MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty Chứng khoán: Còn khỏe chán

Dù quá trình thanh lọc có tiếp tục trong năm nay thì số lượng các công ty chứng khoán vẫn khó có thể giảm dưới con số 60.

Hàng loạt công ty chứng khoán bị đình chỉ, thậm chí chấp nhận rút lui trong năm qua. Nhưng nếu nhìn kỹ, sự thanh lọc này chưa đến mức mạnh mẽ như nhiều người dự đoán.

Nhỏ vẫn có đường sống

Không khó để thấy rằng, nhiều công ty chứng khoán đã phải quy hàng trước tình trạng thị trường không mấy sáng sủa như năm 2012. Điểm lại sẽ thấy có ít nhất 3 công ty bị đình chỉ là Trường Sơn, Hà Nội và Cao Su, 3 công ty tự nguyện rút lui là Âu Việt (AVS), An Phát (APG), Sao Việt (VSSC). Bên cạnh đó cũng có hàng chục công ty rút nghiệp vụ môi giới. Nhưng suy cho cùng, số thành viên chấp nhận rời khỏi cuộc chơi không nhiều, chỉ khoảng 10% tổng số. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán, đến cuối năm 2012, thị trường còn khoảng 105 Công ty Chứng khoán.

Trong các trường hợp trên, bất ngờ nhất là trường hợp của AVS. Mặc dù lỗ 2 năm liên tiếp nhưng rõ ràng, các chỉ số tài chính của AVS vẫn tốt hơn rất nhiều đồng nghiệp khác. Đến cuối năm 2012, ngoài tỉ lệ an toàn vốn đạt gần 250% (gần gấp đôi tỉ lệ quy định), tiền mặt sau khi trừ nợ (10 tỉ đồng) của AVS còn đến 160 tỉ đồng. Trong khi đó, hàng chục công ty khác rút luôn nghiệp vụ môi giới nhưng vẫn quyết bám thị trường.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHBS), sở dĩ như vậy là vì các công ty chứng khoán nhỏ hiện nay sống nhờ chủ yếu 2 nghiệp vụ môi giới và tự doanh. Thị trường năm 2012 tốt hơn năm 2011 và đang theo xu hướng tăng trở lại trong những ngày đầu năm 2013. Đây là cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận cho 2 mảng này.

Dịch vụ cho vay ký quỹ (margin) là hoạt động chủ lực mang lại lợi nhuận trong mảng môi giới. Khi thị trường tăng trở lại, bản chất nhạy bén trong việc cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng của các công ty chứng khoán nhỏ sẽ giúp họ có nguồn lợi nhuận nhất định. Trong khi nguồn tiền đi vay để margin cũng chịu lãi suất thấp hơn năm 2012 nên rủi ro cũng ít hơn.

Mảng tự doanh cũng không quá khó khăn mang về lợi nhuận trong xu hướng tăng điểm hiện nay. Đáng kể là khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá cổ phiếu. Không ít công ty có lãi nhờ khoản này. Chứng khoán An Phát (APG) được hoàn nhập 15 tỉ đồng sau 6 tháng năm 2012 nên lãi hơn 5 tỉ đồng, còn Chứng khoán Techcombank nhờ hoàn nhập 25 tỉ đồng nên nâng lợi nhuận lên 80 tỉ đồng.

Trong cơn hứng khởi tăng điểm đầu năm 2013, các công ty nhỏ vẫn kỳ vọng nhiều từ mảng tự doanh. Chi phí hoạt động mỗi tháng ở một công ty nhỏ là khoảng 1 tỉ đồng/tháng. Nếu mảng tự doanh kiếm được đủ khoản này thì có thể yên tâm hoạt động mà chờ cơ hội lớn hơn. Ông Lân cho biết, trong cơn sóng tăng đầu năm, một số công ty chứng khoán nhỏ đã kiếm được khoản lợi nhuận giúp họ sống được gần cả năm nhờ tự doanh.

“Có bao nhiêu ngân hàng thì còn ít nhất bấy nhiêu công ty chứng khoán”, ông Lân đánh giá. Cùng với các công ty chứng khoán con của tập đoàn tư nhân và các công ty chứng khoán tư nhân, thì theo ông Lân, dù có thanh lọc nhưng con số còn lại chí ít cũng khoảng 60-70 công ty.

Theo ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKS), ở các thị trường chứng khoán phát triển, Công ty Chứng khoán chỉ hoạt động với 2 nghiệp vụ chính là Môi giới và Ngân hàng Đầu tư (IB). Mảng tự doanh gần như không có. Ở Việt Nam, mảng môi giới do chịu chi phí và thời gian đầu tư lớn nên không có nhiều Công ty mặn mà chú trọng. Nhưng không có môi giới thì không còn là công ty chứng khoán. Vì vậy, theo ông Tâm, thị trường sẽ tiếp tục thanh lọc đến khi nào công ty chứng khoán sống được bằng mảng môi giới thì thôi.

Nếu các công ty chứng khoán nhỏ vẫn quyết bám trụ với thị trường bằng hi vọng ở 2 mảng môi giới và tự doanh, thì một số công ty chứng khoán lớn lại có chiến lược khác.

Lâu nay MBKS vẫn tập trung chủ yếu cho môi giới, đây cũng là hướng phát triển chủ đạo trong năm 2013. Năm rồi, MBKS đạt lợi nhuận trước thuế hơn 23 tỉ đồng, chủ yếu là từ mảng này. Năm nay, Công ty còn muốn phát triển thêm mảng IB nhờ tận dụng lợi thế khách hàng của ngân hàng mẹ là Maybank. Mục tiêu lợi nhuận và doanh thu chưa được ông Tâm, Tổng Giám đốc tiết lộ. Nhưng ông cho biết, kế hoạch vẫn là thận trọng.

Cùng quan điểm này, Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm rồi. “Có lẽ chúng tôi sẽ xem xét đặt chỉ tiêu bằng năm trước”, ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc HSC chia sẻ. Môi giới và IB là 2 mảng chủ lực sẽ được tiếp tục đầu tư dù không mang lại nhiều lợi nhuận cho Công ty. Cụ thể với IB, HSC hướng đến khả năng đầu tư để cơ cấu doanh nghiệp và bán lại.

2 cái khó

Môi giới và IB thì công ty chứng khoán nào cũng muốn phát triển nhưng còn nhiều cái khó. Thị phần môi giới đã bị top 10 công ty chiếm hơn 60% và rất khó cạnh tranh vì rất tốn chi phí. Với IB, sự tiếp nhận dịch vụ này của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Do đó Công ty Chứng khoán bắt buộc phải phát triển tự doanh để tìm kiếm lợi nhuận. Và về lâu dài, không tránh khỏi những xung đột lợi ích với khách hàng.

Ông Hoàng Thạch Lân cho rằng, mảng tự doanh và môi giới về cơ bản luôn tồn tại xung đột lợi ích khi nằm trong một công ty chứng khoán. Chuyện nhân viên tự doanh mua trước hay bán trước khách hàng là có thật. Bởi suy cho cùng, dù có quy định ngăn chặn nhưng không thể kiểm soát được nhân viên cả ngày. Vấn đề này đến nay vẫn chỉ tùy thuộc vào đạo đức kinh doanh và cam kết của Công ty Chứng khoán với khách hàng mà thôi.

Còn ở HSC, ông Johan cho biết Công ty đã thuê một công ty kiểm toán uy tín trên thế giới giúp HSC xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro. “Chúng tôi cố ý làm đúng từ đầu”, ông cho biết.

Cái khó thứ hai với các công ty chứng khoán hiện nay là việc còn tồn tại tài khoản tổng, tức tiền của nhà đầu tư và công ty chứng khoán vẫn nằm chung trong một tài khoản. Ông Jahan, Tổng Giám đốc HSC, thừa nhận chuyện thất thoát tài sản của nhà đầu tư là có trong thời gian qua. Vì vậy, HSC đã xây dựng 2 tài khoản tách bạch và cho nhà đầu tư lựa chọn. Nhưng ở HSC hiện nay, nhà đầu tư vẫn chủ yếu chọn tài khoản tổng.

Với quan điểm ủng hộ tài khoản tách bạch, nhưng ông Johan lo rằng các hệ thống giữa Công ty Chứng khoán và Ngân hàng không khớp, gây ảnh hưởng đến Công ty Chứng khoán. Chẳng hạn HSC có thể dựa trên số tiền nhà đầu tư có tại ngân hàng để tính toán tỉ lệ cho các dịch vụ. Nhưng nếu họ rút tiền ở ngân hàng mà HSC chưa biết thì Công ty bị thiệt. Vả lại hiện nay cơ quan quản lí chưa đưa ra các quy định chi tiết, người đi trước cũng chẳng có quyền lợi gì rõ ràng, ông nói thêm.

Hiện nay mới có chừng 20% số đơn vị thực hiện mở 2 tài khoản tách bạch là MBKS, Chứng khoán Đông Á (DAS), Rồng Việt (VDS), An Bình (ABS)... trong khi quy định này đã có từ cuối năm 2008. Về việc này, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, tài khoản tổng luôn có lợi cho công ty chứng khoán. Mấu chốt nằm ở chỗ công ty chứng khoán có thể hưởng lợi từ phần lãi suất chênh lệch khi họ gửi giúp tiền nhà đầu tư vào ngân hàng và lãi suất không kỳ hạn họ trả cho nhà đầu tư. Gửi nhiều luôn được lãi suất cao hơn khi gửi ít.

Theo Ngọc Dương
Nhịp cầu đầu tư

phuongmai

Trở lên trên