Chững lại trong năm 2014, Doanh nghiệp săm lốp vẫn có cơ hội tăng trưởng 2015
Năm 2014, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm đáng kể, tuy nhiên nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đang tăng trưởng chững lại. Tuy vậy, ngành săm lốp vẫn có rất nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm 2015.
- 05-03-2015Dự kiến giá cao su giảm sâu, Cao su Phước Hòa dè dặt lên chỉ tiêu lãi 116 tỷ đồng cho năm 2015
- 03-03-2015Giá cao su xuất khẩu giảm hơn 31%
- 17-02-2015VHG: Quý 4 lãi ròng 12 tỷ đồng, "âm thầm" nắm giữ cổ phiếu Casumina
Tăng trưởng chững lại trong năm 2014
Tiếp nối đà giảm giá từ năm 2011, giá mủ cao su tiếp tục sụt giảm trong năm 2014 và đây là tin tức khá tốt cho các doanh nghiệp sản xuất săm lốp khi mà mủ cao su tự nhiên là nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 35% giá thành của các công ty săm lốp.
Tuy nhiên, năm 2014 lại cho thấy sự chững lại của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đang niêm yết mặc dù giá nguyên liệu đầu vào là cao su thiên nhiên đã giảm đáng kể.
Có thể thấy rằng doanh thu của các doanh nghiệp đang niêm yết trong năm qua có sự tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng này đã chậm đi khá nhiều nếu so với những năm trước đó. Casumina (CSM), Cao su Sao Vàng (SRC) gần như đứng yên về tăng trưởng doanh thu, chỉ tăng nhẹ 1% so với năm 2013. Chỉ có Cao su Đà Nẵng (DRC) là đạt doanh thu tích cực nhất với hơn 3.251 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2013.
Đóng góp lớn vào doanh thu của DRC là việc nhà máy sản xuất lốp Radial đã đi vào vận hành từ cuối năm 2013, qua đó giúp doanh thu của công ty trong năm 2014 cải thiện đáng kể. Trong khi đó, CSM mặc dù hoàn thành nhà máy Radial nhưng chỉ thực sự bắt đầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất từ quý 4/2014 nên doanh thu cả năm nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm trước đó.
Tuy nhiên, lợi nhuận của 2 doanh nghiệp sản xuất lốp Radial này lại sụt giảm so với năm 2013 mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm khá mạnh trong năm. Nguyên nhân lớn xuất phát từ việc chi phí lãi vay cho việc xây dựng nhà máy Radial tăng mạnh trong năm. Ngoài ra việc đẩy mạnh bán hàng cũng dẫn tới chi phí bán hàng tăng so với cùng kỳ dẫn tới LNST của 2 doanh nghiệp này giảm so với năm 2013.
Khác với 2 doanh nghiệp trên, SRC vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lốp Bias. Năm 2014, công ty vẫn duy trì lợi nhuận khá tốt, đạt 68,76 tỷ, tăng 5% so với năm 2013. Với việc tận dụng giá mủ cao su giảm và lãi vay giảm một nửa trong kỳ nên SRC đã đạt được kết quả kinh doanh khá tích cực.
Thị phần ngành săm lốp trong nước hiện chủ yếu thuộc về 3 doanh nghiệp đang niêm yết. Trong đó CSM đang nắm giữ thị phần cao nhất (33%). Tiếp theo là DRC (25%), SRC (10%) và còn lại thuộc về các doanh nghiệp như BridgeStone, Micheline, Kumho, Yokohama….
VHG và tham vọng chiếm lĩnh ngành cao su
Trong năm 2014, bên cạnh việc mở rộng hoạt động sản xuất cao su tự nhiên, CTCP đầu tư cao su Quảng Nam (VHG) cũng đã lấn sân sang lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cao su với việc thực hiện việc mua cổ phần tại các doanh nghiệp sản xuất săm lốp.
Tại thời điểm cuối năm 2014, VHG đã nắm giữ cổ phiếu Cao su Sao Vàng (SRC) với giá trị ghi sổ 120 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3,6 triệu cổ phiếu SRC. Như vậy, VHG đã sở hữu 20% cổ phần tại SRC và là cổ đông lớn thứ 2 tại SRC sau Tập đoàn hóa chất Việt Nam.
Ngoài ra, theo báo cáo tài chính quý 4/2014, ở khoản mục đầu tư dài hạn khác cho thấy VHG đã “âm thầm” nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu CSM với trị giá lên tới 54,7 tỷ đồng. Trong quý 4/2014, giá cổ phiếu CSM dao động trong khoảng 40.000đ- 47.000đ. Như vậy VHG đang nắm giữ khoảng 1,16- 1,36 triệu cổ phiếu CSM.
CSM và SRC là 2 doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất săm lốp trong nước. Việc bất ngờ mua cổ phần của 2 doanh nghiệp này là bước đi tham vọng của VHG trong việc khẳng định vị thế trong ngành cao su và cho thấy sức hấp dẫn của ngành sản xuất săm lốp.
Triển vọng ngành săm lốp 2015
(1) Giá cao su trong xu thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp. Mặc dù đã có những tín hiệu phục hồi về giá trong những tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì khả năng năm 2015, giá cao su sẽ tạo đáy và dần hồi phục chứ chưa thể tăng trưởng mạnh trở lại do cung vẫn lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi dẫn đến sức tiêu thụ nguyên liệu cao su thấp.. Do vậy, giá mủ cao su được dự báo sẽ vẫn còn duy trì ở mức thấp trong năm 2015.
(2) Tiềm năng từ lốp Radial. 2014 là năm mà 2 doanh nghiệp DRC, CSM đã chính thức vận hành nhà máy sản xuất lốp Radial với công suất lần lượt 300.000 và 350.000 lốp/năm. Trước khi 2 nhà máy này đi vào hoạt động, lốp Radial tại Việt Nam 100% là nhập khẩu. Hiện tại mới chỉ có 10% lượng xe trong nước sử dụng loại lốp này trong khi tại các nước phát triển là 90%, cho thấy dư địa phát triển dòng sản phẩm này là rất lớn.
(3) Hưởng lợi nhờ quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ôtô trong nước
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do thủ tướng phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam sẽ phấn đấu đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dụng, phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất ô tô.
Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu nâng dần tỷ trọng xe sản xuất lắp ráp trong nước cho tới 2020, 2030. Do đó tạo ra dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước, đặc biệt là trong phân khúc lắp ráp mới và thay thế.
(4) Tiêu thụ xe ôtô dự kiến tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách. Tiêu thụ xe ô tô năm 2014 đạt gần 158 nghìn chiếc, tăng 43% so với năm 2013. Dự báo nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do hưởng lợi từ các chính sách như giảm phí trước bạ tại các tỉnh thành phố lớn (TP HCM, Hà Nội), thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm từ 60% xuống 50%. Theo lộ trình giảm thuế (Thông tư số 165/2014/TT-BTC), thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN tiếp tục giảm còn 40%, 30% và 0% từ 2016, 2017 và 2018. Ngoài ra, quy định về giới hạn tải trọng cũng sẽ được kỳ vọng làm tăng số lượng tiêu thụ ô tô, dẫn đến tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm săm lốp.
Hoàng Anh
Tài chính Plus