Cổ phiếu chạy theo “sóng tiền tệ”
Chính sách tiền tệ của thế giới sẽ tác động như thế nào đến các CP đang được giao dịch trên TTCK Việt Nam?
- 09-03-2016Những cổ phiếu “bán là thua, mua là thắng” trong tháng Giêng
- 08-03-2016Cổ phiếu thép "bốc đầu" nhờ tin hỗ trợ, thanh khoản 2 sàn tiếp tục trên 3.000 tỷ
- 08-03-2016Giá cao su hồi phục, chọn cổ phiếu nào?
- 08-03-2016Lao vào sóng thần cổ phiếu dầu khí, đừng quên giá dầu đang gặp cản
- 07-03-2016Cổ phiếu càng được đánh giá cao thì càng...lỗ
Tháng 3-2016 trở nên nóng bỏng với hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới họp về chính sách tiền tệ. Trong đó, 3 “ông lớn” gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp ngày 10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) họp ngày 14 và 15, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) họp ngày 15 và 16, sẽ công bố chính sách tiền tệ của mình. Chính sách tiền tệ của thế giới sẽ tác động như thế nào đến các CP đang được giao dịch trên TTCK Việt Nam?
PPC - lướt sóng theo JPY
Giá CP CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ít chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như sản lượng điện, giá điện, mà liên quan đặc biệt với tỷ giá yen Nhật (JPY) so với USD. Nguyên nhân do nợ bằng ngoại tệ của PPC khá lớn, tính đến cuối năm 2015 khoảng 23,2 tỷ USD, tương đương 4.300 tỷ đồng.
Chỉ cần tỷ giá USD/JPY biến động 10%, khoản nợ của PPC sẽ biến động khoảng 200 tỷ đồng. Với khoản lợi nhuận gộp từ 450-500 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2015 (ngoại trừ năm 2013 và 2015 quanh mức 1.000 tỷ đồng), khoản biến động tỷ giá tạo ra sự thay đổi rất lớn trong lợi nhuận của PPC. Trong quá khứ, đỉnh điểm vào năm 2009, PPC còn bị lỗ vì JPY mất giá.
Biểu đồ 1 minh họa mối quan hệ giữa giá CP PPC với cặp tiền tệ USD/JPY. Khi USD/JPY tăng (JPY mất giá so với USD) sẽ khiến CP PPC tăng giá theo. Do Việt Nam thực hiện chính sách neo tỷ giá trong biên độ hẹp của VNĐ so với USD, nên khi JPY mất giá so với USD cũng đồng nghĩa mất giá với VNĐ.
Có thể nhận thấy từ khi đồng JPY mất giá mạnh vào cuối năm 2012, lúc Nhật Bản tung chính sách Abenomics, giá của CP PPC tăng vọt. Khi BOJ tung ra các gói QE vào tháng 4-2013 và tháng 10-2014 là những lần tỷ giá USD/JPY tăng mạnh, khiến giá CP PPC cũng tăng vọt theo. Tháng 7-2015 là bước ngoặt lớn đối với PPC, khi đồng JPY tăng giá trở lại khiến giá CP PPC sụp giảm mạnh. Quý III-2015 là giai đoạn giá CP PPC sụt giảm mạnh nhất khi lỗ hơn 200 tỷ đồng vì JPY mất giá.
Cuối tháng 1-2016, BOJ thông báo thực hiện chính sách lãi suất âm (NIRP). Về lý thuyết, điều này được BOJ kỳ vọng sẽ làm mất giá đồng JPY và kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Đồng JPY không có dấu hiệu mất giá mạnh như khi BOJ thực hiện các gói QE trước đây mà thậm chí còn tăng mạnh trong 3 lần vào giữa tháng 2. NIRP thực sự đang thất bại thảm hại. Vấn đề hiện nay là các trader (nhà giao dịch) không còn lòng tin vào khả năng can thiệp của BOJ trong vấn đề tiền tệ.
Ông Shinichiro Kadota, chiến lược gia ngoại hối của Barclays ở Tokyo, nói: “Khả năng hùng biện cũng như sự can thiệp thông qua việc nới lỏng định lượng chỉ tạo nên biến động lớn hơn trong tỷ giá nhưng không làm hạ giá đồng JPY”. Ông Kadota cũng cho rằng tỷ giá USD/JPY vẫn sẽ tiếp tục giảm bất kể sự can thiệp nào từ phía Tokyo. Đồng tình quan điểm này, ông Mohi-uddin, chiến lược gia tiền tệ của Royal Bank of Scotland Group tại Singapore, nói: “Trừ khi FED tăng lãi suất trở lại trong năm nay, còn không JPY vẫn tiếp tục tăng giá”.
Sở dĩ JPY tăng giá vì nhiều NĐT vẫn xem đồng tiền này là tài sản an toàn. Ngay cả khi USD được dự báo tăng giá mạnh với nhiều ngoại tệ khác trong thời gian tới, đồng bạc xanh vẫn yếu hơn so với JPY. Thực ra, sự tăng giá của JPY không chỉ làm suy yếu TTCK Nhật Bản mà cả TTCK toàn cầu, trong đó có Hoa Kỳ. Các nhà quan sát nhận thấy cặp USD/JPY có độ tương quan cao với SP500 vì chiến lược carry trade (kinh doanh chênh lệch giá).
Theo đó, khi JPY mất giá các trader sẽ bán ra để chuyển sang mua CK Hoa Kỳ hoặc các tài sản định danh bằng đồng USD. Ngược lại, khi JPY tăng giá, các trader bán CK Hoa Kỳ và USD để quay trở lại JPY. Ngân hàng Barclays, nhà giao dịch tiền tệ lớn thứ ba thế giới, dự báo tỷ giá USD/JPY vào cuối năm nay có thể về 95 so với 113 hiện nay (tức JPY sẽ tăng giá mạnh). Với kịch bản trên, PPC được dự báo còn tiếp tục suy giảm trong năm 2016.
HT1 chạy theo EUR
CTCP Xi Măng Hà Tiên (mã HT1) là một doanh nghiệp lớn trong ngành xi mặng Việt Nam. Mặc dù số dư nợ ngoại tệ bằng EUR của HT1 đã giảm xuống mức 69 triệu USD ở thời điểm cuối năm 2015 so với 116 triệu EUR (gần 1.700 tỷ đồng) trong giai đoạn 2009-2011, nhưng kết quả kinh doanh của HT1 vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tỷ giá EUR. Với dư nợ 1.700 tỷ đồng bằng EUR, chỉ cần đồng tiền này biến động 10%, kết quả kinh doanh của HT1 đã thay đổi 170 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận gộp của HT1 có biến động khá đều từ 1.300-1.600 tỷ đồng từ 2011-2015, sau khi trừ chi phí bán hàng và quản lý (300-500 tỷ đồng mỗi năm), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HT biến động từ 800-1.300 tỷ đồng. Do đó, tác động của sự biến đồng EUR đến HT1 tuy không phải là trọng yếu nhưng không hề nhỏ.
Trong 2 năm gần đây, giá HT1 vẫn biến động mạnh theo diễn biến của đồng EUR. Thí dụ, từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2015, khi tỷ giá EUR/USD giảm từ 1,4 xuống gần 1, giá HT1 tăng trưởng đột biến bởi đồng EUR mất giá đem lại khoản lợi tỷ giá cho HT1.
Nhiều điểm đảo chiều trong giá CP HT1 rất sát với các điểm đảo chiều trong cặp tỷ giá EUR/USD như ngày 25-8-2015, 18-11-2015 và gần đây là ngày 3-2-2016. Hôm nay (10-3), ECB sẽ có cuộc họp về chính sách tiền tệ và theo dự báo của Business Insider, khả năng ngân hàng này tiếp tục cắt giảm lãi suất trong vùng thêm 0,1% xuống mức -0,4%. Khả năng ECB cắt giảm thêm lãi suất cùng với số liệu việc làm phi nông nghiệp ở Hoa Kỳ tháng 2 tốt hơn dự báo mang lại kỳ vọng FED không tăng lãi suất trong tháng 3, nhưng đồng USD vẫn mạnh lên so với các tiền tệ khác.
Việc EUR có khả năng giảm giá so với USD trong thời gian tới có khả năng sẽ giúp CP HT1 có được sự hỗ trợ tích cực. Hoặc chí ít HT1 sẽ không bị giảm sâu nếu như TTCK Việt Nam giảm giá mạnh khi đồng USD mạnh lên.
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính