MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: Nỗi ám ảnh bầu Kiên

Với sự giảm điểm mạnh trong tuần, hoạt động giải chấp vay margin đã diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong ngày cuối tuần. Điều này làm dấy lên e ngại về áp lực giảm điểm sẽ tiếp diễn trong tuần mới.

Đa số chuyên gia đều nhận định rằng bầu Kiên, dù rất “hot” nhưng đã trở thành thông tin cũ, không thể có tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên trùng hợp là trong tuần diễn ra phiên xét xử bầu Kiên và các đồng phạm, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lại chứng kiến những phiên giảm điểm rất mạnh khiến không ít nhà đầu tư đau lòng. Với sự giảm điểm này, hoạt động giải chấp vay margin đã diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong ngày cuối tuần. Điều này làm dấy lên e ngại về áp lực giảm điểm sẽ tiếp diễn trong tuần mới.

Đi cùng với sự sụt giảm của chỉ số là sự sụt giảm về giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn. Trong khi đó, sàn HOSE lại diễn ra những giao dịch thỏa thuận với giá trị rất lớn.

Không có thêm thông tin vĩ mô nào tích cực nhưng tuần vừa qua, các ngân hàng dồn dập công bố thông tin (hoặc mới dừng ở chủ trương, hoặc đã lên phương án khá cụ thể) về việc sáp nhập. Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp lớn tổ chức đại hội cổ đông và thông qua kế hoạch kinh doanh 2014 cùng tỷ lệ cổ tức cao.

Biến động chỉ số và thanh khoản

VN-Index khởi đầu tuần với 600,6 điểm (đã được gìn giữ suốt cả tuần trước) và rồi nhanh chóng đánh mất mốc điểm này, kết thúc tuần tại 565,3 điểm – tức đã giảm 35,3 điểm tương đương 5,1%. Trong 5 ngày giao dịch, chỉ duy nhất ngày đầu tuần (14/04), chỉ số có lúc đạt 602,7 điểm, còn lại không thể ngoi được lên mức 600. Vào ngày 16/04, tức ngày diễn ra phiên tòa xét xử bầu Kiên, VN-Index có lúc mất hơn 18 điểm. Giá trị giao dịch trong ngày này đạt 2.361 tỷ - cao nhất trong tuần.

Khối lượng khớp lệnh trung bình đạt hơn 111,2 triệu cổ phiếu/ngày – tăng 2,9% so với tuần trước, tuy nhiên giá trị khớp lệnh bình quân giảm 4,8% xuống khoảng 1.953 tỷ/ngày.

Sàn HOSE tiếp tục có những giao dịch thỏa thuận với khối lượng rất lớn. Lớn nhất là vào ngày 14/04 với 32 triệu đơn vị thỏa thuận tương đương với gần 778 tỷ, trong đó có hơn 15,24 triệu TBC; 10 triệu CTG; 1,5 triệu NSC; 1,8 triệu HSG… Ngày 17/04 cũng có hơn 31 triệu đơn vị thỏa thuận tương đương 643 tỷ đồng, trong đó có 12,5 triệu TBC; 9 triệu CTG; 5,9 triệu HVG…

HNX-Index biến động tương đồng với VN-Index nhưng với cường độ mạnh hơn. Chỉ số khởi đầu tuần với 87,5 điểm và kết thúc tuần tại 80,6 điểm – giảm 6,2 điểm tương đương với 7,2%.

Thanh khoản tiếp tục sụt giảm. KLGD khớp lệnh trung bình chỉ đạt 67,4 triệu đơn vị/ngày – giảm 2,6% so với tuần trước và GTGT đạt gần 750 tỷ - giảm 9,5%. Điều này cho thấy các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ không có sức bật đáng kể nào trong tuần.



Top 10 các cổ phiếu giao dịch thỏa thuận (theo giá trị)


Giao dịch của khối ngoại

Đi ngược lại việc bán tháo của khối nội, trên sàn HCM tuần này, khối ngoại đã tăng cường mua ròng. Họ bán ròng trong 2 ngày 14/04 và 17/04, mua ròng trong 3 ngày còn lại. Tổng khối lượng mua ròng cả tuần là 10,2 triệu đơn vị tương đương 138 tỷ.

Tại sàn Hà Nội, họ mua ròng cả 4 phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng 3,4 triệu cổ phiếu tương đương 69 tỷ đồng – tăng rất mạnh so với con số mua ròng gần 675 triệu trong tuần trước.

Báo cáo của công ty chứng khoán VCBS cho hay, động thái này có thể là do các yếu tố về kinh tế thế giới đã dần đi vào quỹ đạo và phản ánh mức ổn định hơn, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Cụ thể, Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đang thắt chặt giám sát quỹ tín thác bằng cách hạn chế hoạt động kinh doanh và giảm tài sản ròng hoặc yêu cầu các cổ đông bổ sung vốn khi bị thua lỗ. Bắt đầu từ năm 2014, Ủy ban cũng sẽ áp dụng thủ tục phê duyệt nghiêm ngặt đối với các công ty tín thác khi muốn thâm nhập vào các lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm mới. Ngân hàng trung ương BOC cũng cam kết sẽ hạn chế rủi ro trước khi chúng biến thành khủng hoảng hệ thống.

Dù chưa rõ hiệu quả của chính sách này đến đâu, nhưng thông tin trên cũng sẽ góp phần trấn an tâm lý nhà đầu tư nước ngoài trước những lo ngại về tình trạng rủi ro thanh khoản và rủi ro vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Mặc dù vậy, VCBS cho rằng, trong Quý 2, động thái của khối ngoại sẽ chủ yếu thiên về cơ cấu lại danh mục với trạng thái mua bán cân bằng sau chuỗi mua ròng mạnh trong Quý 1 trước đó.

Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:

 

Cổ phiếu nổi bật

- TBC với thông tin được SCIC bán một số lượng lớn cổ phần cho một nhà đầu tư cá nhân

Ngày 14/04/2014, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoàn tất việc bán 15,24 triệu cổ phiếu tương đương 24% vốn của TBC chỉ trong 1 phiên giao dịch. Ông Nguyễn Tấn Thắng, một cổ đông cá nhân đã mua vào 15,24 triệu cổ phiếu TBC và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 24% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giao dịch được thực hiện với mức giá trần 20.000 đồng/CP.

Ngày 17/04, TBC tiếp tục có giao dịch thỏa thuận với khối lượng 12,5 triệu đơn vị tương đương 250 tỷ.

- Ngày 14/04 và 17/04, cổ phiếu CTG cũng được thỏa thuận khối lượng lớn lần lượt là 10 triệu và 9 triệu đơn vị, tương đương 175 tỷ và 154 tỷ.

- Tiếp tục hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 (Dòng sự kiện: KQKD quý I/2014)

- Trong tuần, nhiều doanh nghiệp lớn đã tổ chức ĐHCĐ 2014: LCG, NTP, HAG, VIC, VPH, GAS…(Dòng sự kiện: ĐHCĐ 2014)

- Các ngân hàng cũng tổ chức ĐHCĐ công bố những thông tin về việc sáp nhập: SHB dự kiến sáp nhập với một công ty tài chính, MaritimeBank chính thức xin sáp nhập với Ngân hàng TMCP Mê Kông (Mekongbank - MDB), PGBank xin chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác (trước đó, tài liệu ĐHCĐ của ngân hàng này trình kế hoạch sáp nhập với Vietinbank nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu PGBank), NH Phương Nam thông qua không chia cổ tức năm 2013, kéo dài nhiệm kỳ của HĐQT cho đến khi sáp nhập vào Sacombank…(Dòng sự kiện: ĐHCĐ Ngân hàng 2014)

Top 05 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần








Hồng Hà

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên