MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán kỳ vọng "thay máu"

Mặc dù chưa xác định một cách rõ ràng về sự hồi phục của TTCK, nhưng gần đây, làn sóng chuyển nhượng lượng lớn cổ phần lại bắt đầu diễn ra tại một số CTCK.

Đây được xem như là một sự "thay máu" tại các CTCK quy mô nhỏ.

Mặc dù chưa xác định một cách rõ ràng về sự hồi phục của TTCK, nhưng gần đây, làn sóng chuyển nhượng lượng lớn cổ phần lại bắt đầu diễn ra tại một số CTCK. Động thái này được coi như một sự "thay máu” tại các CTCK quy mô nhỏ, giúp các công ty tiếp nhận nguồn "năng lượng" mới trên con đường xác lập vị trí cho mình trên thị trường...

CTCK Việt Quốc đã chính thức thông báo về việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông sáng lập với tổng số vốn chuyển nhượng chiếm 70% vốn điều lệ (tương đương 3.150.000 cổ phần) và toàn bộ số vốn này được chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Trao đổi với báo giới, bà Giang cho biết, TTCK thời gian gần đây ấm lên là cơ hội để các CTCK năng động hơn trong việc cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư. Do vậy, việc mua lại 70% vốn điều lệ của Việt Quốc không nằm ngoài mục đích tái cấu trúc bộ máy Công ty, nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin... nhằm mở rộng đối tượng khách hàng cũng như gia tăng tiện ích cho nhà đầu tư.

Tới đây, ĐHCĐ của Việt Quốc sẽ được tổ chức để thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ ngay trong năm 2009 nhằm giúp Công ty có thêm tiềm lực tài chính để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

CTCK Phú Hưng cũng thay đổi cơ cấu sở hữu khi Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư Quang Huy thực hiện góp vốn trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng. Với giao dịch mua 1.785.000 cổ phần, Công ty Quang Huy nắm 14,7% vốn điều lệ của CTCK Phú Hưng.

Đại diện CTCK Phú Hưng cho biết, với việc thay đổi cơ cấu cổ đông góp vốn, Công ty mong muốn có sự “thay máu” thực sự, từ tên gọi đến phương thức hoạt động (tên gọi trước đây của Phú Hưng là Âu Lạc); việc tận dụng uy tín của cổ đông mới cũng là cách Công ty thu hút mở rộng mạng lưới khách hàng.

CTCK Hoa Anh Đào vừa được ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận việc chuyển nhượng trên 10% vốn điều lệ cho 2 tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài.

Cụ thể, Công ty Aizawa Securites Co., Ltd (Nhật Bản) nhận chuyển nhượng 594.500 cổ phần, chiếm 14,5% vốn điều lệ và Công ty Japan Asia Holding Co , Ltd (Nhật Bản) nhận chuyến nhượng 594.500 cổ phần, chiếm 14,5% vốn điều lệ của CTCK Hoa Anh Đào.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Quản lý kinh doanh - UBCK nhận định, xu hướng chuyển nhượng cổ phần tại một số CTCK là cơ hội để các công ty thay đổi tư duy hoạt động. Tuy nhiên, để vận hành tốt hơn hay hiệu quả hơn còn phụ thuộc vào ban lãnh đạo mới của công ty.

Ông Sơn cho biết, việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông dưới mức 10% vốn điều lệ thì chỉ cần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trường hợp chuyển nhượng trên 10% thì phải được UBCK chấp thuận.

Trước đây, đã có một loạt vụ chuyển nhượng cổ phần CTCK cho các đối tác nước ngoài và thực tế cho thấy, việc này đã làm "thay da đổi thịt" các CTCK. Điển hình như CTCK Hướng Việt chuyển nhượng 48,33% vốn điều lệ cho Morgan Stanley Holdings Pte (Singapore), CTCK Nhấp & Gọi (Click & Phone) chuyển nhượng 49% vốn điều lệ cho Công ty Golden Bridge (Hàn Quốc), CTCK Việt Nam chuyển nhượng 49% cho Ngân hàng RHB (Malaysia)...

Vụ chuyển nhượng cổ phần gần đây nhất là tại CTCP Chứng khoán Đại Tây Dương, nhưng đây là trường hợp chuyển nhượng nội bộ. Ông Nguyễn Minh Tuấn, cổ đông sáng lập của Công ty đang sở hữu 3.375.000 cổ phần (chiếm 25% vốn điều lệ) nhận chuyển nhượng 3.375.000 cổ phần (chiếm 25% vốn điều lệ) từ các cổ đông sáng lập khác nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên 6.750.000 cổ phần, chiếm 50% vốn điều lệ .

Theo một số chuyên gia, về cơ bản, việc chuyển nhượng lượng lớn cổ phần tại CTCK sẽ giúp luồng vốn được luân chuyển giữa các cổ đông (chủ yếu là cổ đông sáng lập), tạo cơ hội cho những ai có ý tưởng "táo bạo" có điều kiện thực hiện ý tưởng đầu tư của mình để điều hành công ty theo một cách mới.

Hiện nay, nhiều CTCK có quy mô vốn nhỏ mong muốn tìm đối tác để chung lưng đấu cật vượt qua khó khăn , nhưng điều này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Lẽ thông thường, các CTCK mong muốn tìm được đối tác nhận chuyển nhượng có tiềm lực tài chính mạnh, uy tín để có thể nâng quy mô vốn, đưa công ty thoát khỏi giai đoạn khó khăn trước mắt cũng như tạo bước chuyển đột phá về lâu dài. Vấn đề là các đối tác lớn có sẵn lòng hay không.

Theo Hải Vân
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên