MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 27/5: TSC tăng hết biên độ, ACB dẫn đầu đà tăng nhóm ngân hàng

Không phải VCB, BID hay CTG, ACB mới là cổ phiếu tăng mạnh nhất của nhóm ngân hàng trong vài phiên trở lại đây.

ACB: Tăng 500đ (2,9%) lên 18.000đ

Thông tin giao dịch:

Không phải VCB, BID hay CTG, ACB mới là gương mặt đáng chú ý nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch hôm nay với mức tăng khá mạnh 2,9% lên 18.000đ.

Thông thường, ACB không phải là cổ phiếu có biến động mạnh trong dòng ngân hàng. Tuy nhiên trong phiên giao dịch hôm nay, ACB đã có những tín hiệu hết sức tích cực. Trong phiên giao dịch buổi sáng và đầu giờ chiều, tín hiệu xuất hiện ở ACB là khá yếu và không có nhiêu điều đáng bàn.

Mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ 13h30’ trở đi, ACB cùng với một vài cổ phiếu ngân hàng khác bật tăng và kéo theo sự tăng điểm của thị trường. Trong khi các cổ phiếu khác chỉ bật tăng đôi chút rồi điều chỉnh thì ACB vẫn duy trì đà tăng đến hết phiên và chỉ kém mức giá cao nhất trong phiên 100đ.

Thanh khoản ACB đạt khá cao với hơn 830 nghìn đơn vị, tuy nhiên vẫn chỉ đạt xấp xỉ một nửa so với phiên đột biến trước đó.

Như vậy, ACB đã có 3 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp với mức tăng tổng cộng gần 12% và cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong những phiên giao dịch gần đây.

Thông tin đáng chú ý:

Theo KQKD quý 1 được công bố, tổng tài sản của ACB hơn 187 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối 2014. Tăng trưởng tín dụng đạt 2,47% với dư nợ cho vay 119.201 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,37% đạt 156.734 tỷ.

Tổng lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro quý 1 đạt 607 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Dự phòng của ngân hàng cũng tăng mạnh 45,3% lên 247 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế quý 1 như vậy còn 359 tỷ đồng và sau thuế là 281 tỷ đồng. So với quý 1/2014 thì lợi nhuận vẫn tăng gần 13%. ACB có tổng cộng 2.502 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,09% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với tỷ lệ 2,18% cuối năm 2014.

 

TSC: Tăng 1.400đ (Tăng trần) lên 21.900đ

Thông tin giao dịch:

Trong những phút đầu phiên giao dịch, diễn biến xảy ra tại TSC là không có quá nhiều điều đáng chú ý khi cổ phiếu này chủ yếu giao dịch giằng co quanh tham chiếu. Tuy nhiên, kể từ 10h trở đi, lực cầu vào cổ phiếu này khá dồn dập, mau chóng đẩy TSC tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, TSC đóng cửa tại mức giá trần 21.900đ, thậm chí còn dư mua hơn 50 nghìn đơn vị tại mức giá này. KLGD TSC cũng có có nhiều sự cải thiện với 1,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, gấp hơn 2 lần so với ngưỡng trung bình 20 phiên giao dịch gần đây. Khối ngoại mua vào khá nhiều TSC trong phiên giao dịch với hơn 300 nghìn đơn vị.

Như vậy sau nhịp giảm từ đỉnh 26.800đ đến nay, TSC đã tạm “ngừng rơi” khi cổ phiếu này giảm về vùng hỗ trợ tương ứng 20.500đ. Đây là vùng hooxc trợ khá vững cho TSC và nó tiếp tục phát huy tác dụng trong đợt giảm giá này của TSC.

Thông tin đáng chú ý:

Theo KQKD quý 1 được công bố, TSC đã ghi nhận 183 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng LNST; tăng mạnh so với con số 81 tỷ đồng doanh thu và 1,2 tỷ đồng cùng kỳ 2014.

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến diễn ra trên website: www.cafef.vn , Ông Phan Minh Sáng - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc của CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ đã chia sẻ Sau khi hợp tác với FIT, công ty đã tạm dừng nhập khẩu và phân phối phân bón mà hướng đến những thế mạnh riêng của TSC, đó là mạng lưới, hệ thống phân phối trong ngành. Cụ thể là tập trung phát triển mảng thực phẩm, tăng công suất West Food hiện tại; Củng cố và xây dựng Công ty Nông dược TSC thành Công ty mạnh trong ngành và phát triển mảng phân phối giống cho các thương hiệu lớn trên thế giới.

Theo ông Sáng, kết quả kinh doanh quý 2 thường sẽ tốt hơn do quý 1 bị ảnh hưởng bởi Tết, đây là đặc thù của ngành nông nghiệp. Lợi nhuận kế hoạch quý 2 thường tăng khoảng 40% so với quý 1.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên