MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có “gì” mà cổ phiếu này tăng gấp 4 lần trong quý 1?

Sự thay đổi vị trí trong Ban lãnh đạo và việc mua đi bán lại cổ phiếu của các thành viên HĐQT là một mô típ quen thuộc tại các công ty khai khoáng khi “đổi chủ”.

3 tháng nay, cổ phiếu SPI của CTCP Đá Spilit trở thành một hiện tượng trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu có mức giá rau dưa trà đá này đã tăng một mạch từ 2.000 đồng lên 7.500 đồng, tương ứng mức tăng 275% và được xếp vào top những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong quý 1/2016.


Diễn biến cổ phiếu SPI trong 3 tháng

Diễn biến cổ phiếu SPI trong 3 tháng

SPI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá với vốn điều lệ hơn 168 tỷ đồng. Mức vốn này đạt được sau nhiều lần sử dụng các phương pháp tăng vốn như sáp nhập, phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Đổi chủ và những giao dịch mua bán của các cổ đông nội bộ

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp trong ngành khai khoáng, đá Spilit chỉ duy trì được mức doanh thu thấp cùng tỷ suất sinh lời ít ỏi từ vài năm nay. Năm 2014, doanh thu sụt giảm 22% còn 9,7 tỷ và lợi nhuận ròng gần 670 triệu đồng. Sau những chiêu trò làm giá mà qua đó một cá nhân đã phải chịu phạt hành chính, giá cổ phiếu lao dốc và chìm liên miên tại mức giá bèo bọt. Website của công ty cũng đã ngừng cập nhật từ lâu.

Đến năm 2015, công ty này có nhiều sự thay đổi. Ông Nguyễn Đại Quyền trở thành Chủ tịch HĐQT thay cho bà Đỗ Thị Cẩm Thủy. Sau sự kiện này, các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đồng loạt bán ra khối lượng lớn cổ phiếu.

Nổi bật là giao dịch giữa cổ đông cá nhân Nguyễn Tiến Long và 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Đại Quyền và Đoàn Quốc Khánh. Ngày 26/8/2015, ông Long đã bán 7,6 triệu cổ phiếu SPI – tương đương hơn 60% vốn điều lệ cho ông Quyền (2,7 triệu cp) , ông Khánh (2,7 triệu cp) và một nhà đầu tư cá nhân có tên Đỗ Phan Tiến (gần 2,2 triệu cp).

Nhưng không lâu sau đó, cổ đông lớn Đỗ Phan Tiến đã bán đi hơn 2 triệu cp. 2 thành viên HĐQT nói trên cũng đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu nhưng Chủ tịch HĐQT chưa bán được. Theo đó, ông Nguyễn Đại Quyền vẫn là cổ đông lớn của SPI với số lượng sở hữu là 2,7 triệu cổ phiếu tương đương 16,06%.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2015, ông Đỗ Phan Tiến đang có khoản vay ngắn hạn đối với công ty là 12 tỷ đồng.

Vì sao cổ phiếu tăng?

Sự thay đổi vị trí trong Ban lãnh đạo và việc mua đi bán lại cổ phiếu của các thành viên HĐQT là một mô típ quen thuộc tại các công ty khai khoáng khi “đổi chủ”. Sau quá trình này luôn là một bức tranh sáng sủa hơn về kết quả kinh doanh và sự tăng giá không thể dự báo của cổ phiếu.

Quả thật, CTCP Đá Spilit đã công bố KQKD năm 2015 với doanh thu tăng đột biến: 72, 6 tỷ đồng – tăng 10 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, do doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý tăng mạnh nên cuối cùng, SPI chỉ lãi 591 triệu đồng – giảm 71 triệu so với năm trước.

Nhiều ý kiến nghi ngờ có bàn tay tác động vào giá cổ phiếu (như trong quá khứ) khi SPI là một cổ phiếu phù hợp với “kịch bản” đổi chủ nói trên.

Tuy nhiên, cũng có thể sự tăng giá đến từ việc công ty thay đổi Lãnh đạo, thay đổi đường lối chiến lược và nhà đầu tư kỳ vọng vào sự “lột xác”, thể hiện qua con số doanh thu tăng trưởng mạnh như trên. Và theo đó, cổ phiếu này đã hòa nhập vào con sóng cổ phiếu khai khoáng đầu năm 2016 như một lẽ tự nhiên.

Tới đây, SPI sẽ họp ĐHCĐ thường niên 2016. Liệu có thông tin nào bất ngờ được công bố để lý giải cho sự tăng giá này?

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên