MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán: Hòa vốn là may

SBS bỏ hẳn mảng tự doanh, TLS, SSI chuyển tài khoản đầu tư sang công ty quản lý quỹ, VIS cắt giảm 20% chi phí nhân sự...

Vào những tháng cuối năm 2010, giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ xấp xỉ 2.000 tỉ đồng/phiên. Sang năm 2011, tình hình diễn biến tồi tệ hơn với giá trị trung bình mỗi phiên chưa tới 1.000 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh của các Công ty chứng khoán (CTCK) vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê, trong quý I/2011, đã có tới 12 công ty làm ăn thua lỗ. Trong đó, CTCK Sài Gòn (SSI) lỗ hơn 100 tỉ đồng. Lúc này, hầu hết các CTCK đều phải gác lại kế hoạch tăng trưởng và mục tiêu tồn tại được đặt lên hàng đầu.

Quay về hoạt động truyền thống

Sau báo cáo kiểm toán 2010, nhà đầu tư không quá bất ngờ khi hàng loạt CTCK làm ăn thua lỗ, kể cả các công ty lớn như Chứng khoán Kim Long (KLS), Chứng khoán Bảo Việt (BVS) hay VinaSecurities.

Thậm chí, có nhiều CTCK lỗ 3 năm liên tiếp và bị Sở Giao dịch Chứng khoán đình chỉ giao dịch.

Trước việc khó khăn có thể sẽ kéo dài trong năm nay, hầu hết các CTCK đều thu hẹp hoạt động để cắt giảm chi phí và tập trung vào các lĩnh vực truyền thống.

Được biết đến với thế mạnh về môi giới, nhân sự mảng này của CTCK TP.HCM (HSC) luôn có khoảng 500 người. Công ty cũng thường xuyên tuyển dụng và sàng lọc lực lượng này. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, HSC đã không tuyển thêm nhân viên mới nào.

Để giảm chi phí hoạt động, CTCK Quốc tế (VIS) đã cắt giảm mạnh nhân sự và điều chỉnh mức lương cho hợp lý. Tiến sĩ Phạm Linh, Tổng Giám đốc VIS, cho biết: “Mục tiêu là giảm 20% chi phí nhân sự”.

Mảng đầu tư (tự doanh) cũng được nhiều CTCK xem xét lại. Sau khi thua lỗ nhiều năm, CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) quyết định bỏ hẳn mảng này. “Theo kế hoạch, SBS sẽ thanh lý hết các khoản đầu tư cổ phiếu và sẽ không đầu tư nữa”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng Giám đốc SBS, cho biết.

Thay đổi cũng đang diễn ra ở nhiều CTCK khác. Chẳng hạn, CTCK Thăng Long (TLS) đã chuyển toàn bộ tài khoản đầu tư cổ phiếu OTC cho Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital, người anh em cùng cha là Ngân hàng Quân đội) từ đầu năm.

Cuối năm 2010, SSI đã chuyển phần lớn danh mục tự doanh cho Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM). SSI cho biết sẽ tiếp tục chuyển giao một số loại cổ phiếu khác theo thỏa thuận với SSIAM trong năm 2011.

Mất đi khoản thu lớn từ hoạt động tự doanh, SBS buộc phải tìm nguồn khác để bù đắp. Ông Hùng cho biết, sau khi hỗ trợ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai huy động thành công 60 triệu USD qua việc phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR), SBS đang liên kết với các doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động vốn bằng hình thức này. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường sang Lào và Campuchia cũng được đẩy mạnh.

Ngoài ra, HSC, TLS, VIS đều cho biết đang ưu tiên cho mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp. Ông Mạc Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc TLS, nói: “TLS sẽ tăng cường tìm kiếm đối tác chiến lược và cổ đông nước ngoài, đồng thời hạn chế các dịch vụ mang tính thủ tục như tư vấn niêm yết, phát hành, chia cổ tức vì giá trị mang lại không cao”.

Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng giảm hoạt động môi giới và đẩy mạnh mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp. Ở HSC, mảng môi giới là thế mạnh và được xem như hoạt động truyền thống. Vì thế, ngoài 4 phòng môi giới tại Hà Nội và 3 phòng tại TP.HCM Công ty dự định sẽ mở thêm 1 phòng hỗ trợ khách hàng cá nhân tại TP.HCM vào cuối tháng 5 này.

Đồng thời, HSC sẽ tăng thêm tiện ích là quản lý tài sản cho khách hàng. Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc HSC, cho biết: “Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các sản phẩm mới là mục tiêu HSC hướng đến”.

Thu xếp lại nội bộ

Ban đầu, kế hoạch lợi nhuận năm 2011 được nhiều CTCK đặt ra khá cao so với năm 2010. Tuy nhiên, sau quý I/2011, không ít công ty cho biết sẽ điều chỉnh giảm mạnh lợi nhuận cả năm, thậm chí chỉ đặt mục tiêu hòa vốn. Nguyên nhân chính vẫn là tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường không thuận lợi.

Vào đầu năm, SBS đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2011 là 250 tỉ đồng, nhưng cho đến nay, ông Hùng cho biết, Công ty chỉ dám kỳ vọng không lỗ vào cuối năm. SSI cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2011 khá thấp, chỉ 525 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với năm ngoái.

Chỉ tiêu lợi nhuận TLS thậm chí giảm tới hơn 80% so với năm 2010, còn 9,1 tỉ đồng. Chia sẻ về kế hoạch này, ông Huy, TLS, cho biết: “TLS đang chờ thời điểm thị trường hồi phục để bắt nhịp. Còn hiện tại, do thị trường khó khăn nên Công ty ưu tiên cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp”.

Không riêng gì TLS, trong giai đoạn thị trường trầm lắng, nhiều CTCK đã tranh thủ tái cơ cấu, hoàn thiện bộ máy doanh nghiệp. Thay đổi chủ yếu là giảm nhân viên môi giới, thay bằng hệ thống giao dịch điện tử.

Hiện tại, SBS, VIS, TLS đã hoàn tất thay phần mềm giao dịch trực tuyến để giảm thiểu sai sót. Đồng thời, VIS còn tăng cường thêm bộ phận kiểm soát nội bộ ngoài 2 bộ phận kiểm soát sau giao dịch và kiểm soát rủi ro tài chính.

Trong điều kiện hiện tại, ít có CTCK nào dám nghĩ đến chuyện mở rộng quy mô. Tuy nhiên, một vài công ty vẫn có hoạch tăng vốn để nâng cao năng lực hoạt động. Ông Hùng, SBS, cho biết Công ty sẽ công bố kế hoạch tăng vốn lên khoảng 2.000 tỉ đồng, dự kiến vào đầu quý III/2011. CTCK SME cũng không giấu kế hoạch tăng vốn từ 225 tỉ đồng lên 400 tỉ đồng trong năm nay.

Nhìn chung, các CTCK chỉ dám hy vọng vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, họ cũng mong chờ các cơ quan quản lý cho phép sử dụng một số sản phẩm mới (điều này đã được nhắc đến khá nhiều trước đây).

Theo ông Linh, VIS, với giá trị giao dịch trung bình chưa đến 1.000 tỉ đồng/phiên, sản phẩm hạn chế, mức phí giao dịch lại được quy định tương đối thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, việc hòa vốn trong giai đoạn này cũng đã là một mục tiêu khó khăn.

Theo Ngọc Dương
Nhịp cầu đầu tư

thuytn

Trở lên trên