Cổ phiếu Vận tải-Kho bãi tăng gấp 2 lần thị trường: Động lực từ đâu?
Chỉ số VS-Transport đã tăng trưởng 44% từ đầu năm, cao hơn gấp đôi so với mức tăng chỉ có 21% của VN-Index và thanh khoản cũng tăng vọt.
Theo thống kê của Vietstock, lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Vận tải-Kho bãi đạt 23,880 tỷ đồng, tăng nhẹ 9.8% so với 9T/2012. Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm ngành này cũng tăng 10.6% so với cùng kỳ 2012 và đạt 831.3 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số nhóm ngành Vận tải-Kho bãi (VS-Transport) đã tăng từ 43.96 điểm (02/1/2013) lên đến 63.67 điểm (26/11/2013), tương ứng với mức tăng trưởng 44.8%; cao hơn gấp đôi so với mức tăng chỉ có 21.7% của VN-Index trong cùng giai đoạn này.
Dòng tiền cũng đang có dấu hiệu đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu này khi tổng khối lượng giao dịch từ đầu năm đến nay đạt hơn 962 triệu đơn vị, tăng 29.3% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2012.
Hưởng lợi từ xu hướng tích cực thị trường
Giống như các nhóm cổ phiếu đầu cơ khác, từ đầu năm đến nay nhóm ngành Vận tải-Kho bãi được hưởng lợi không ít từ đà tăng điểm chung của thị trường.
Cụ thể, ở những giai đoạn chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh, chỉ số nhóm ngành Vận tải-Kho bãi cũng tăng mạnh tương ứng. Để có thể thấy rõ điều này, chúng ta cùng xem biểu đồ bên dưới.
Điển hình như giai đoạn từ đầu năm 2013 đến 18/02/2013, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh từ 418.35 (02/01/2013) lên 509.43 điểm (02/4/2013), tương ứng với mức tăng 21.8%. Theo xu hướng tích cực này, chỉ số ngành Vận tải-Kho bãi cũng tăng mạnh 33% từ 43.96 lên 58.52 điểm.
Do đó, không có gì bất ngờ khi chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã kéo theo chỉ số nhóm ngành Vận tải-Kho bãi tăng trưởng vượt bậc.
Dòng tiền chủ yếu chảy vào nhóm Vận tải đường thủy
Mặc dù thanh khoản của nhóm cổ phiếu Vận tải-Kho bãi tăng khá mạnh, tuy nhiên đích nhắm của dòng tiền chủ yếu là các mã cổ phiếu thuộc nhóm Vận tải đường thủy như GMD, PVT, VIP, VOS, VTO.
Có thể thấy rõ điều này khi từ đầu năm đến nay tổng khối lượng giao dịch của 5 mã cổ phiếu trên đạt tổng cộng 709 triệu đơn vị, chiếm tới 73.7% tổng khối lượng giao dịch của toàn nhóm ngành.
Việc dòng tiền đổ mạnh vào các mã cổ phiếu trên nhiều khả năng xuất phát từ kết quả hoạt động kinh doanh khả quan. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của chỉ 4 công ty GMD, PVT, VIP, VTO đạt tổng cộng 527.7 tỷ đồng, chiếm tới hơn 63% trong tổng số lợi nhuận của ngành Vận tải-Kho bãi.
Điển hình trong số này đó là PVT, lợi nhuận sau thuế của công ty này chín tháng đầu năm 2013 đạt 176 tỷ đồng, vượt gấp 4.5 lần so với kế hoạch đề ra cả năm là 39 tỷ đồng.
Theo giải trình của PVT, nguyên nhân chính giúp cho công ty này có kết quả kinh doanh khả quan là do mức lỗ tỷ giá hạch toán vào chi phí trong quý 2/2013 chỉ gần 29 tỷ đồng nhờ tỷ giá USD/VNĐ chỉ tăng 1% so với năm 2012, trong khi cùng kỳ phải ghi nhận đến 124 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của VTO cũng đạt 23.4 tỷ đồng, vượt 2.4 lần so với kế hoạch đề ra cả năm 2013 dù chỉ nhờ thanh lý tàu Petrolimex 04. Tương tự, VIP cũng có lợi nhuận đột biến khi chuyển nhượng tài sản và đất thuê tại Cảng Container Đình Vũ, Hải Phòng.
Trong khi đó, GMD vẫn duy trì được lợi nhuận tích cực với 166 tỷ đồng, cùng với kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ việc bán tòa nhà Gemadept.
Kết luận: Động lực tăng trưởng chính của nhóm Vận tải-Kho bãi chủ yếu dựa vào 4 mã cổ phiếu là PVT, GMD, VIP, VTO, trong khi các mã cổ phiếu còn lại vẫn khá trầm lắng.Đáng chú ý là tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty nói trên vẫn chưa thật sự khả quan khi lợi nhuận đột biến chủ yếu xuất phát từ lợi nhuận bất thường như bán tàu hoặc hoạch toán chênh lệch tỷ giá. Có thể thấy tình hình hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nhóm ngành Vận tải-Kho bãi vẫn chưa khả quan trở lại.
Theo Hữu Trọng
Công lý