MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán khôi phục phí giao dịch

Sau một thời gian các công ty chứng khoán dùng chiêu hạ phí nhằm thu hút khách hàng, nay thị trường hồi phục, tính thanh khoản ở mức cao, họ đang rục rịch đưa về mức cũ.

Từ 20/8, Công ty chứng khoán Bảo Việt bãi bỏ quyết định ưu đãi phí giao dịch cho nhà đầu tư, đồng thời áp dụng trở lại mức thu của tháng 3/2006.

Theo đó, phí giao dịch chứng chỉ quỹ là 0,25%. Riêng cổ phiếu, mức phí sẽ được tính căn cứ theo tổng giá trị giao dịch trong ngày. Cụ thể, giao dịch dưới 50 triệu đồng sẽ chịu phí 0,45%, từ 50 đến dưới 100 triệu là 0,4%, nếu khách hàng giao dịch trên 300 triệu sẽ phải trả 0,3%...

Vào giữa cuối tháng 3, thời điểm thị trường chứng khoán suy giảm, công ty này đã điều chỉnh biểu phí giao dịch ưu đãi cho nhà đầu tư chỉ bằng 50% mức cũ, áp dụng cho tất cả giao dịch mua.

Vào thứ sáu tuần trước, Công ty chứng khoán Quốc Gia (NSI) cũng đã nhắn tin đến khách hàng của mình về việc áp dụng biểu phí giao dịch mới. Theo đó, giao dịch dưới 150 triệu đồng, khách hàng sẽ bị áp phí 0,3%, từ 150 triệu đến 300 triệu là 0,25%, từ 300 đến 500 triệu tính 0,2%, và mức 0,15% sẽ dành cho giao dịch từ 500 triệu đồng trở lên.

So với biểu lãi suất ưu đãi cũ, mức phí mới đã nhích nhẹ. Trước đây NSI chỉ áp dụng khách hàng giao dịch trên 100 triệu đồng sẽ trả 0,2% và phí 0,25% cho giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thanh, sàn chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội tỏ ra khá đồng cảm với động thái điều chỉnh phí giao dịch ở các công ty chứng khoán thời điểm này.

Bởi sau một thời gian các công ty ế ẩm, khốn đốn vì doanh thu sụt giảm, lại còn giảm phí để thu hút khách hàng, thì nay thị trường đã khởi sắc trở lại, điều chỉnh phí là không tránh khỏi và cũng không gây khó hiểu cho nhà đầu tư.

Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cho rằng, tăng giảm phí không quá quan trọng đối với nhà đầu tư, mà quan trọng là chất lượng phục vụ, kết quả hoạt động kinh doanh.

Tổng giám đốc công ty chứng khoán Gia Quyền Trần Hoài Phương cho biết, khi thị trường ảm đạm, công ty chứng khoán san sẻ khó khăn với nhà đầu tư, tuy nhiên khi khó khăn đã giảm bớt, các công ty cũng phải "nghĩ" lại kết quả kinh doanh của mình.

Việc áp hoặc tăng phí trở lại cũng là điều dễ hiểu trong cơ chế thị trường. Các công ty chứng khoán cũng sẽ nhìn nhau để quyết mức phí giao dịch sẽ thu với khách hàng như một cách cạnh tranh.

Theo Bạch Hường
Vnexpress

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên