MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngành nhựa đã bứt phá mạnh: Còn cơ hội tăng tiếp?

Triển vọng ngành tích cực cùng kỳ vọng vào hoạt động nới room đã giúp cổ phiếu nhựa tăng phi mã trong thời gian gần đây.

Không phải là nhóm cổ phiếu quá “hot” trên thị trường, tuy nhiên chỉ trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt cổ phiếu nhựa niêm yết đã có sự bứt phá khá mạnh như DNP (Nhựa Đồng Nai) tăng 67%, AAA (Nhựa An Phát) tăng 37%, RDP (Nhựa Rạng Đông) tăng 37%, NTP (Nhựa Tiền Phong) tăng 13%, BMP (Nhựa Bình Minh) tăng 11%.

Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng khi mà TTCK Việt Nam trong giai đoạn này gần như “giậm chân tại chỗ”.

Sự sụt giảm của giá dầu đã khiến giá nguyên liệu đầu vào (PVC, HDPE) giảm, qua đó giúp lợi nhuận đa số các doanh nghiệp ngành nhựa được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa trên thế giới gia tăng hay các hiệp định thương mại được ký kết (TPP, FTA…) đã mang lại những tác động tích cực tới ngành nhựa.

Điều này phần nào đã giải thích cho đà tăng “phi mã” của nhóm cổ phiếu nhựa trong giai đoạn vừa qua.

Đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp nhựa trong nước liên tục mở rộng quy mô sản xuất để gia tăng thị phần, đón đầu các hiệp định thương mại.

Có thể kể tới như trường hợp Nhựa An Phát khi công ty đang xây dựng, hoàn thiện 2 nhà máy số 6 (công suất 3.000 tấn/tháng) và số 7 (công suất 800 tấn/tháng) chuyên xuất khẩu sản phẩm túi nhựa sinh học và bao bì màng mỏng sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và Mỹ.

Dự kiến cả 2 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong năm nay và đưa tổng sản lượng của An Phát lên 80.000 tấn/năm, qua đó trở thành công ty sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á và vươn đến tầm thế giới.

Trong khi đó, Nhựa Bình Minh cũng đã đưa nhà máy tại Long An vào hoạt động từ cuối năm 2015 để đáp ứng mức tiêu thụ lớn trong nước.

Nhựa Tiền Phong cũng thông qua việc sáp nhập Nhựa Năm Sao, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy tại Miền Trung với công suất từ 10.000 - 15.000 tấn/năm.

Còn với Nhựa Đông Á (DAG), doanh nghiệp này cũng đưa nhà máy sản xuất tấm profile đi vào hoạt động trong năm 2015 với kỳ vọng đứng đầu lĩnh vực nhựa xây dựng và vật liệu quảng cáo.

Bên cạnh việc mở rộng nhà máy, các doanh nghiệp trong nước cũng tiến hành M&A để tăng cường năng lực, mở rộng thị phần như Nhựa An Phát nắm giữ 30% cổ phần Nhựa Bao Bì Vinh (VBC) hay Nhựa Đồng Nai (DNP) thâu tóm Nhựa Tân Phú (TPP)….

Hấp dẫn khối ngoại, kỳ vọng nới room

Trong các nhóm ngành sản xuất kinh doanh, nhựa là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất với nhà đầu tư nước ngoài.

Tập đoàn SCG (Thái Lan) hiện nắm giữ lần lượt 20% và 25% cổ phần tại 2 “ông lớn” ngành nhựa Việt Nam là Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong.

Chắc hẳn, nếu điều kiện cho phép, doanh nghiệp Thái Lan này sẽ không bỏ qua cơ hội gia tăng sở hữu.

Ngoài việc nắm giữ Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, SCG cũng đầu tư vào hàng loạt các doanh nghiệp khác như Bao bì nhựa Tín Thành, nhựa Minh Thái, Chemtech, Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina.

Không chỉ Thái Lan, các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng nhắm tới các doanh nghiệp nhựa Việt Nam như trường hợp Dongwon Systems Corporation đã mua Bao bì Minh Việt, Bao bì nhựa Tân Tiến hay Sagasiki mua Bao bì Goldsun…

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang khá quan tâm tới Nhựa An Phát và tại ĐHCĐ vừa tổ chức, doanh nghiệp đã thông qua việc nới room lên mức tối đa 100%.

“Ông lớn” Nhựa Bình Minh cũng từng không ít lần đánh tiếng về việc nới room và có lẽ điều này đã giúp cổ phiếu BMP tăng khá mạnh trong giai đoạn vừa qua khi mà câu chuyện nới room đang trở nên khá nóng.

Có thể thấy, đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu nhựa trong thời gian gần đây không chỉ đến từ KQKD tích cực mà còn bởi những kỳ vọng về dòng vốn đầu tư của khối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh những rào cản về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đã dần được gỡ bỏ.

Thanh khoản phù hợp với hoạt động đầu tư

Ngoài các yếu tố cơ bản trên thì thanh khoản cũng là một yếu tố đáng quan tâm với nhóm cổ phiếu nhựa.

Không giống các nhóm cổ phiếu bất động sản, tài chính, dầu khí... với thanh khoản hàng triệu đơn vị mỗi phiên, hầu hết các cổ phiếu ngành này nhựa như AAA, DAG, BMP, NTP... có thanh khoản vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Dù không quá cao nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia trên thị trường, mức thanh khoản này phù hợp cho hoạt động đầu tư bởi cổ phiếu không bị pha loãng quá mức.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên