MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán… ăn vốn!

Theo khảo sát, ngoài SSI, 3 CTCK niêm yêt trên sàn là BVS, KLS và HPC có thể có kết quả kinh doanh cuối năm không mấy khả quan.

Những dự báo không khả quan

Ba CTCK niêm yết là BVSC, HPC, KLS có thể sẽ đưa ra những con số lợi nhuận âm lớn hơn rất nhiều so với những con số đã công bố 9 tháng đầu năm.

Với nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2008 của BVSC là 1.221 tỷ đồng, KLS là 1.036 tỷ đồng, HPC là 419 tỷ đồng, các công ty này đều có dự kiến khoản lỗ khoảng 30 - 40% vốn chủ sở hữu.

Nguồn tin tại HPC cho biết, nếu không cơ cấu lại danh mục và TTCK tiếp tục suy giảm như hiện nay, khoản lỗ của Công ty thậm chí có thể lên trên 100 tỷ đồng và tương tự, tại BVSC, con số này có thể lên tới trên 450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản lỗ này đều do việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính gây nên và hoàn toàn có thể thay đổi, nếu các công ty hiện thực hóa lợi nhuận của một số khoản đầu tư sinh lời hoặc khi VN-Index tăng điểm.

Con số dự đoán trên có thể gây bất ngờ, bởi báo cáo tài chính quý III/2008, số lỗ công bố thấp hơn rất nhiều, thậm chí của KLS là lãi 3,7 tỷ đồng. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9/2008, VN-Index là 456,7 điểm, thì tính lũy kế 9 tháng đầu năm, BVSC lỗ gần 297 tỷ đồng, HPC lỗ hơn 85 tỷ đồng, KLS lãi 3,7 tỷ đồng (trong thuyết minh BCTC 9 tháng của KLS ghi chưa trích lập dự phòng), SSI lãi 233,5 tỷ đồng.

Như vậy, khi hiện tại VN-Index chỉ khoảng 300 điểm, tức là giảm khoảng 25% so với cuối quý III thì với tổng giá trị đầu tư tài chính ngắn và dài hạn trên 1.050 tỷ đồng của BVSC, 614 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn của KLS và gần 300 tỷ đồng đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn của HPC, thì việc tăng thêm khoản trích lập dự phòng cũng là điều khó tránh khỏi.

Ngày 10/12, báo giới đã trao đổi với ông Phạm Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc KLS về con số dự báo này, ông Thành cho biết:

“Đến thời điểm này, do chưa hết năm nên chúng tôi chưa tổng kết được số liệu cuối cùng. Tuy nhiên, với đà suy giảm liên tục của thị trường, KLS xác định phải cơ cấu lại danh mục đầu tư và đã tiến hành bán cắt lỗ trước khi VN-Index rơi về mức 320 điểm, hiện KLS đã thu về một lượng lớn tiền mặt để chờ cơ hội đầu tư mới. Vì vậy, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm nay dự báo không khả quan”.

Mặc dù vậy, thông tin từ SSI lại cho thấy một bức tranh sáng sủa hơn. Dù không đạt được lợi nhuận khổng lồ như các năm trước đây, nhưng SSI cũng đưa ra con số dự kiến lợi nhuận khá sáng sủa là khoảng từ 300 - 400 tỷ đồng, nếu VN-Index vẫn duy trì ở mức 300 điểm.

Bức tranh chung…

Kể cả khi đã trừ đi khoản lỗ dự kiến ở trên, cả 3 CTCK này vẫn còn dư ra một nguồn vốn chủ sở hữu không nhỏ, do đó họ còn cơ hội để tồn tại và phát triển do tiềm lực tài chính lớn. Đây cũng là lợi thế của khá nhiều CTCK lớn, hoặc đã phát hành cổ phần tăng vốn giai đoạn trước với giá cao.

Nhưng đó chỉ là một mảng sáng trong bức tranh màu xám của ngành chứng khoán Việt Nam năm 2008. Như chúng ta đã biết, giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt CTCK. Như vậy, xác suất để các công ty này giải ngân vốn tự doanh vào giai đoạn VN-Index xấp xỉ 1.000 điểm là tương đối lớn.

So với thời điểm bây giờ, VN-Index là 300 điểm, thì tính bình quân, mức thua lỗ của các CTCK nếu không chịu “vào - ra” sẽ là khoảng 70%. Điều này lý giải tại sao không ít quỹ đầu tư nước ngoài năm nay phải báo cáo con số lỗ khoảng 50% - 60%.

Các CTCK sẽ may mắn hơn vì họ có thể giao dịch liên tục, nên phần trăm lỗ của danh mục đầu tư thấp hơn. Và thêm một may mắn của các CTCK là họ không dùng toàn bộ số tiền đã có để đầu tư (tất nhiên có không ít công ty cũng huy động vốn vay để tự doanh), nên khoản lỗ bình quân sẽ rơi vào khoảng 30% - 40% vốn chủ sở hữu.

Tuy đây không phải là kết cục chung của tất cả các CTCK, vì nhiều CTCK không chú trọng tự doanh hoặc chuyển kinh doanh trái phiếu, đầu tư…, chưa kể những CTCK đã nhạy bén rút ra khỏi thị trường do dự đoán đúng xu hướng điều chỉnh giảm, nhưng điều này có thể giải thích lý do tại sao nhiều CTCK phải cắt giảm nhân sự và hoạt động co cụm, vì chẳng CTCK nào có thể sống bằng nghiệp vụ môi giới trong năm vừa qua.

… Và tương lai các CTCK

Với mức thua lỗ hiện nay, NĐT không mặn mà với việc bỏ thêm vốn vào các CTCK, trong khi đây là giai đoạn các CTCK cần vốn mới để bắt đáy thị trường. Những trường hợp tăng vốn như tại Kengana, ABS… có lẽ là ao ước của không ít CTCK.

Thiếu tiền, doanh thu giảm và tự doanh thua lỗ khiến nhiều CTCK đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán rằng, báo cáo không khả quan của các CTCK cuối năm 2008 sẽ là tiền đề quan trọng cho các cuộc sáp nhập, giải thể hoặc thâu tóm và đây là cơ hội tốt cho những CTCK có tiềm lực tài chính mạnh hoặc đã hoạt động lâu năm.

Báo cáo của HSBC tháng 12/2008 cho rằng, lạm phát sẽ lên đến đỉnh điểm vào quý II/2009 trước khi nền kinh tế thực sự phục hồi, nhưng không ít ý kiến lại cho rằng, phải sau quý II/2009 thì TTCK mới có thể có dấu hiệu đi lên bền vững. Và nhà ĐTNN tổ chức lớn sẽ tăng vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam khoảng sau 2 năm nữa, tức là vào giai đoạn 2010.

Điều này cũng có nghĩa là, các CTCK sẽ phải chuẩn bị tinh thần lên dây cót cho những năm khó khăn sắp tới.

Nhưng không phải vì thế mà cổ phiếu các CTCK đã mất hấp dẫn. Ngay trong năm khó khăn này, một số CTCK cũng vẫn công bố kết quả kinh doanh có lãi như: SHS, Agriseco…

Với SSI, dù kế hoạch mở rộng chi nhánh, văn phòng đại diện có tạm ngưng lại, dẫn đến việc giảm nhân sự khoảng 10% so với giai đoạn trước, thì Công ty vẫn thể hiện rõ đẳng cấp của một CTCK mạnh với việc đưa ra con số dự báo lãi ấn tượng và không ngừng mở rộng các nghiệp vụ liên quan đến chứng khoán và công tác thu hút nhân tài.

Hai CTCK niêm yết là BVSC và KLS cũng không cắt giảm nhân sự và giảm lương, thậm chí KLS còn tiếp tục tuyển thêm lao động mới giai đoạn mấy tháng gần đây.

Ông Thành cho biết rằng, sở dĩ KLS tuyển dụng mới trong lúc các CTCK cắt giảm nhân sự là vì Công ty đang tiếp tục phát triển các nghiệp vụ mới. “Nếu cứ cắt giảm thì khi TTCK đi lên, không lẽ đến lúc đó mới tuyển người, để lỡ hết cơ hội?”, ông Thành nói. Có lẽ đây cũng là quan điểm của không ít đơn vị có tầm nhìn như VCBS, Agriseco, SHS…

Với tình hình như vậy, thì NĐT có thể yên tâm về cơ hội kiếm lời của các CTCK lớn trong năm sau, vì VN-Index 300 điểm có thể đã nằm trong khoảng an toàn và chấp nhận được cho các khoản giải ngân mới.

Theo ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên