0,4 điểm so với mức khởi điểm đầu tuần. Mặc dù ngày 19/06, sàn này cũng có mức thanh khoản tăng đáng kể so với các phiên trước đó nhưng ngay ngày hôm sau đã lại chững lại.
Tính chung cả tuần, KLGD khớp lệnh trung bình của sàn Hà Nội đạt 48,4 triệu đơn vị/ngày – giảm 8,9% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt gần 507,8 tỷ/ngày – giảm 2,3%.
Giống như tuần trước đó, SHB – cổ phiếu của Ngân hàng Sài gòn – Hà Nội tiếp tục đứng đầu danh sách giao dịch thỏa thuận với giá trị 51,2 tỷ. Các giao dịch diễn ra đều đặn từ 11/6 – 18/6 và bất ngờ tăng mạnh vào ngày 19/06 với 3,3 triệu đơn vị trao tay tương đương gần 30 tỷ.
Một số mã chứng khoán như HBS, VIX, IVS cũng lọt vào top 10.
(Đv: tỷ đồng)
Giao dịch của khối ngoại
Trong tuần cuối cùng ETF tái cơ cấu danh mục, khối ngoại mua rất tích cực, đặc biệt vào ngày cuối tuần, khối này mua ròng gần 368 tỷ trên HOSE. Top mua ròng rất rõ ràng, thuộc về 4 mã nằm trong danh sách mua thêm của quỹ VNM là STB, DPM, PVD và HAG.
(Xem thêm: Ngày cuối ETF tái cơ cấu danh mục: Khối ngoại mua ròng 368 tỷ trên HoSE)
Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng gần 28 triệu cổ phiếu – tăng 183,5% so với tuần trước. Giá trị mua ròng cả tuần là 624,5 tỷ - tăng 468,2%.
Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:
Dù không sôi động bằng sàn HOSE do không chịu tác động của hoạt động tái cơ cấu nói trên nhưng tại sàn Hà Nội, khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng khá đều đặn. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng khối lượng 7,4 triệu cổ phiếu – giảm 24,4% so với tuần trước. Giá trị mua ròng đạt 113,6 tỷ đồng – giảm 10,7%.
Và giống như 2 tuần trước đó, mã PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của khối ngoại. SHB – mã được chọn để tăng tỷ lệ trong danh mục của quỹ VNM đứng thứ 2 về giá trị mua của khối ngoại trên sàn Hà Nội.
Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:
Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE
Nhân dịp khối ngoại mua mạnh để tái cơ cấu danh mục, khối tự doanh đã chốt lời? Trong ngày cuối tuần, khi khối ngoại mua ròng 368 tỷ thì khối tự doanh đã bán ròng 129 tỷ. Khối này cũng đã duy trì trạng thái bán ròng trong 2 tuần nay. Tính chung cả tuần, họ bán ròng 211 tỷ.
Cổ phiếu nổi bật
Top 5CP tăng/giảm nhiều nhất tuần:
Thành Long