MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chứng khoán tuần qua]: “Xác chết” AVF hồi sinh, cổ phiếu ngân hàng tìm đỉnh mới trước áp lực hoàn thành tái cơ cấu?

AVF đã tăng trần liên tục cả 4 phiên trong tuần, đi từ mức giá 1.100 đồng lên 1.400 đồng sau khi lao dốc 16 phiên sàn từ vùng giá 2.500 đồng

Mặc dù mở đầu tuần giao dịch đầu tiên sau Tết là một phiên tăng điểm mạnh mẽ của cả 2 chỉ số nhưng khi chạm những ngưỡng kháng cự cứng, trong những phiên giao dịch tiếp theo, thị trường đã rơi vào thế giằng co. Điểm tích cực là khối ngoại vẫn liên tục mua ròng, dù có xu hướng giảm về cuối tuần.

Cổ phiếu Ngân hàng vẫn là dòng cổ phiếu dẫn dắt sự biến động của thị trường. VCB, CTG, BID…tiếp tục đi tìm đỉnh cao mới, khi đã vượt qua mức đỉnh thiết lập từ đợt tăng điểm cách đây 1 tháng nhưng cũng lại có sự điều chỉnh trong phiên cuối tuần. Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này cũng đã tăng mạnh trở lại.

Mới đây, phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Phước Thanh đã trả lời báo chí về những động thái mới trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo đó, OCeanbank và GPBank có thể là những trường hợp tiếp theo được xử lý bằng cách quốc hữu hóa như VNCB.

Trong một bản tin hàng ngày của CTCK HSC, các chuyên gia nhận xét, NHNN có vẻ muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2015, do đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng có khả năng sẽ được tăng lên. Điều này cũng giải thích vì sao NHNN muốn hoàn thành giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, để sau đó, các ngân hàng quốc doanh (là những ngân hàng sẽ M&A với các ngân hàng yếu kém hơn) có thể tập trung vào hoạt động tín dụng chủ chốt trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, việc giá dầu thế giới bắt đầu có tín hiệu và thông tin tích cực có thể đã khiến cho nhóm cổ phiếu dầu khí nhen nhóm tăng trở lại. Hầu hết các mã cổ phiếu như GAS, PVC, PVD, PVS, PVB… đều đã đi ngang tích lũy và hơi hướng tăng điểm nhẹ trong thời gian qua.

Cổ phiếu nổi bật trong tuần qua cổ phiếu là AVF của CTCP Việt An (Thủy sản Việt An). AVF đã tăng trần liên tục cả 4 phiên trong tuần, đi từ mức giá 1.100 đồng lên 1.400 đồng sau khi lao dốc 16 phiên sàn từ vùng giá 2.500 đồng. Tại mức giá đáy 1.000 đồng, cổ phiếu này luôn xuất hiện lượng cầu đột biến.

Thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu AVF có lẽ là việc sau khi lỗ khủng 892 tỷ đồng năm 2014 thì hiện tại công ty đã hợp tác với công ty tư vấn hoàn tất “Đề án tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2015 – 2019” để giúp công ty từng bước ổn định khắc phục khó khăn, khôi phục và đẩy mạnh lại hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra.

Biến động chỉ số và thanh khoản

Tuần giao dịch sau kỳ nghỉ Tết dài, VN-Index đã tăng 5,4 điểm tương đương với 0,92% so với điểm số trước kỳ nghỉ. Ngay ngày giao dịch đầu tiên, với tâm lý phấn khởi và lực đỡ từ các cổ phiếu lớn, chỉ số đã tăng 9,71 điểm. Trong ngày tiếp theo, khi chạm ngưỡng kháng cự 600, VN-Index đã chùn bước, giảm 4,3 điểm nhưng thanh khoản lại tăng vọt lên gần 1.700 tỷ đồng và là mức cao nhất trong tuần.

Cho đến khi kết thúc tuần, mốc 600 vẫn chưa được chinh phục nhưng thanh khoản đã tăng nhẹ so với tuần trước Tết. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình đạt gần 75,8 triệu cổ phiếu/ ngày tương đương 1.340 tỷ đồng/ngày – tăng 15,3% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị.

Picture 1

Diễn biến tương tự như VN-Index, HNX-Index tăng mạnh trong phiên đầu tuần rồi giảm ngay sau đó, đạt mức thanh khoản cao nhất tuần vào ngày 25/02. Chỉ số đã tăng 0,51 điểm trong tuần qua tương đương 0,6%, kết thúc tuần tại 85,77 điểm.

KLGD khớp lệnh trung bình của sàn HNX đạt hơn 38,4 triệu đơn vị/ngày – tăng 27% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt gần 486,1 tỷ/ngày – tăng 22,5%.

Picture 2

Giao dịch của khối ngoại

Trên sàn HOSE, giao dịch của khối ngoại là điểm tựa tâm lý cho thị trường trong tuần qua. Họ đã mua ròng liên tục 11 phiên. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng 435 tỷ đồng, trong đó vào ngày 25/02, họ mua 204,7 tỷ đồng.

Ngày 27/02 – ngày chốt số liệu cho kỳ đảo danh mục đầu tiên trong năm 2015 của quỹ FTSE Vietnam Vietnam Index, khối ngoại vẫn mua ròng 76,7 tỷ.

Picture 3

Tại đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là CTG (82 tỷ đồng), HAG (63,5 tỷ đồng), MWG (60 tỷ đồng), VIC (42,3 tỷ đồng). Họ bán ròng chủ yếu ở PVD (43 tỷ đồng), KDC (27,5 tỷ đồng), HPG (24,5 tỷ đồng), NBB (gần 23 tỷ đồng)...

Tại sàn Hà Nội, khối ngoại cũng mua ròng liên tục cả tuần, tạo thành chuỗi 6 phiên mua ròng liên tục. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng 61,2 tỷ đồng trên HNX, tập trung tại ngày 25/02 với giá trị gần 42 tỷ đồng.

Picture 4

Trên sàn này, họ mua ròng nhiều nhất là HUT (18 tỷ đồng), SHB (16 tỷ đồng), PLC (7,5 tỷ đồng), VCG (6 tỷ đồng)… trong khi bán ròng chủ yếu ở PVS (9,3 tỷ đồng), IVS (3 tỷ đồng), SDT (1,6 tỷ đồng)…

>> OceanBank và GPBank sẽ là trường hợp tiếp theo được quốc hữu hóa như VNCB?

Hải Long

Minh Trang

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên