MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu phòng thủ trỗi dậy

Thị trường vừa trải qua những khó khăn, thử thách vô cùng khắc nghiệt, nhưng nhóm cổ phiếu được xếp hạng về "phòng thủ" tốt nhất là cổ phiếu ngành dược vẫn khá ổn định và không có biến động mạnh.

Trong bối cảnh thị trường căng thẳng, nhóm cổ phiếu này cũng ít bị bán tháo, nếu có thì ngay lập tức lại hồi phục trở lại mà không quá lo ngại như những cổ phiếu khác. Đặc tính ổn định cao của nhóm cổ phiếu ngành dược đang bắt đầu trỗi đậy khi thị trường hồi phục trở lại.

Từ lâu, cổ phiếu ngành Dược được nhiều nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn như một nơi "trú bão" an toàn. Chỉ cần nhìn vào giá cổ phiếu của các công ty dược đang niêm yết trên thị trường chỉ bị điều chỉnh nhẹ vài phần trăm chứ không phải quá sốc như những cổ phiếu nóng.

Cổ phiếu phòng thủ tốt

Thực tế, các công ty dược đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao và ổn định nên các NĐT giá trị rất yêu thích và nắm giữ lâu dài. Đối với NĐT lướt sóng, họ sẽ không đủ kiên nhẫn nắm giữ lâu dài để chờ đợi đón nhận theo kiểu tăng giá từ từ của nhóm cổ phiếu này.

Đặc điểm của nhóm ngành Dược là sự ổn định về lợi nhuận, doanh thu và cổ tức do thuộc nhóm ngành thiết yếu và có sự tăng trưởng ổn định. Xét về quy mô, thị trường thuốc tân dược của Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hàng năm, chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 60% các loại thuốc cho nhu cầu nội địa. Với sự tăng trưởng kinh tế dần đi lên và dân số 90 triệu dân, tiềm năng thị trường là rất lớn.

Trên TTCK, giá cổ phiếu DN đã tăng mạnh mẽ lên mức cao nhưng vẫn giữ được sự ổn định hiếm có. Chẳng hạn, cổ phiếu của Công ty Dược Hậu Giang (DHG) vẫn giữ ở mức rất cao đã tăng trở lại lên 131.000 đồng/cổ phiếu sau khi bị sụt giảm về mức 110.000 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu khác vẫn giữ được mức giá khá tốt như Công ty Dược phẩm Imexpharm (IMP) 52.000 đồng/cổ phiếu, Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) 38.000 đồng/cổ phiếu, Công ty Dược Traphaco 75.000 đồng/cổ phiếu, Công ty Dược Cửu Long (DCL) 28.000 đồng/cổ phiếu...

Điều đó cho thấy mức độ sụt giảm của cổ phiếu ngành Dược cũng không lớn khi nhiều cổ phiếu chứng khoán, bất động sản sụt giảm tới 40 - 50% thì những cổ phiếu này vẫn duy trì vị thế ở mức cao.

Hiện các DN đang niêm yết cổ phiếu trên TTCK, chiếm khoảng 25 - 27% thị phần toàn ngành Dược, trong đó có nhiều tên tuổi lớn của ngành Dược như Dược Hậu Giang, Domesco Đồng Tháp, Imexpharm…

Các chuyên gia nhận định lĩnh vực dược phẩm ít bị ảnh hưởng bởi những vấn đề khác là do DN sản xuất mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, xét về cán cân cung - cầu hiện nay, cầu vẫn đang lớn hơn khả năng cung ứng của các DN trong nước, việc đáp ứng cầu vẫn phải dựa nhiều vào lượng thuốc nhập khẩu.

Thống kê kết quả kinh doanh quý I/2014 của các DN dược niêm yết cho thấy lợi nhuận vẫn ổn định. Riêng DHG luôn chiếm trên 50% tổng giá trị lợi nhuận ngành Dược niêm yết tạo ra.

Quý I/2014, Dược Hậu Giang tiếp tục chiếm vị trí độc tôn lợi nhuận khi lãi ròng đạt 118 tỷ đồng, chiếm 46% toàn ngành. Cổ phiếu TRA vẫn không bị sụt giảm khi lãi ròng quý I là 19 tỷ đồng, giảm 44% so với năm trước. Đối với TRA, doanh thu giảm mạnh 33%, chỉ đạt 290 tỷ đồng, là nguyên nhân chủ yếu kéo giảm lợi nhuận trong khi các loại chi phí đều giảm đáng kể.

Lợi nhuận tăng

Một số DN dược nhỏ có quy mô vốn chưa đến trăm tỷ như DCL, DHT lại có bước tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng qua quý đầu tiên của năm 2014.

Dược Cửu Long (DCL) đã tăng trưởng lợi nhuận lớn đạt 11,6 tỷ đồng, tăng trưởng 190% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý, doanh thu tăng 17%, giá vốn tăng 10% đã giúp lợi nhuận gộp tăng 32% so với quý I/2014 và đạt 60.4 tỷ đồng. Chi phí lãi vay giảm 6 tỷ đồng giúp lãi ròng công ty đột biến. Dược Hà Tây (DHT) cũng có lợi nhuận gần 6 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được nhờ doanh thu trong quý tăng 27%, đạt 213 tỷ đồng.

Còn dược phẩm OPC (OPC) cũng có bước tăng trưởng lợi nhuận lên gấp rưỡi, quý I vừa qua, DN ghi nhận doanh thu 173 tỷ đồng, tăng trưởng 30%; đây là yếu tố chủ yếu giúp lợi nhuận đạt 23,6 tỷ đồng, tăng 54% so với quý 1/2013. Các DN như Pharmedic (PMC), Vimedimex (VMD), Domesco (DMC) cùng tăng lợi nhuận trên 20%.

MKV, DHG, DMC, PMC đều là các DN có giá trị hàng tồn kho tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. VMD là DN có giá trị hàng tồn kho khủng nhất trong số các DN dược niêm yết trên sàn với 2.122 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng trị giá hàng tồn kho của ngành.

So với quý I/2013, con số hàng tồn kho của VMD đã tăng 8%, ứng với 165 tỷ đồng. VMD vốn là DN bán buôn chuyên xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm ngành y dược cho nên trong cơ cấu tổng tài sản 5,202 tỷ đồng, riêng hàng tồn kho chiếm 42% và khoản phải thu ngắn hạn 52%.

Ngược lại, tiền và tương đương tiền của 13 DN dược niêm yết trên sàn lại giảm nhẹ 9% và tổng giá trị ở mức 1.072 tỷ đồng. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của "ông vua tiền tươi" DHG. So với quý I/2013, tiền mặt của DN này đã giảm 42%, ứng với giá trị tuyệt đối hơn 300 tỷ đồng. Do vậy, nếu như quý I/2013, tiền của Dược Hậu Giang chiếm gần 2/3 tổng tiền toàn ngành thì quý này, tỷ trọng tiền của DHG chỉ còn chưa đến 50%.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên