MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đa ngành và ẩn số tài sản

Bản thân thông tin bán tài sản thường được doanh nghiệp bảo mật khá kỹ, nên dù hấp dẫn nhưng để có thể xác định thời điểm xuất hiện cũng như định tính, định lượng thông tin lại là một bài toán quá khó.

Bán tài sản thu về tiền mặt, lợi nhuận là một trong những yếu tố có thể tạo nên sức bật cho doanh nghiệp, cho cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay. Mà về khoản này, thì những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, hoặc đầu tư tài chính vào nhiều lĩnh vực sẽ có nhiều lợi thế nhất.

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã công bố chủ trương bán các dự án thủy điện và bất động sản của mình. Thủy điện là một ngành có thể tạo ra lợi nhuận ổn định, trong khi các dự án bất động sản nếu đủ hấp dẫn và giá bán hợp lý cũng sẽ có người mua. Động thái bán ra sẽ giúp cho HAG thu về một khoản tiền mặt và có thể tái đầu tư vào các hoạt động khác. Cách đây chưa lâu, khi những thông tin về việc bán các khoản đầu tư của Gemadept (GMD) xuất hiện, người ta mới soi kỹ và thấy công ty có những khoản đầu tư rất tiềm năng, dù khác hẳn với ngành nghề truyền thống là logistic khai thác cảng biển của công ty.

Trong giai đoạn các công ty đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hiện nay, thông thái cơ cấu lại tài sản, các khoản đầu tư sẽ được triển khai mạnh. Ngược lại, bên mua cũng tranh thủ "săn" những tài sản với giá hợp lý qua đó đem về khoản đầu tư hấp dẫn. Lợi thế trước tiên khi doanh nghiệp bán tài sản chính là thu về được tiền mặt. Tiền mặt có thể dùng để trả nợ, qua đó giảm chi phí lãi vay, hoặc dùng số tiền đó để chuyển sang những khoản đầu tư phù hợp hơn.

Vậy nên, khi bán tài sản, hoặc các khoản đầu tư, thường doanh nghiệp và cổ phiếu có thể nhận được nhiều sự kỳ vọng của thị trường, thậm chí giá cổ phiếu có thể tăng.

Để xác định khả năng, xin nhấn mạnh là khả năng, bán các khoản đầu tư của doanh nghiệp không quá khó. Chẳng hạn, doanh nghiệp khát tiền mặt, có những khoản đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, động thái cơ cấu, trong đó có bán ra nhiều khả năng sẽ được thực hiện. Nhưng ở đây cũng cần xem xét đến hai yếu tố:

Thứ nhất, những khoản đầu tư hay tài sản của doanh nghiệp có thực sự hấp dẫn hay không. Các ngành nghề như hàng tiêu dùng, bảo hiểm, phân phối, thủy điện, y tế... thường thu hút nhiều sự quan tâm. Nhưng với các khoản đầu tư vào bất động sản, vận tải, tàu biển... thì cần phải xem xét lại. Bởi với những khoản đầu tư vào các lĩnh vực vừa nêu, cho dù doanh nghiệp có muốn bán và bán với giá rất rẻ thì người mua chưa chắc đã mặn mà, nên khả năng thành công trong tương lai gần cũng khó xảy ra.

Thứ hai, phụ thuộc vào "ý chí" của các doanh nghiệp trong vấn đề tái cấu trúc. Nếu đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra quyết tâm, có ý định mạnh tay xử lý các vấn đề tồn tại, thì có thể kỳ vọng hoạt động thoái vốn các khoản đầu tư, bán tài sản sớm diễn ra. Ngược lại, với các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nói cứng kiểu như khoản đầu tư còn rất tiềm năng, đợi qua khó khăn, hoặc không nói gì cả thì các nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng quá nhiều.

Một vấn đề quan trọng là thông thường liên quan đến vấn đề thông tin. Vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như bên mua không muốn công khai quá nhiều, hoặc doanh nghiệp không chia sẻ, thông tin liên quan đến việc bán tài sản của doanh nghiệp nhiều khi rơi vào trạng thái thiếu hụt. Muốn xác định rõ, nhà đầu tư sẽ phải đọc báo cáo tài chính để mổ xẻ và tìm ra xem doanh nghiệp lời lỗ thế nào, thu về được bao nhiêu tiền.

Cũng phải nói thêm rằng mỗi khi doanh nghiệp bán ra một khoản đầu tư, hay một tài sản tiềm năng thì cũng đồng nghĩa với việc bị "hụt" đi một phần giá trị của mình. Trong trường hợp, doanh nghiệp bán càng nhiều tài sản, thì lo ngại doanh nghiệp sẽ không còn gì để bán sẽ lại càng lớn. Quan trọng hơn cả, chính là việc sau khi thu về một lượng tiền mặt, doanh nghiệp sẽ sử dụng như thế nào? Có phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp hay không, các ngành nghề sắp đầu tư như thế nào?

Cũng chính vì điều này nên dẫn tới việc thị trường có thể có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau, nên không phải cứ cổ phiếu ra tin thanh lý tài sản mà giá lập tức đã tăng. Hoặc nếu có tăng, thì chỉ tăng trong một vài phiên, rồi lại ngưng, những ai lỡ đua theo rất dễ bị chôn vốn.

Bản thân thông tin bán tài sản thường được doanh nghiệp bảo mật khá kỹ, nên dù hấp dẫn nhưng để có thể xác định thời điểm xuất hiện cũng như định tính, định lượng thông tin lại là một bài toán quá khó. Vậy nên, nếu có đầu tư dựa trên các yếu tố này, nhà đầu tư cũng chỉ nên xem đó là một kênh tham khảo để đầu tư dài hạn thay vì chạy đua ngắn hạn.

Theo Khiêm An

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên