MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cổ đông tổ chức bán ra không có nghĩa là công ty có gì đó không ổn"

Trả lời của ông Thomas Lanyi, đại diện CDH Investment Advisory Pte Ltd. - cổ đông lớn vừa đăng ký bán cổ phiếu của Thế giới di động nhưng bất thành.

Trong 3 tháng trở lại đây, cùng với sự giảm giá tương đối rõ rệt của cổ phiếu MWG (Thế giới di động) – là hiện tượng bán ra của một số cổ đông lớn, cổ đông nội bộ công ty. Không ít nhà đầu tư hoài nghi về cổ phiếu đã từng một thời lừng lẫy. Từ mức giá xung quanh 85.000 đồng/cổ phiếu, sau 3 tháng, cổ phiếu MWG được giao dịch xung quanh mức 74.000 đồng/cổ phiếu – tức là mất đi gần 13% giá trị chỉ trong 1 quý. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện 2 quỹ hiện đang là cổ đông lớn tại MWG – đồng thời đang là thành viên HĐQT của công ty này xung quanh kế hoạch của các quỹ đối với khoản đầu tư vào Thế giới di động. Đó là ông Christopher E.Freund – đại diện Mekong Capital (quản lý quỹ MEF II) và ông Thomas Lanyi – đại diện CDH Investment Advisory Pte Ltd.

Xin chào ông Christopher E.Freund và ông Thomas Lanyi. Cảm ơn 2 ông đã nhận lời trao đổi với chúng tôi ngày hôm nay. Thưa ông Chris., có thông tin cho rằng, nhà đầu tư trong nước lo lắng vì các ‘ông lớn” như MEF II và CDH đang có kế hoạch bán ra số lượng cổ phiếu lớn, sẽ làm tăng đột biến lượng cung và giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Christopher E.Freund

Ông Christopher E.Freund: Quỹ MEF II của chúng tôi chỉ có ý định bán với giá cao hơn nhiều so với hiện tại. Chúng tôi tin rằng việc định giá MWG về P/E nên cao hơn chứ không giảm giá so với các công ty niêm yết khác có cùng quy mô. Vì vậy, chúng tôi sẽ không bán cho đến khi giá hồi phục đáng kể . Khi thực sự muốn bán, chúng tôi sẽ thông qua giao dịch bán “thỏa thuận” với khối lượng lớn cho các nhà đầu tư khác, vì thế chúng tôi tin rằng điều này sẽ không làm giảm giá cổ phiếu. Chúng tôi không nghĩ là sẽ bán bất cứ cổ phiếu vào hệ thống khớp lệnh trong thị trường chứng khoán.

Theo tôi được biết thì MEF II đang chuẩn bị thoái vốn hoàn toàn ở MWG. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về lộ trình này?

Ông Christopher E.Freund: MEF II đã đầu tư vào TGDĐ từ năm 2007 và thông thường sẽ giữ mỗi khoản đầu tư trong 5 năm. Nhưng TGDĐ được quản lý rất tốt và đang phát triển nhanh vì thế mà chúng tôi quyết định giữ nó lâu hơn. Tất nhiên MEF II cũng có vòng đời giới hạn và sẽ phải thoái vốn khỏi TGDĐ để có thể đóng quỹ, nhưng Ban điều hành của MEF II có ý định kéo dài thời gian hoạt động của MEF II 1-2 năm nữa, có nghĩa là chúng tôi có khả năng phải đến giữa năm 2017 hoặc giữa 2018 mới hoàn thành việc thoái vốn tại MWG . Chúng tôi sẽ bán khi chúng tôi nghĩ rằng giá trị là phù hợp, nhưng thời điểm hiện tại chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu TGDĐ đang thấp hơn nhiều so với giá trị.

Vừa qua CDH đã bán bất thành hơn 2 triệu cổ phiếu, ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của Quỹ với cổ phiếu MWG, ông sẽ vẫn bán ra hay sẽ chờ giá lên?

Ông Thomas Lanyi: CDH không vội vàng để bán cổ phần của mình tại TGDĐ. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của công ty và rất lạc quan về triển vọng hiện tại và tương lai của TGDĐ . Giá mục tiêu của chúng tôi cho TGDĐ là nhiều hơn đáng kể với giá thị trường, vì vậy chúng tôi không định bán MWG trong tương lai gần.

Mekong Capital đánh giá MWG là khoản đầu tư thành công nhất của họ. Với CDH, MWG có vai trò như thế nào thưa ông?

 

Ông Thomas Lanyi

Ông Thomas Lanyi: MWG cũng là khoản đầu tư thành công của chúng tôi. CDH luôn luôn là rất hài lòng với các hoạt động và hiệu suất tài chính của TGDĐ . Với sự tăng trưởng mạnh liên tục trong kinh doanh và sự công nhận về chất lượng của công ty từ các cổ đông , giá trị của TGDĐ đã tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Ông đã từng bảo rất tiếc đã thoái vốn quá sớm khỏi Masan Consumer, vậy Mekong Capital có ý định "tính chuyện lâu dài" với MWG hay không thưa ông khi nghị định 60 đang mở ra cơ hội nới room cho các nhà đầu tư ngoại?

Ông Christopher E.Freund: Nhiều lần chúng tôi đã bán các khoản đầu tư quá sớm. Nhiều doanh nghiệp hoạt động rất tốt sau khi chúng tôi đã thoái vốn. Một số ví dụ là Masan Food, ICP , Golden Gate và AA Corp. Tuy nhiên , chúng tôi đã giữ khoản đầu tư tại TGDĐ từ năm 2007 vì vậy tôi không nghĩ rằng sẽ có ai có thể nói rằng chúng tôi bán cổ phần TGDĐ quá sớm nếu chúng tôi hoàn thành việc thoái vốn vào năm 2016 hoặc 2017. Nhưng tôi hi vọng rằng TGDĐ vẫn sẽ phát triển tốt sau khi chúng tôi thoái vốn vì họ là một trong những doanh nghiệp có đội ngũ quản lý và văn hóa doanh nghiệp mạnh nhất tại Việt Nam.

Như vậy là MEF II sẽ thoái vốn khỏi TGDĐ trong vòng 2 năm tới. Xin hỏi ông đã có đối tác tiềm năng nào cho kế hoạch thoái vốn còn lại khỏi MWG chưa?

Ông Christopher E.Freund: Chúng tôi thường xuyên liên lạc với công ty chứng khoán đại diện cho các tổ chức đầu tư nước ngoài muốn mua số lượng lớn cổ phần từ chúng tôi, và các giao dịch này sẽ được giải quyết trong các giao dịch " thỏa thuận “. Đây là cách giao dịch mà chúng tôi sẽ thực hiện khi bán, nhưng chỉ khi giá cao hơn đáng kể so với mức hiện tại .

Sau một năm niêm yết, có vẻ tính thanh khoản của cổ phiếu MWG vẫn đang rất thấp, dưới kỳ vọng của các nhà đầu tư, ông lý giải sao về điều này?

Ông Thomas Lanyi: Những cổ đông sở hữu cổ phiếu TGDĐ đều yêu thích “câu chuyện kinh doanh” của họ nên đều không muốn bán. Đây cũng có thể xem là một “vấn đề tốt” trong cách nào đó. Giới hạn chủ sở hữu nước ngoài sẽ được nâng lên đáng kể sớm trong sự mong đợi của tôi, đó là cơ sở để tôi kỳ vọng vào mức thanh khoản của cổ phiếu này trong tương lai.

Không chỉ tính thanh khoản, ngay cả thị giá cổ phiếu MWG cũng liên tục giảm trong thời gian qua. Ông có chút lo lắng nào không, thưa ông?

Ông Thomas Lanyi: Chúng tôi rất thoải mái về điều này. Những lý do hầu hết đều là " cảm tính", hầu hết các cổ đông trong nước không chú ý đến các nguyên tắc cơ bản của công ty, nhưng lại đọc quá nhiều vào những “tin đồn” hoặc những hành động của cổ đông khác. Cổ đông tổ chức bán ra không có nghĩa là công ty có gì đó không ổn.

Có thể có chính sách yêu cầu giảm tỉ lệ sở hữa hoặc do nhu cầu thanh khoản (ví dụ như sự mua lại), hoặc họ có thể đã đạt mục tiêu lợi nhuận và đến lúc phải hoàn vốn. Thật không may , ở Việt Nam , các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang quá bị ảnh hưởng bởi các biểu đồ giá cổ phiếu, hay giá cổ phiếu tuyệt đối, hoặc những tin đồn trên thị trường ... mà điều đó làm ảnh hưởng đến sự phân tích của họ. Chúng tôi nhìn vào hoạt động của TGDĐ và tin rằng về lâu dài, giá cả cổ phiếu này sẽ phản ánh đúng sát hơn hoạt động của công ty.

Câu hỏi cuối xin được dành cho ông Chris: Vì sao Mekong Capital có khẩu vị là các doanh nghiệp chưa niêm yết (Private Equity)?

Ông Christopher E.Freund: Kể từ giữa những năm 90, số lượng các doanh nghiệp có thể đầu tư vào ngày càng nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân được thành lập bởi các doanh nhân, điều này rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư bên ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung vẫn chưa tạo được bước tiến đáng kể trong 20 năm qua và chưa thực sự hấp dẫn đầu tư. Khung pháp lý cũng đã được cải thiện, chẳng hạn như Luật Doanh Nghiệp và Luật Chứng Khoán, nhưng tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn của những doanh nghiệp nhà nước cũng như những DN cần có sự chấp thuận của nhà nước. Chính vì những lý do này mà chúng tôi thường đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp thuộc loại hình tư nhân.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên