CK BSC: Năm 2014 đến lượt TTCK Việt Nam
Dự báo biến động thị trường trong năm 2014, BSC cho rằng xu thế tăng nhờ kỳ vọng từ cuối năm 2013 sẽ kéo dài đến hết quý 1/2014.
Theo BSC, dự báo TTCK có quá trình tăng điểm chậm nhưng chắc chắn, sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu và các ngành sẽ diễn ra mạnh mẽ, BSC đưa ra 3 kịch bản cho thị trường năm 2014 trong đó kịch bản lạc quan VN-Index sẽ đạt 600 điểm và kịch bản trung tính cho thị trường năm 2014 là 550 điểm.
Các “điểm tựa” cho sự lạc quan vào TTCK năm 2014 dựa trên các yếu tố vĩ mô cơ bản như (i) GDP năm 2014 được BSC dự báo tăng khoảng 5,7%-5,8% cao hơn mức tăng 5,4% của năm 2013; (ii) các chỉ tiêu sản xuất như PMI, IIP phụ hồi trở lại, Việt Nam đã xuất siêu năm thứ 2 liên tiếp; (iii) FDI năm 2014 dự kiên sẽ tiếp tục đà tăng của năm 2013, trong khi FII, ODA và kiều hối tăng mạnh; (iv), dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay, tỷ giá ổn đinh, (v) CPI thấp nhất trong 10 năm, lãi suất giảm về giai đoạn 2005-2006; (vi) thị trường chờ đón các chính sách mới như nới room, quỹ ETF..; (vii) kỳ vọng Việt Nam gia nhập TPP và ký các hiệp định FTA với EU, Nga trong năm 2013.
Diễn biến xuất nhập khẩu Việt Nam trong 7 năm trở lại đây (nguồn: BSC, GSO)
Theo nhận định của BSC, trong năm 2014 lạm phát được kỳ vọng khoảng 7-8%, nếu vấn đề giải quyết nợ xấu tiến triển tốt, rủi ro toàn hệ thống giảm xuống có thể kéo lãi suất cho vay giảm thêm khoảng 1-1,5% và từ đó có thể lãi suất huy động giảm nhẹ khoảng 0,5%-1%.
Diễn biến lãi suất 4 năm qua (Nguồn: BSC, Bloomberg)
Tuy nhiên theo BSC thị trường vẫn có lo ngại do việc mua xử lý nợ xấu ở thời điểm hiện tại vẫn chỉ là động tác kỹ thuật chuyển từ NHTM sang cho VAMC. Về bản chất để giải quyết dứt điểm nợ xấu cần có dòng tiền thật và do đó VAMC và các NHTM phải tiếp tục tái cơ cấu nợ hoặc bán được nợ cho các NĐT trong và ngòai nước. Điều đáng lưu ý là việc bán nợ cho NĐT nước ngoài sẽ gặp khó khăn do thiếu hành lang pháp lý.
Ngoài ra việc nâng trần bội chi lên 5,3% GDP trong năm 2014 có thể trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách.
Theo BSC, năm 2014 vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức, kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo hoàn toàn có thể quay lại mức tăng trưởng trên 6% trước đó.
Dự báo của BSC năm 2014
Quay trở lại với TTCK Việt Nam, theo BSC, P/E và P/B của Vn-Index đang ở mức hấp dẫn so với các nước trong khu vực, đạt lần lượt 12,6 và 1,77, kết quả kinh doanh cải thiện khiến mặt bằng P/E giảm khá nhanh. Nếu so sánh các nước trong khu vực thì P/E sàn HoSE rẻ thứ 5 trong số 20 thị trường theo dõi.
PE HSX rẻ thứ 5 trong 20 thị trường theo dõi
Dự báo biến động thị trường trong năm 2014, BSC cho rằng xu thế tăng nhờ kỳ vọng từ cuối năm 2013 sẽ kéo dài đến hết quý 1/2014. Quá trình điều chỉnh, kiểm định tâm lý thị trường sẽ diễn ra sau nửa quý II, diễn biến thị trưởng nửa sau năm 2014 sẽ phụ thuộc vào chuyển biến thực sự của nền kinh tế vĩ mô. Nếu các yếu tố hỗ trợ xuất hiện mạnh mẽ thì thị trường sẽ tăng trở lại vào nửa sau năm 2014.
Đây cũng được coi là giai đoạn tạo lập mặt bằng giá mới, định giá lại các cổ phiếu, quá trình vận động luân chuyển giữa nhóm cổ phiếu theo quy mô và ngành sẽ được dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2014.
BSC đưa ra 3 kịch bản lạc quan VN-Index đạt khoảng 600 điểm cuối năm 2014 (các biện pháp hỗ trợ thị trường được thực thi, Việt Nam gia nhập TPP, kinh tế phát triển..); kịch bản trung tính VN-Index đạt 550 điểm và kịch bản tiêu cực VN-Index đạt 500 điểm cuối năm 2014 (các chính sách hỗ trợ thị trường không được ban hành, kinh tế trì trệ, Việt Nam chưa gia nhập TPP và FTA với EU...).
Phương Mai
Trí Thức Trẻ