MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán được lợi gì từ UPCoM?

Đây sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi “Nasdaq của Việt Nam” ra đời, bởi mọi giao dịch của NĐT đều phải thông qua các CTCK.

Thị trường UPCoM đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 24/06/2009 với mục đích thu hẹp “thị trường xám”, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các công ty đại chúng và các NĐT. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi “Nasdaq của Việt Nam” ra đời chính là các công ty chứng khoán (CTCK), những công ty được coi là các nhà tạo lập thị trường bởi mọi giao dịch của NĐT đều phải thông qua họ.

Hiện đã có tới 79 CTCK đăng ký tham gia trở thành tổ chức cam kết hỗ trợ thị trường, điều đó cũng có nghĩa “miếng bánh” phí giao dịch và tư vấn từ thị trường này không chỉ được “chia năm xẻ bảy”.

Theo ước tính của các chuyên gia, với giá trị giao dịch tại hai sàn chứng khoán tập trung hiện nay, nếu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/ngày thì các CTCK sẽ thu được phí môi giới trung bình 0,3%, tương đương 40-50 tỷ đồng mỗi ngày.

Khi thị trường UPCoM ra đời, dự kiến sẽ có giá trị giao dịch còn lớn hơn nhiều so với thị trường niêm yết bởi hiện tuy mới chỉ có 10 công ty tham gia niêm yết nhưng con số đó có thể lên tới gần 1.000 công ty. Điều này hứa hẹn sẽ đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho các CTCK từ phí môi giới và đó cũng là một trong những lý do khiến các CTCK là những đơn vị hào hứng nhất với thị trường này.

Trao đổi với InfoTV, TS. Lê Hồ Khôi, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Tràng An - 1 trong 5 CTCK có cổ phiếu niêm yết tại UPCoM - khi tham gia vào thị trường này, các CTCK càng có nhiều cơ hội cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng như có thể thu được một nguồn phí giao dịch. Ông Khôi cũng cho rằng khi tham gia cam kết hỗ trợ và trở thành nhà tạo lập thị trường, từng bước các CTCK sẽ ngày một phát triển hơn về nghiệp vụ của họ.

Cùng quan điểm với ông Khôi, TS. Nguyễn Thị Nam Hà, Phó Giám đốc CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) cho rằng, bản thân thị trường UPCoM đã hứa hẹn một nguồn hàng rất lớn, do vậy mà mức phí thu được rất nhiều.

Hơn thế nữa, bà Hà còn cho rằng “khi tham gia vào thị thị trường UPCoM, hầu hết các CTCK đều có nghiệp vụ Tư vấn tài chính nên họ sẽ có khả năng nhận được nhiều hợp đồng hơn bởi các công ty đại chúng đang có ý định niêm yết trên sàn UPCoM sẽ cần phải có một CTCK để làm tư vấn”.

Còn theo ông Lê Huy Hùng, Trưởng phòng Môi giới đầu tư CTCK Artex, các CTCK sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi số lượng khách hàng tăng theo. “Khách hàng của chúng tôi sẽ gồm các doanh nghiệp cần tư vấn để hoàn thiện hồ sơ lên sàn UPCoM và đối tượng khách hàng thứ hai là các NĐT cá nhân tham gia trao đổi hàng hóa trên thị trường này” – ông Hùng cho biết.

Theo ước tính của một số chuyên gia chứng khoán, khi thị trường UPCoM đi vào hoạt động ổn định có thể huy động một nguồn tiền khổng lồ lên tới 400.00 tỷ đồng của các công ty đại chúng hiện nay. Điều đó cho thấy những nguồn lợi mà các CTCK thu được từ thị trường UPCoM là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, “miếng bánh UPCoM” không chia đều cho tất cả, chắc chắn các CTCK sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt và phần thắng chắc chắn sẽ không thuộc về những công ty đặt lợi ích của mình lên trên hết.

Theo bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, các CTCK cũng nên hiểu rõ vai trò của họ khi tham gia thị trường UPCoM. “Mục tiêu chính của thị trường này là thu hẹp thị trường xám nên cần nâng cao vai trò của những nhà tạo lập thị trường. Điều đó có nghĩa các CTCK cần phải nâng cấp các dịch vụ của họ đối với các công ty đại chúng và đối với các NĐT”. Bà Lan cũng cho rằng, phí giao dịch và phí tư vấn cũng cần phải có sự cạnh tranh giữa các CTCK.

Như vậy, UPCoM ra đời không chỉ mang lại nguồn lợi to lớn đối với các CTCK mà hơn thế nữa, vị thế và vai trò của họ đối với thị trường cũng rất quan trọng, họ sẽ được hưởng cơ chế giao dịch thoáng hơn khi đươc xem như nhà tạo lập thị trường.

Việc UBCK cho phép các CTCK mua và bán cùng một loại cổ phiếu trong cùng một phiên giao dịch là một minh chứng cho thấy sự ưu ái đối với các nhà tạo lập thị trường. Đó vừa là lợi thế nhưng cũng là trách nhiệm gắn với đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên các CTCK trong việc tạo nên tính ổn định, minh bạch cho thị trường.

Theo Tuấn Trường
InfoTV

thanhtu

Trở lên trên